Sách nói Hướng Dương đem ánh sáng tri thức đến người khiếm thị nhờ công nghệ

VOV.VN - Thư viện sách nói Hướng Dương là thư viện sách nói dành cho người mù đầu tiên ở Việt Nam, mang đến niềm vui, tri thức và niềm tin cho người khiếm thị trên cả nước.

Trong suốt 24 năm hoạt động bền bỉ, dự án thiện nguyện thư viện sách nói Hướng Dương mang lại ánh sáng tri thức và niềm tin cho gần 1 triệu người khiếm thị trên khắp cả nước với gần 2000 tựa sách, hơn 400.000 bản sách nói cho hơn 20 triệu lượt người truy cập.

Thư viện sách nói Hướng Dương - ngôi nhà của người khiếm thị

Từ một người khiếm thị được nghe, được khám phá thêm cuộc sống nhờ thư viện sách nói Hướng Dương, Lê Đức Vinh hiện đã trở thành một thành viên của thư viện và đảm nhiệm công việc phối nhạc cho sách nói.

Vinh chia sẻ, môi trường làm việc thân thiện giúp Vinh được làm công việc mình ưa thích và trở thành người có ích.

“Đối với người mù, tìm kiếm công việc rất khó khăn và để gắn bó với công việc lại càng khó khăn hơn nữa. Được làm công việc mình ưa thích, tôi rất trân trọng. Điều quan trọng hơn nữa, từ công việc này đã mang đến cho tôi khoản thu nhập có thể trang trải được cuộc sống của bản thân”, Vinh bày tỏ.

Là một giáo viên người khiếm thị dạy học cho các bạn khiếm thị, Thạc sĩ Lê Hồng Vũ Minh, thầy giáo khiếm thị Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu rất gắn bó với thư viện sách nói Hướng Dương, bởi đây được xem như “công cụ” đặc biệt hỗ trợ các bài giảng của thầy, cũng như chia sẻ niềm vui trong cuộc sống.

“Thư viện sách nói Hướng Dương dành cho người mù dưới cái nhìn của xã hội có thể đơn thuần chỉ là một tổ chức từ thiện dành cho người mù, nhưng lại là gia đình, là ngôi nhà với những người khiếm thị. Với chúng tôi, những người mù đã được nhận rất nhiều từ nơi này, thư viện sách nói chính là gia đình. Người mù đến thư viện sách nói được nhận sự chăm sóc, che chở, yêu thương như là về chính ngôi nhà của mình”, thầy Lê Hồng Vũ Minh nói.

“Người mù chúng tôi thường bảo nhau, đến thư viện sách nói chỉ được chứ không mất. Còn người sáng mắt đến thư viện sách nói phục vụ thì chỉ “mất” chứ không được. Người sáng mắt là các tình nguyện viên đọc thu âm sách nói và các ân nhân là để cho đi một phần vật chất, một phần công sức, một phần thời gian của bản thân để cho cả triệu người mù trên cả nước được nhận rất nhiều lợi ích”, thầy Lê Hồng Vũ Minh bày tỏ.

Hạnh phúc là sự sẻ chia

Gắn bó với thư viện sách nói Hướng Dương từ những ngày đầu, bà Huỳnh Thị Hồng Hà, Phó Giám đốc thư viện sách nói Hướng Dương cho biết, gần 25 năm hoạt động và nhất là 5 năm sau khi cố Giám đốc thư viện sách nói Nguyễn Hướng Dương qua đời, ban giám đốc cùng toàn bộ tình nguyện viên và nhân viên thư viện đều cố gắng duy trì thư viện sách nói này.

“Từ mục đích và ước mơ của cố Giám đốc Hướng Dương là mang ánh sáng tri thức đến cho người mù, chúng tôi vẫn chung tay hoạt động tích cực. Chúng tôi mong muốn không chỉ mang sách nói đến người khiếm thị, mà còn cả những người sáng mắt, vì thế chúng tôi luôn tôn trọng hình ảnh và nội dung sách của tác giả và nhà xuất bản, bằng cách giới thiệu chi tiết về nhà xuất bản, tác giả, năm xuất bản. Đó cũng là nỗ lực để có thể đảm bảo được vấn đề bản quyền cho mỗi đầu sách”, bà Hà cho hay.

Có rất nhiều số liệu có thể thống kê được về thư viện sách nói Hướng Dương, nhưng với bà Huỳnh Thị Hồng Hà cũng như nhiều người khác trong ban giám đốc, đến giờ này vẫn không thể thống kê được mình đã dành bao nhiêu thời gian/ngày, để đọc từng cuốn sách, sau đó là biên tập âm thanh, tạo nên cuốn sách nói hoàn chỉnh.

“Để ra một cuốn sách nói, hội đồng quản trị và ban giám đốc chọn mua sách phục vụ cho người khiếm thị. Các kỹ thuật phòng thu sẽ thu âm giọng đọc của các tình nguyện viên, sau đó sẽ làm hậu kỳ như xoá tạp âm, phối nhạc. Sau khi hoàn chỉnh cuốn sách nói thì bộ phận phụ trách trang web sẽ có trách nhiệm đưa lên trang web”, bà Hà cho hay.

“Điều đáng nói là kỹ thuật viên của chúng tôi lại chính là các bạn khiếm thị. Chính các em lại trở thành những “nhà biên tập” tận tâm, tài năng phối nhạc tạo nên cuốn sách hoàn chỉnh, dành cho những người khiếm thị khác. Có em nhờ tài năng và khả năng thẩm nhạc rất tốt của mình còn có thể nhận thêm dự án làm nhạc ở ngoài nữa. Điều này khiến chúng tôi rất tự hào”, bà Hà cho biết.

Ánh sáng sinh ra từ thanh âm, hiện lên từ những giọng nói, câu hát, điệu nhạc du dương. Những cuốn sách không chỉ mang lại những kiến thức xã hội, những câu chuyện cảm động, những bài văn hay, tác phẩm văn học nổi tiếng... cho những người khiếm thị mà còn mở ra cho họ một chân trời mới, tươi sáng hơn và đầy tràn ước mơ phía trước.

“Với những người khiếm thị, cố Giám đốc Hướng Dương để lại Thư viện sách nói. Với những người như chúng tôi, cô cho cơ hội để chia sẻ tình yêu và hi vọng, cơ hội đóng góp cho xã hội và con người, và qua đó, cho thêm cơ hội để được sống hạnh phúc hơn”, bà Huỳnh Thị Hồng Hà xúc động.

Theo bà Hà, bằng việc ứng dụng công nghệ, thư viện sách nói Hướng Dương đã đến được với nhiều đối tượng hơn. Thay vì những cuốn cassette thu âm, giờ đây chỉ bằng cú click chuột, những người khiếm thị có thể tiếp cận được rất nhiều thể loại sách như truyện văn học Việt Nam, truyện nước ngoài, hạt giống tâm hồn, kỹ năng sống, kinh tế, gia đình…

Cùng với việc duy trì sách nói, thư viện sách nói Hướng Dương còn thực hiện nhiều hoạt động như trao học bổng Ánh Sen, tặng gậy dò đường cho người mù, tổ chức giải cờ vua cho người mù và tổ chức lớp học sử dụng điện thoại thông minh cho người mù./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

"Tổ chim cúc cu" của chàng trai bại não và cô gái khiếm thị
"Tổ chim cúc cu" của chàng trai bại não và cô gái khiếm thị

VOV.VN - Hiệp đang có kế hoạch nhập thêm hàng để bán online, tăng thêm thu nhập. Vân ở nhà hỗ trợ Hiệp. Hai con người khuyết thiếu đang cùng nhau vun đắp để "tổ chim cúc cu" hoàn thiện.

"Tổ chim cúc cu" của chàng trai bại não và cô gái khiếm thị

"Tổ chim cúc cu" của chàng trai bại não và cô gái khiếm thị

VOV.VN - Hiệp đang có kế hoạch nhập thêm hàng để bán online, tăng thêm thu nhập. Vân ở nhà hỗ trợ Hiệp. Hai con người khuyết thiếu đang cùng nhau vun đắp để "tổ chim cúc cu" hoàn thiện.

Cuộc sống sau dịch ở xóm người khiếm thị bán vé số
Cuộc sống sau dịch ở xóm người khiếm thị bán vé số

VOV.VN - Sau khi được những nhà hảo tâm hỗ trợ vượt qua mùa dịch, người dân trong xóm khiếm thị bán vé số đã trở về với công việc cũ, nỗ lực xây dựng cuộc sống cho mình.

Cuộc sống sau dịch ở xóm người khiếm thị bán vé số

Cuộc sống sau dịch ở xóm người khiếm thị bán vé số

VOV.VN - Sau khi được những nhà hảo tâm hỗ trợ vượt qua mùa dịch, người dân trong xóm khiếm thị bán vé số đã trở về với công việc cũ, nỗ lực xây dựng cuộc sống cho mình.

Cô gái khiếm thị trở thành giáo viên khi chạm ngõ với đam mê Tiếng Anh 
Cô gái khiếm thị trở thành giáo viên khi chạm ngõ với đam mê Tiếng Anh 

VOV.VN - Cô gái nhỏ Khương Thị Bích Hằng đã không coi khiếm thị là điều bất hạnh, để từ đó vượt lên số phận và truyền cảm hứng học tập và sống tích cực cho những trẻ em đồng cảnh ngộ.

Cô gái khiếm thị trở thành giáo viên khi chạm ngõ với đam mê Tiếng Anh 

Cô gái khiếm thị trở thành giáo viên khi chạm ngõ với đam mê Tiếng Anh 

VOV.VN - Cô gái nhỏ Khương Thị Bích Hằng đã không coi khiếm thị là điều bất hạnh, để từ đó vượt lên số phận và truyền cảm hứng học tập và sống tích cực cho những trẻ em đồng cảnh ngộ.