Sai phạm nghiêm trọng kéo dài trong quản lý đất đai tại Kiên Giang

VOV.VN - Thông báo kết luận thanh tra số 636 của Thanh tra Chính phủ cho thấy tỉnh Kiên Giang đã có nhiều sai phạm trong quy hoạch, quản lý đất đai.

Theo nguồn tin riêng của VOV, chiều 4/5, tại Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang, ông Đặng Công Huẩn, Phó tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì cuộc họp thông báo Kết luận Thanh tra về việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2011 – 2017 của Thanh tra Chính phủ.

Thông báo kết luận thanh tra số 636 do ông Đặng Công Huẩn ký cho thấy tỉnh Kiên Giang đã có nhiều sai phạm nghiêm trọng trong công tác quy hoạch, quản lý-sử dụng đất đai, quản lý-khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn.

kien_giang_1_vov_rhyn.jpg
Sai phạm nghiêm trọng kéo dài trong quản lý đất đai tại Kiên Giang.


“Xẻ thịt” đất nông nghiệp, cấp đất rừng không đúng mục đích sử dụng

Theo thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ, từ 1/1/2016 đến 9/6/2017 Sở TNMT Kiên Giang cho phép tách 17.808 thửa đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Quốc với diện tích nhỏ (dưới 500 m2) không vì mục đích nông nghiệp, dẫn tới tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Quốc diễn ra hết sức phức tạp, gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai.

Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT, Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc và Vườn Quốc gia Phú Quốc đã buông lỏng quản lý rừng, dẫn tới các hộ dân lấn chiếm đất rừng, làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng lấn với diện tích đã cấp giấy chứng nhận quyền sử đất cho Vườn Quốc gia Phú Quốc trong thời gian dài nhưng chậm ngăn chặn xử lý.

Ban quản lý Khu kinh tế Phú Quốc cũng giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác khi chủ đầu tư chưa lập phương án trồng rừng thay thế và chưa đủ điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích không phải lâm nghiệp. Sở NN-PTNT cũng không đôn đốc chủ đầu tư các dự án có sử dụng  đất rừng để chuyển đổi sang mục đích khác lập phương án trồng rừng thay thế.


 

kien_giang_2_vov_dpqd.jpg

Theo thông báo kết luận, trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 6/2018, UBND huyện Phú Quốc và UBND các xã, thị trấn trực thuộc buông lỏng quản lý đất đai, trật tự xây dựng đô thị dẫn tới nhiều tổ chức, cá nhân xây dựng hạ tầng trái phép trên đất nông nghiệp nhằm mục đích phân lô, tách thửa đất nông nghiệp với diện tích nhỏ để chuyển nhượng.

Miễn giảm tiền sử dụng đất không đúng đối tượng, buộc truy thu hơn 800 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước

Giai đoạn từ 1/1/2016 đến 31/12/2017, Thanh tra Chính phủ đề nghị truy thu hơn 800 tỷ đồng nộp ngân sách nhà nước, đặc biệt có những dự án phải truy thu hơn 255 tỷ đồng do Chủ tịch UBND tỉnh, Cục thuế tỉnh và các cơ quan chức năng miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các chính sách ưu đãi khác không đúng quy định; Sở Tài chính Kiên Giang xác định sai giá đất… từ đó gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt không đúng thẩm quyền đơn giá đất cụ thể để làm căn cứ thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với 16 dự án đầu tư; UBND tỉnh Kiên Giang xác nhận ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bổ sung cho công ty TNHH Ngôi Sao được ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp nông thôn chưa đúng quy định của pháp luật dẫn đến Cục trưởng Cục thuế tỉnh miễn tiền sử dụng đất cho công ty chưa đúng, phải truy thu về cho ngân sách hơn 62 tỷ đồng; cho phép gia hạn nộp tiền sử dụng đất đối với công ty Cổ phần đầu tư phát triển du lịch Phú Quốc chưa phù hợp với quy định, phải truy thu gần 19 tỷ đồng; chỉ đạo không phạt chậm nộp đối với Công ty Cổ phần Sài Gòn Sovico Phú Quốc trái thẩm quyền, không đúng quy định của Luật quản lý thuế cần truy thu hơn 46 tỷ đồng.

Sở Tài chính Kiên Giang xác định sai giá đất cụ thể để làm căn cứ thu tiền sử dụng đất đối với dự án khu du lịch sinh thái đảo Phú Quốc của Công ty Cổ phần Sài Gòn Sovico Phú Quốc, gây thất thoát ngân sách gần 18 tỷ đồng.

Cục thuế giảm 50% tiền sử dụng đất đối với chủ đầu tư một số dự án trên địa bàn huyện Phú Quốc chưa phù hợp với quy định của pháp luật, cần phải truy thu gần 256 tỷ đồng; miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản đối với 10 dự án đầu tư khi chưa đủ điều kiện miễn giảm cần phải truy thu hơn 53 tỷ đồng; miễn tiền thuê đất theo chính sách ưu đãi đầu tư của pháp luật về đầu tư đối với 6 tổ chức được nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư cho phù hợp, phải thu hồi hơn 93 tỷ đồng; không phạt chậm nộp đối với một số tổ chức có hành vi chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định, chưa điều chỉnh đơn giá thuê đất theo quy định… cần phải thu hồi về cho ngân sách hơn 255 tỷ  đồng.

Ngoài ra, UBND tỉnh Kiên Giang không giao cho chủ rừng hoặc đơn vị có chức năng khai thác để khai thác tận thu gỗ rừng tại dự án Khu du lịch sinh thái Bãi Dài do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển du lịch Phú Quốc làm chủ đầu tư dẫn đến nguy cơ gây thất thoát gần 13.000 m3 gỗ.

Sai sót trong quản lý và trách nhiệm người đứng đầu

Cũng theo thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Kiên Giang đã chậm triển khai thực hiện điều chỉnh quy hoạch xây dựng phân khu chức năng trong Khu kinh tế Phú Quốc theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng huyện đảo Phú Quốc đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 633 và Quyết định 868 dẫn đến Ban quản lý Khu kinh tế Phú Quốc giao đất, cho thuê đất đối với một số tổ chức để thực hiện dự án đầu tư chưa phù hợp hoặc vượt diện tích so với chỉ tiêu sử dụng đất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 Những khu phân lô, tách thửa trái quy định ở khu Ba Trại, xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc (Ảnh chụp hồi tháng 4/2018, thời điểm cơn sốt đất đai ở Phú Quốc).
 Những khu phân lô, tách thửa trái quy định ở khu Ba Trại, xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc (Ảnh chụp hồi tháng 4/2018, thời điểm cơn sốt đất đai ở Phú Quốc).

UBND tỉnh Kiên Giang ban hành văn bản số 1898 ngày 15/11/2016 trong đó xác định không thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tại 20 bãi biển trên đảo Phú Quốc là chưa phù hợp với quy định tại Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; thiết lập hành lang biển tại khu vực Bãi Trường ở huyện đảo chưa phù hợp với quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

Thông báo của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ nhiều sai phạm trong việc quản lý đất đai và khoáng sản mà Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2011-2017 là người phải chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành chung; Thủ trưởng các sở, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trực thuộc chịu trách nhiệm chính đối với vi phạm thiếu sót đã nêu tại Kết luận thanh tra.

Đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang khắc phục nhanh các sai phạm, khuyết điểm

Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện các bước theo quy định của pháp luật để xem xét thu hồi chủ trương đầu tư, thu hồi đất đối với 43 dự án đầu tư chậm tiến độ nhiều năm. Kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc có biện pháp xử lý kiên quyết đối với các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, xử lý nghiêm hành vi sử dụng đất trái mục đích đối với đất nông nghiệp….

Mặt khác, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang phải khẩn trương chấn chỉnh các tồn tại, khuyết điểm trong công tác quản lý đất đai, khoáng sản và bảo vệ môi trường. Chấm dứt việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích đất trái với quy hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tăng cường công tác bảo vệ rừng, đặc biệt đối với rừng phòng hộ và Vườn Quốc gia Phú Quốc.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang khẩn trương báo cáo Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ phương án điều chỉnh Quy hoạch chung của huyện đảo Phú Quốc theo định hướng phát triển thành đơn vị kinh tế - hành chính đặc biệt theo chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Văn bản số 739/TTg-CN ngày 8/6/2018. Trong đó, đối với diện tích đất được quy hoạch mục đích sản xuất nông nghiệp nhưng sử dụng không hiệu quả, cần phải chuyển sang mục đích khác để đảm bảo sử dụng có hiệu quả nhất tài nguyên đất. Chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc có biện pháp xử lý kiên quyết đối với các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, xử lý nghiêm hành vi sử dụng đất trái mục đích đối với đất nông nghiệp trên địa bàn huyện; thanh tra việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các hộ gia đình, cá nhân liên quan đến đất rừng thuộc Vườn Quốc gia và Rừng phòng hộ Phú Quốc./.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Kỷ luật Chủ tịch, Phó Chủ tịch TP.Pleiku vì sai phạm đất đai
Kỷ luật Chủ tịch, Phó Chủ tịch TP.Pleiku vì sai phạm đất đai

VOV.VN - Ủy Ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai vừa thi hành các quyết định kỷ luật Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND TP Pleiku vì những sai phạm liên quan đến đất đai.

Kỷ luật Chủ tịch, Phó Chủ tịch TP.Pleiku vì sai phạm đất đai

Kỷ luật Chủ tịch, Phó Chủ tịch TP.Pleiku vì sai phạm đất đai

VOV.VN - Ủy Ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai vừa thi hành các quyết định kỷ luật Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND TP Pleiku vì những sai phạm liên quan đến đất đai.

Liên quan đến sai phạm đất đai, nhiều cán bộ ở Sóc Sơn bị kiểm điểm
Liên quan đến sai phạm đất đai, nhiều cán bộ ở Sóc Sơn bị kiểm điểm

VOV.VN - Liên quan việc xảy ra sai phạm đất rừng, nhiều cán bộ cấp xã, huyện của huyện Sóc Sơn bị kiểm điểm, xem xét trách nhiệm.

Liên quan đến sai phạm đất đai, nhiều cán bộ ở Sóc Sơn bị kiểm điểm

Liên quan đến sai phạm đất đai, nhiều cán bộ ở Sóc Sơn bị kiểm điểm

VOV.VN - Liên quan việc xảy ra sai phạm đất rừng, nhiều cán bộ cấp xã, huyện của huyện Sóc Sơn bị kiểm điểm, xem xét trách nhiệm.

Hàng loạt cán bộ, lãnh đạo vướng sai phạm đất đai ở Gia Lai
Hàng loạt cán bộ, lãnh đạo vướng sai phạm đất đai ở Gia Lai

VOV.VN -UBND tỉnh Gia Lai vừa công bố kết luận sai phạm liên quan đến việc san lấp, phân lô, bán nền dẫn đến phá vỡ quy hoạch thành phố Pleiku.

Hàng loạt cán bộ, lãnh đạo vướng sai phạm đất đai ở Gia Lai

Hàng loạt cán bộ, lãnh đạo vướng sai phạm đất đai ở Gia Lai

VOV.VN -UBND tỉnh Gia Lai vừa công bố kết luận sai phạm liên quan đến việc san lấp, phân lô, bán nền dẫn đến phá vỡ quy hoạch thành phố Pleiku.