Sai phạm nhưng trạm thu phí BOT Bắc Hải Vân vẫn “tận thu“
VOV.VN - Trạm thu phí BOT Bắc Hải Vân không chỉ sai phạm về tài chính mà còn sai phạm về vị trí đặt trạm, gây nhiều bức xúc đối với người tham gia giao thông.
Thanh tra Chính phủ vừa có Kết luận thanh tra chỉ rõ những sai phạm của Trạm thu phí BOT Bắc Hải Vân, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Trạm thu phí này được xây dựng nhằm hoàn vốn đầu tư hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia, do Công ty CP Phước Tượng - Phú Gia làm chủ đầu tư.
Ngoài những sai phạm về tài chính, chuyển nhượng góp vốn… thì dự án này còn sai phạm về vị trí đặt trạm, gây nhiều bức xúc đối với người tham gia giao thông.
Trạm thu phí Bắc Hải Vân gây nhiều bức xúc cho người tham gia giao thông. |
Ông Nguyễn Hữu Huy, trú quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng cho biết, gia đình ông thường xuyên đi qua thị trấn Lăng Cô thăm ông bà ngoại, không đi ra tới hai hầm Phước Tượng và hầm Phú Gia, không sử dụng hầm nhưng phải mua vé khi đi qua trạm thu phí Phước Tượng - Phú Gia ở phía Bắc hầm Hải Vân, mỗi lượt 35.000 đồng. Ông Huy bức xúc vì không sử dụng dịch vụ mà vẫn phải trả tiền một cách vô lý.
Ông Trần Mạnh Nhanh, chủ xe và là tài xế xe khách 43S-2119 chạy tuyến Đông Hà- Đà Nẵng cho rằng, xe ông đã đóng phí bảo trì đường bộ hàng năm. Từ năm 2016 đến nay, ông phải đóng thêm mỗi ngày 300.000 đồng cho quãng đường hơn 160 cây số bởi 3 trạm thu phí Bắc Hải Vân- Phú Bài và Đông Hà. Trong khi đó, thời gian lưu thông không rút ngắn.
Hầm Phú Gia làm một nơi, thu phí một nẻo. |
“Trạm BOT này thu phí cho 2 hầm mà lại đặt ở Lăng Cô. Đấy gọi là tận thu, người nào sử dụng thì người đó nộp tiền, người nào không sử dụng thì không nộp tiền, đó là quy luật. Xe 16 chỗ này ra Đông Hà nộp phí quá cao, một ngày 300.000/xe. Tôi kinh doanh nhiều ngày lỗ lại bắt buộc vừa thu phí VAT qua dầu, phí bảo trì đường bộ tất cả rồi. Nói thật là rất khổ cho nhà xe” – ông Nhanh chia sẻ.
Việc Công ty Cổ phần BOT Phước Tượng - Phú Gia đặt trạm thu phí cách cửa hầm Phú Gia hơn 10km buộc các phương tiện vận tải từ Cảng Chân Mây vào phía Nam và ngược lại phải đóng phí một cách vô lý, dù trên thực tế không đi qua hầm.
Ông Trần Mạnh Nhanh, chủ xe khách 43 S2119 bức xúc vì trạm BOT dày đặc. |
Theo ông Hiệp, Trạm thu phía Bắc Hải Vân có mấy cái sai, thứ nhất là chỉ cách Trạm thu phí Phú Bài hơn 50 km; thứ hai là đặt ngay trên Quốc lộ 1A, nhiều phương tiện không tham gia giao thông qua 2 hầm Phú Gia, Phước Tượng cũng phải đóng phí qua hầm.
Ông Tô Văn Hiệp cho biết thêm, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Vận tải đường bộ Đà Nẵng đã làm giá, ký hợp đồng trước đây, bây giờ phải chịu gồng mình chịu tăng chi phí nhưng không thể điều chỉnh hợp đồng tăng lên.
“Trạm đặt phía Bắc Hải Vân ai cũng biết là sai chỗ, theo tôi cần phải đặt lại đúng vị trí. Nếu ai tham gia giao thông qua hai hầm thì họ sẽ lựa chọn. Có những khách hàng không đi qua 2 hầm mà cũng phải chi phí thêm 2 vòng 400.000 đồng. Tăng như vậy là tăng chi phí vận tải, suy cho cùng là tăng chi phí xã hội. Phải xem xét lại hệ thống BOT để làm sao hài hòa giữa nhà nước và người tham gia giao thông” – ông Tô Văn Hiệp nói.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, nội dung hợp đồng dự án BOT Phú Gia - Phước Tượng không nêu rõ vị trí trạm thu phí và công nghệ thu phí. Quá trình thực hiện dự án, hai bên đã ký phụ lục điều chỉnh một số nội dung hợp đồng. Trong đó có bổ sung vị trí trạm thu phí ngoài phạm vi dự án (Bắc hầm Hải Vân) nhưng không điều chỉnh phương án tài chính của hợp đồng tương ứng nội dung bổ sung về vị trí đặt trạm thu phí ngoài phạm vi dự án.
Trao đổi với phóng viên VOV, ông Phạm Công Hưng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phú Gia - Phước Tượng, chủ đầu tư dự án cho biết, doanh nghiệp chỉ biết làm theo hợp đồng với nhà nước, còn vấn đề di dời trạm thu phí thì doanh nghiệp không biết.
“Có văn bản của UBND thị trấn Lăng Cô, Công an thị trấn và nhà đầu tư đã giảm giá cho người dân xung quanh thị trấn Lăng Cô. Còn việc đề nghị di dời trạm về phía hầm thì quan điểm thế nào? Cái này thuộc thẩm quyền của nhà nước. Tôi là nhà đầu tư chỉ biết thực hiện” – ông Hưng nói.
Mới đây, kết luận của Thanh tra Chính phủ đã nêu rõ việc Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận chuyển trạm thu phí về phía Bắc hầm Hải Vân khi đó không có đường song hành, dẫn đến giá trị doanh thu năm 2016 giữ nguyên không được chiết giảm 60%, điều chỉnh vốn đầu tư theo kết quả kiểm tra tổng mức đầu tư tăng sai hơn 44 tỷ đồng.
Từ những điều chỉnh này, thời gian khai thác thu phí hoàn vốn của hợp đồng phải điều chỉnh xuống còn 8 năm 6 ngày, giảm 11 năm 2 tháng 11 ngày so với hợp đồng trước. Kết luận là vậy nhưng chủ đầu tư BOT Phú Gia - Phước Tượng vẫn tiếp tục tận thu mặc cho người dân kêu trời./.