Sẵn sàng ấn nút khởi công Thủy điện Lai Châu
“Chúng tôi đã nỗ lực, cố gắng! không còn băn khoăn gì nữa, công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất, tất cả sẵn sàng đợi ngày khởi công”. Đó là khẳng định của ông Phạm Hồng Phương – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Thủy điện Sơn La – Lai Châu.
Đúng như ông Phương cho biết, dưới bàn tay của những người thợ thuộc Tập đoàn Sông Đà, Tổng công ty Trường Sơn, Tổng công ty xây dựng và phát triển hạ tầng Licogi... từng thi công thuỷ điện Hoà Bình, thuỷ điện Sơn La, chỉ trong mấy tháng qua đã tạo ra cơ sở hạ tầng, mặt bằng công trường và nhất là các hạng mục phòng chống lũ sẵn sàng cho ngày ấn nút khởi công và xây dựng nhà máy thuỷ điện Lai Châu, dự kiến vào cuối tháng 12 này....
Thủy điện Lai Châu có công xuất 1.200 MW được xây dựng trên bậc thang trên cùng của dòng chính sông Đà. Địa điểm xây dựng nhà máy thuộc xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Đây là công trình thủy điện lớn thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (sau Thủy điện Sơn La và Hòa Bình). Dự án Thủy điện Lai Châu dự kiến khởi công xây dựng vào cuối tháng 12/2010, phát điện tổ máy số 1 vào năm 2016 và hoàn thành công trình vào năm 2017. Sau khi dự án được phê duyệt, chủ đầu tư, các đơn vị tham gia thi công, UBND tỉnh Lai Châu, nhân dân địa phương đã khẩn trương vào cuộc triển khai các phần việc theo đúng tiến độ đề ra.
Mường Tè những ngày này có mưa, nhưng không vì thế mà công trường bớt phần sôi động. Tiếng máy xúc, máy ủi và cả tiếng anh công nhân trên công trường, vội vã và tấp nập. Từng đoàn xe chở đất đá, nhả khói đen, nẹt gha, oằn trên những con dốc hình “chữ V”. Dọc hai bờ sông Đà các dãy núi đã được xẻ ngang lưng, hình thành những cung đường, phía dưới ở độ sâu khoảng 30 đến 40 m dòng Đà Giang đục ngầu cuộn chảy, nhiều đoạn uốn lượn tựa như dải tóc người thiếu phụ, hiền hòa mà nên thơ, tạm cho chúng tôi quên đi không khí ngột ngạt của hàng trăm chiếc máy đang gầm lên dưới lòng chảo nhỏ. Những cơn mưa đang đổ về và cái lạnh những ngày đông ở Mường Tè xa xôi dường như không làm cho ai buốt giá.
Vẫn biết làm việc ở công trường thủy điện là muôn vàn khó khăn, thách thức, hay nói như Đại tá Đào Văn Tuấn - Giám đốc Ban điều hành Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn: “Không khó khăn, gian khổ thì không phải là đi làm thủy điện”. Khi chúng tôi được mục sở thị các đơn vị thi công trên công trường, với một địa hình khá phức tạp, mới phần nào hiểu được công việc của những người làm thuỷ điện thật không hề đơn giản. Đầu đội nắng mưa, đường đất toàn là đá dăm, bụi, ồn ào, người nào cũng bị mưa ẩm ướt, nhợt nhạt, nhưng rồi công việc thôi thúc, các anh như quên đi tất cả. Anh Định Văn Đại – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV sông Đà 98 (Tập đoàn sông Đà) nói: « Điều kiện đối với công trình bao giờ buổi đầu cũng rất khó khăn, chỗ ăn chỗ ở, rồi đường xá đi lại. Công ty chúng tôi được giao nhiệm vụ chính là đào hố móng kênh cống dẫn dòng, đến nay chúng tôi đã thực hiện được 2/3 khối lượng. Chúng tôi đã huy động thiết bị tối đa lên công trường, với cường độ đang thi công khoảng 8.000 -10.000m3/ngày. Khối lượng còn lại để bàn giao đổ khối bê tông đầu tiên của cống dẫn dòng sẽ hoàn thành đúng tiến độ ».
Đến thời điểm này, Chủ đầu tư (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đã tổ chức lập thiết kế, phê duyệt các hạng mục cần triển khai trước như: hạng mục dẫn dòng thi công giai đoạn 1; thiết kế mỏ đá phục vụ công trường và thiết kế các hạng mục đảm bảo chống lũ năm 2011. Đến nay, đường điện 110 KV Tuần Giáo – Thủy điện Lai Châu và trạm biến áp Thủy điện Lai Châu cũng đã hoàn thành công tác xây dựng đang được ngiệm thu và đóng điện. Riêng cầu vượt sông Đà mặc dù bị chậm tiến độ, nhưng nhà thầu đang thực hiện lao dầm và dự kiến thông xe kỹ thật vào cuối tháng 12/2010.
Cùng với việc chuẩn bị cho lễ khởi công, hiện nay phần lớn lượng máy móc, công nhân trên công trường đang tập trung thi công các hạng mục chống lũ năm 2011. Ồng Phạm Hồng Phương Phó giám đốc Ban quản lý dự án Thuỷ điện Sơn La - Lai Châu giải thích: thực tế hồ chứa thủy điện Sơn La đã đóng cống tích nước vì vậy việc thi công công trình dẫn dòng và các hạng mục công trình chính thủy điện Lai Châu sẽ bị ảnh hưởng của mực nước hồ chứa. Vì vậy để giảm thiểu tối đa khối lượng đê quây và hố móng kênh, cống dẫn dòng thì đê quây giai đoạn 1 phải được hoàn thành trước mùa mưa năm 2011, khi đó việc xây dựng đê quây không chịu ảnh hưởng của mực nước dâng hô Sơn La. Nếu công tác thi công không đảm bảo đắp đê quây giai đoạn 1, mùa cạn 2011, không hoàn thành mục tiêu chống lũ năm 2011 thì toàn bộ hồ sơ sơ đồ dẫn dòng và hồ sơ thiết kế kỹ thuật công trình dẫn dòng thay đổi, dẫn đến phải thiết kế lại, công việc này đòi hỏi thời gian và chi phí rất lớn. Nói như vậy để thấy được vai trò của đê quây và nhiệm vụ chống lũ năm 2011 rất quan trọng trong giai đoạn thi công hiện nay trên công trường.
Ông Phạm Hồng Phương cho biết: Ngoài cái việc đảm bảo mục tiêu khởi công công trình vào cuối tháng 12, còn một cái mục tiêu xa hơn là thực hiện những khối lượng cần thiết để đảm bảo mục tiêu chống lũ năm 2011, tức là đào hố móng kênh và cống công trình phía bên vai phải; thi công đổ bê tông kênh cống; đào đất đá mở rộng bên vai trái; đắp đê quây 300.000 m3 và bóc phủ mở đá 800.000 m3, tất cả các việc này phải được kết thúc trước tháng 5/2011, với điều kiện như thế này tiến độ đang được kiểm soát.
"Nậm Hàng, nơi thượng nguồn sông Đà vốn bình lặng, giờ trở nên nhộn nhịp. Dưới dòng sông, nước vẫn cuộn chảy, còn những công nhân ở đôi bờ vẫn ngày đêm thực hiện sứ mệnh đào núi ngăn sông”. Đó chính là một khẩu hiệu đang được hơn một nghìn con người nơi đây, bằng bàn tay khối óc của mình chinh phục tự nhiên, để đảm bảo cho ngày khởi công, rồi tiến tới đắp đập ngăn sông xây dựng công trình Thủy điện Lai Châu – Thủy điện lớn thứ 3 khu vực Đông Nam Á./.