San ủi rừng tự nhiên ở Quảng Ngãi để mở đường thi công cao tốc Bắc-Nam?
VOV.VN - Hạt kiểm lâm thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi cùng các đơn vị liên quan đã đi khảo sát và yêu cầu cung cấp hồ sơ liên quan đến vụ việc nhà thầu thi công cao tốc Bắc-Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi san ủi đường công vụ vào đất rừng tự nhiên.
Gần đây, có một số thông tin phản ánh nhà thầu thi công tuyến cao tốc Bắc-Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã san ủi đường vào khu vực đất rừng, tàn phá hàng nghìn m2 rừng tự nhiên, Hạt kiểm lâm thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu đơn vị này cung cấp hồ sơ liên quan đến vụ việc.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT chưa nhận được báo cáo về việc này. Bộ GTVT cũng đã yêu cầu các đơn vị liên quan có báo cáo cụ thể về những khó khăn, vướng mắc để có hướng xử lý.
Còn tại báo cáo gửi các cơ quan chức năng, Ban điều hành dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn cho biết, việc cải tạo đường công vụ trên là để vụ phục vụ thi công hầm chui số 2, 3 thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn trên tuyến cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 có san ủi 1 phần đất rừng trồng sản xuất mà đơn vị đã ký hợp đồng thuê của người dân địa phương.
Ông Nguyễn Tấn Đông-đại diện đơn vị thi công cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn cho biết, trong hồ sơ thiết kế kỹ thuật được Bộ GTVT phê duyệt tại văn bản số 34/QĐ-BQLDA2, để tiếp cận thi công hầm số 2, 3 thì phải mở tuyến đường công vụ dài 4,5km từ hồ Huân Phong (xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ) sang vị trí thi công (phía Nam hầm 2, phía Bắc hầm 3).
“Đây là tuyến đường làm mới hoàn toàn, diện tích đất rừng cần phải giải phóng khoảng 40.000m2. Trong đó Bộ GTVT có chỉ dẫn, khi triển khai thi công, nhà thầu căn cứ điều kiện thực tế được phép điều chỉnh hướng tuyến đường công vụ cho phù hợp”, ông Đông nói.
Đại diện đơn vị thi công cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn cho biết, trên cơ sở giới thiệu của chủ đất và người dân, kết hợp việc khảo sát thực địa, nhà thầu thi công nhận thấy để tiếp cận cửa hầm số 2, 3 nêu trên có tuyến đường dân sinh hiện hữu rộng khoảng 4-6m dùng để vận chuyển lâm sản (keo, bạch đàn người dân trồng trên núi) có thể cải tạo làm đường công vụ.
“Như vậy, việc tận dụng tuyến đường dân sinh này không những rút ngắn chiều dài đường công vụ từ 4,5km xuống còn 3,6km mà còn giảm thiểu diện tích rừng phải giải phóng mặt bằng”, đại diện đơn vị thi công cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn nói.
Theo vị này, sau khi cân nhắc các điều kiện nêu trên, nhà thầu thi công đã kiểm tra tuyến đường hiện hữu xác định tuyến đường này nằm hoàn toàn trong phần đất rừng sản xuất được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Văn Bon có ký hiệu loại đất trên bản đồ địa chính là RSM (Thông tư 55/2013/BTNMT quy định ký hiệu RSM là đất trồng rừng sản xuất) đang trồng keo và bạch đàn nên đã ký hợp đồng thuê đất và mượn tuyến đường dân sinh hiện hữu của ông Nguyễn Văn Bon (có xác nhận của UBND xã Phổ Khánh) để san gạt mặt đường, cải tạo khúc cua làm đường công vụ tiếp cận cửa hầm số 2, 3 đảm bảo cho việc vận chuyển thiết bị, vật liệu thi công hầm.
“Hiện nay, nhà thầu đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi để làm rõ các thông tin liên quan đến việc cải tạo đường khai thác lâm sản hiện hữu để làm đường công vụ phục vụ thi công dự án cao tốc Quảng Ngãi Hoài Nhơn xem có bị chồng lấn vào diện tích đất rừng tự nhiên hay không, để tránh ảnh hưởng đến dự án. Quan điểm của chúng tôi thực hiện dự án với mục tiêu bảo đảm chất lượng, kịp tiến độ công trình và tuân thủ các quy định của pháp luật, quy định của địa phương”, vị đại diện cho biết.
Được biết, trong sáng nay (1/6), Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi cùng Hạt kiểm lâm thị xã Đức Phổ và một số cơ quan chức năng cùng đơn vị thi công đường đã có buổi khảo sát thực tế hiện trường để có báo cáo chính xác nhất hiện trạng cũng như kiểu loại rừng ở đây.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Trần Chủng-nguyên Cục trưởng Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho rằng, từ trước đến nay, nhà đầu tư công trình giao thông hay các dự án giao thông nói chung hay gặp phải vấn đề phát sinh này.
Vì quy định là phải có đường công vụ để thi công đường, hầm. Trong đó nhà đầu tư có thể mượn, thuê đường dân sinh hiện hữu để thi công, sau đó hoàn trả như cũ, nếu không có đường thì phải mở đường công vụ. Ở dự án này, nhà đầu tư đã thuê đất rừng sản xuất của người dân để mở đường công vụ vào để thi công hầm.
Câu chuyện ở đây, khi 2 bên thỏa thuận thuê đất rừng sản xuất để làm đường công vụ là hoàn toàn có cơ sở, “sổ đỏ đất rừng thuê khoán của người dân thể hiện rõ điều này thì nhà thầu cao tốc Bắc-Nam họ mới làm”.
“Tôi nghĩ nhà đầu tư, chính quyền địa phương không nên đổ lỗi cho nhau mà cần vào cuộc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng cho phép chuyển đổi hơn 1.500ha đất rừng (rừng tự nhiên, rừng trồng và rừng sản xuất) để thi công toàn tuyến cao tốc Bắc-Nam rồi thì chỉ còn là vấn đề thủ tục cấp phép. Cao tốc Bắc-Nam xong sớm ngày nào thì sẽ thúc đẩy kinh tế của địa phương, của cả nước phát triển”, ông Chủng nói./.
Ngày 11/7/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 13. Ngay sau phần phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, UBTVQH đã xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa từ 2 vụ trở lên của Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông, giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, Nghị quyết 44 xác định Dự án đi qua 12 tỉnh, thành phố, với nhu cầu sử dụng đất sơ bộ được xác định là 5.481ha; trong đó đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên khoảng 1.532ha, đất rừng phòng hộ khoảng 110ha, đất rừng sản xuất khoảng 1.436ha.
Trong nghị quyết của Quốc hội, tỉnh Quảng Ngãi không có rừng tự nhiên trong quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng để thực hiện dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021- 2025./.