Sau cá chết, ngư dân miền Trung phải đi làm thuê kiếm sống
VOV.VN -Thời gian qua, do ảnh hưởng cá chết, hầu hết ngư dân phải ngừng đánh bắt, làm thuê đủ nghề để kiếm sống.
Hiện tượng hải sản chết bất thường ở các tỉnh Bắc Trung Bộ ảnh hưởng lớn đến đời sống ngư dân miền biển. Thời gian qua, cùng với hỗ trợ ngư dân vượt qua khó khăn, tỉnh Quảng Trị cũng định hướng, chuyển đổi nghề, tạo việc làm mới cho lao động vùng biển, giúp ngư dân dần ổn định cuộc sống.
Người dân miền Trung lao đao sau khi cá chết hàng loạt
Ngày 20/6 vừa qua, tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động định hướng, chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân. Đây là bước khởi động nằm trong kế hoạch dài hạn tạo sinh kế làm ăn cho ngư dân vùng biển.
Tại đây, 45 doanh nghiệp, công ty đã tư vấn, hỗ trợ và trực tiếp tuyển dụng xuất khẩu lao động. Bà Nguyễn Thị Mai, ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh cho biết, gia đình mấy đời làm nghề biển, chồng đánh bắt gần bờ, đi về trong ngày, còn vợ ở nhà làm nghề hấp sấy, sơ chế cá.
Suốt hơn 2 tháng qua, gia đình bà Mai gần như bỏ biển, không có việc làm, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Được hỗ trợ tư vấn, bà Mai đăng ký đi xuất khẩu lao động, làm việc tại Đài Loan.
Ông Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện có 5 doanh nghiệp may trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động. Ngành đang tập mở lớp đào tạo nghề, ưu tiên giải quyết việc làm cho người lao động vùng biển. Theo ông Hoàng Tuấn Anh, xuất khẩu lao động, đào tạo nghề bố trí việc làm tại chỗ là định hướng lâu dài của tỉnh, nhằm hỗ trợ ngư dân tìm việc làm mới.
Hiện nay, tại tỉnh Quảng Trị có đến 70% ngư dân làm nghề đánh bắt gần bờ. Thời gian qua, do ảnh hưởng cá chết, hầu hết ngư dân phải ngừng đánh bắt, làm thuê đủ nghề để kiếm sống. Một số bà con chuyển sang làm trang trại chăn nuôi bước đầu ổn định cuộc sống.
Ông Mai Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh cho biết, ngoài một số thanh niên trẻ tuổi đưa đi xuất khẩu lao động hoặc làm việc các khu công nghiệp, còn lại những người lớn tuổi, quen với nghề biển nên việc chuyển nghề rất khó khăn. Bà con vẫn mong muốn được nhà nước hỗ trợ vốn, cải hoán tàu thuyền để chuyển từ đánh bắt gần bờ sang xa bờ, giữ nghề truyền thống. Đề nghị cho vay vốn để nâng cấp sửa chữa, đóng mới tàu xa bờ, chuyển đổi qua nghề khác phù hợp với ngư trường. Nếu tăng cường đánh bắt xa bờ thì người phụ nữ hoặc lao động ở nhà sẽ làm dịch vụ kèm theo.
Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã phân bổ hơn 800 tấn gạo và 8 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân ven biển bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường hàng loạt. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị cũng đã vận động, ủng hộ hơn 10 tỷ và 92 tấn gạo cho ngư dân.
Tỉnh cũng trích gần 4 tỷ đồng từ Chương trình nông thôn mới, hỗ trợ lãi suất Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh cho 1.700 hộ ngư dân vay vốn làm ăn, chuyển đổi nghề.
Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh sẽ tổ chức hội nghị bàn giải pháp hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi nghề cho ngư dân; xây dựng các mô hình gia trại, nông trại vùng cát, thành lập những tổ hợp tác, vay tiền đóng thuyền công suất lớn hơn vươn ra ngoài 20 hải lý đánh bắt.
Hơn 2 tháng sau khi xảy ra hiện tượng cá chết bất thường, ngư dân miền biển tỉnh Quảng Trị đã bắt đầu dần ổn định cuộc sống. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa có Quyết định sửa đổi bổ sung về hỗ trợ khẩn cấp cho ngư dân Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên-Huế bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường.
Theo đó, sẽ tăng thời gian hỗ trợ gạo lên tối đa 6 tháng, bổ sung đối tượng hỗ trợ là hộ gia đình làm nghề muối và kéo dài thời gian thu mua, tạm trữ hải sản được hỗ trợ lãi suất thêm 1 tháng./.