Với diễn biến của dịch Covid-19 như hiện nay, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã xác định mục tiêu lâu dài “sống chung với dịch”. Tuy nhiên, để tiến tới cuộc sống bình thường mới và sống chung với dịch một cách an toàn cũng còn nhiều vấn đề đặt ra. Có thể dễ thấy nhất trong thời gian qua là dù tỷ lệ tiêm phủ vaccine ở nhiều nơi đã khá cao, nhưng nhiều địa phương vẫn nặng tâm lý e dè, phòng thủ và cân nhắc quá kỹ khi triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ và quy định của Bộ Y tế, dẫn đến tình trạng đến tình trạng cát cứ, cục bộ mỗi nơi thực hiện một kiểu theo quy định riêng, gây khó cho người dân và doanh nghiệp.  

Trong kết luận tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu: Các cấp, các ngành, địa phương lưu ý nếu ban hành các văn bản để cụ thể hóa thực hiện thì phải bám sát theo đúng và dứt khoát không trái với các quy định của Trung ương; tổ chức thực hiện phải thống nhất trên phạm vi toàn quốc, chấm dứt tình trạng cát cứ, cục bộ mỗi nơi thực hiện một kiểu theo quy định riêng...

Vậy để sống chung với dịch một cách an toàn, cần phải trang bị cho người dân sự hiểu biết chính xác, khách quan và khoa học về Covid-19. VOV.VN phỏng vấn TS Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ Sinh học (Viện Kỹ thuật Công nghệ cao, Đại học Nguyễn Tất Thành).

PV: Thưa ông, hiện tại chúng ta đang tiến tới trạng thái bình thường mới, xác định mục tiêu “sống chung với dịch”. Trong diễn biến dịch vẫn còn phức tạp, theo ông nên có cách nhìn nhận như thế nào để vừa phòng chống dịch, vừa sống chung với dịch một cách an toàn?

TS Bùi Lê Minh: Tâm lý e dè, phòng thủ và cân nhắc quá kỹ khi triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ và quy định của Bộ Y tế ở một số địa phương hoàn toàn có thể hiểu được. COVID-19 đã khiến cả thế giới bị động, nên với một quốc gia như Việt Nam chúng ta vốn cơ sở trang thiết bị cho ngành y chưa được đầy đủ và hiện đại, cũng như kinh nghiệm còn giới hạn trong việc ứng phó với đại dịch thì những nơi dịch chưa bùng phát hoặc mới xuất hiện sẽ tạo áp lực rất lớn.

Tuy nhiên, Việt Nam lại là một nước phát triển khá nhanh công nghệ thông tin và cơ sở hạ tầng cho truyền thông nên giữa các tỉnh thành hoàn toàn có thể trao đổi và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong công tác phòng chống dịch.

Tình hình dịch bệnh không cho phép lưu thông tự do giữa các tỉnh thành nhưng cũng không nên vì thế mà việc trao đổi thông tin cũng bị giới hạn. Bên cạnh đó, việc trao đổi các đoàn nhân viên y tế và tình nguyện viên hỗ trợ công tác phòng chống dịch giữa các địa phương ngoài việc hỗ trợ nhân lực còn giúp cho chính các địa phương gửi cán bộ đi có thể có những bài học thực tế khi các cán bộ quay trở lại phục vụ địa phương mình.

Ở giai đoạn trước, chúng ta đã thực hiện tốt việc kết nối các đội ngũ chuyên môn y tế để tham gia hội chẩn, chữa trị các bệnh nhân COVID-19, tôi nghĩ trong giai đoạn này, việc kết nối chia sẻ kinh nghiệm và xử lý tình huống diễn biến dịch tại các địa phương là việc rất cần làm.

SARS-CoV-2 sẽ không dễ dàng gì biến mất và theo thời gian, virus sẽ biến đổi nên diễn biến dịch sẽ luôn có biến động, việc trao đổi, học tập kinh nghiệm lại càng phải tiến hành thường xuyên. Sự liên thủ giữa các địa phương, nhất là các địa phương gần nhau về địa lý có vai trò chiến lược, có thể liên quan tới việc điều phối hàng hóa, lao động, phân bổ nguồn lực y tế, vaccine. Nếu như các địa phương chỉ tập trung chăm lo cho địa phương mình, tôi nghĩ dịch sẽ chỉ bùng lên ở nơi này rồi sẽ sang nơi khác và lặp lại. Cho đến thời điểm này, có lẽ TP.HCM và các tỉnh lân cận là nơi có kinh nghiệm nhiều nhất, những nơi khác nên tích cực trao đổi để ứng dụng với tình hình ở địa phương mình.

PV: Cũng do tâm lý lo ngại lây lan dịch bệnh, vẫn còn tình trạng một số địa phương vẫn thực hiện việc đi lại, ra vào mỗi nơi một kiểu. Ông nhìn nhận như thế nào về việc này?

TS Bùi Lê Minh: Tôi nghĩ vấn đề ở đây là do thiếu trao đổi thông tin trực tiếp giữa các cơ quan chức năng tham gia công tác phòng dịch ở các địa phương và việc ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tại các địa phương phải tự chịu trách nhiệm với tất cả các hoạt động của mình.

Mặc dù mỗi địa phương sẽ có những đặc trưng riêng, nhưng cũng không đến nỗi quá khác biệt đến mức phải có cơ chế quản lý riêng, lại gây phiền hà không đáng có cho người dân.

Trong mùa dịch có rất nhiều vấn đề phát sinh do các cơ chế phòng dịch làm thay đổi các thói quen sinh hoạt và quy trình làm việc, nếu các địa phương không chú trọng vào công tác tiếp dân, lắng nghe phản ánh của người dân thì sẽ rất dễ dẫn tới các chỉ đạo không sát thực tế và bất cập khi tiến hành. Sự không đồng đều về năng lực y tế và quản lý giữa các địa phương trước nay vẫn có, nhưng nếu thẳng thắn tự đánh giá năng lực và chủ động trao đổi, lắng nghe giữa các địa phương và với người dân, tôi nghĩ tình trạng này sẽ sớm được cải thiện.

PV: Với độ phủ vaccine như hiện nay, để tiến tới “sống chung với dịch” thì theo  ông việc phòng chống dịch, trong đó có công tác truy vết, cách ly cần thay đổi như thế nào để phù hợp với tình hình mới?

TS Bùi Lê Minh: Mặc dù chúng ta mới trải qua đợt dịch nặng nề nhất từ trước tới nay, nhưng cũng đã có nhiều bài học và quan sát thực tế về phương án đối phó với dịch. Nếu để cho các địa phương chưa trải qua đợt dịch lớn tự chủ hoàn toàn trong công tác phòng chống dịch thì chắc chắn sẽ không tránh khỏi lúng túng.

Bài học từ TP.HCM khi số ca nhiễm còn chưa nhiều thì việc truy vết, cách ly vẫn hiệu quả, nhưng để cân đối với nguồn lực địa phương thì cách thức làm cần phụ thuộc vào các đặc điểm dịch tễ. Khi số ca nhiễm còn ít, vaccine bao phủ thấp thì việc truy vết có thể thực hiện tới F2, F3 và thực hiện cách ly tập trung F1. Nhưng khi số ca nhiễm tăng cao mà vaccine vẫn còn phủ thấp thì phải tiến hành phong tỏa nhanh chóng khu vực lây nhiễm và phân bổ vaccine ưu tiên cho vùng xung quanh trước.

Khi số ca nhiễm còn chưa nhiều thì việc truy vết, cách ly vẫn hiệu quả

Khi tỷ lệ bao phủ vaccine đã đủ cao (trên 80% mũi 1) thì phương án cách ly, truy vết có thể giảm nhẹ, giảm bậc truy vết và giảm dần cách ly tập trung các trường hợp nghi ngờ có tiếp xúc ca bệnh. Lúc này, công tác truyền thông cũng cần phải thay đổi đồng thời. Chúng ta nên giảm dần các thông báo truy vết khi số người được tiêm vaccine nhiều lên, thay vào đó chỉ cần duy trì thông báo số ca mắc và chủ động liên hệ các trường hợp có thể truy vết, cũng như khoanh hẹp phạm vi cách ly. Các trường hợp F1 có thể được cách ly tại nhà nếu đảm bảo các điều kiện theo dõi sức khỏe và quản lý đi lại.

Nếu đã phủ vaccine tỷ lệ cao cả 2 mũi thì thậm chí không cần thực hiện truy vết, chỉ tập trung vào chữa trị và lập các đội chăm sóc sức khỏe lưu động để tiếp cận người bệnh ngay tại các khu dân cư. Điều này có ý nghĩa trong việc giúp người dân thích nghi về tâm lý với hoàn cảnh “sống chung với COVID-19” và tạo môi trường sinh hoạt, làm việc ổn định, giúp phục hồi kinh tế.

Việc duy trì loan báo truy vết, cách ly tập trung sẽ tạo ra sự bất ổn, rất khó để tiến hành các hoạt động xã hội, kinh doanh cần lên kế hoạch dài hạn. “Sống chung với COVID-19” là chấp nhận sẽ xuất hiện những ca nhiễm trong cộng đồng với phần lớn người mắc virus sẽ có triệu chứng nhẹ, không dẫn tới quá tải hệ thống y tế. Nếu như người dân vẫn quá e ngại với sự xuất hiện của các ca bệnh trong cộng đồng thì sẽ rất khó có thể thực hiện việc “sống chung” hiệu quả.

PV: Riêng với Thủ đô là vùng đặc thù, theo ông có cần những quy định riêng trong phòng chống dịch và nên theo cách nào thì hiệu quả?

TS Bùi Lê Minh: Thủ đô Hà Nội có rất nhiều chuyên gia y tế, dịch tễ đầu ngành nên các phương án phòng chống dịch tại Hà Nội chắc chắn đã có những cân nhắc chuyên môn cẩn thận.

Theo cá nhân tôi, Hà Nội cần cẩn trọng hơn những địa phương khác để đảm bảo cho hoạt động bình thường của các cơ quan đầu não và rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp khác. Ngoài ra, Hà Nội còn là trung tâm giao thương tới nhiều tỉnh lân cận nên trong khi các tỉnh gần Hà Nội chưa đạt mức phủ vaccine cao thì việc Hà Nội giữ được tỷ lệ ca bệnh thấp sẽ làm giảm nguy cơ cho các nơi khác.

Tuy nhiên, từ góc độ của người dân, doanh nghiệp thì một môi trường an toàn và ổn định trong thời gian này cũng rất cần thiết để phục hồi các hoạt động kinh tế. Trong khi đội ngũ y tế đang thực hiện các biện pháp phòng chống dịch thì tôi nghĩ vai trò của truyền thông rất quan trọng để người dân không quá sợ hãi mỗi khi biết thông tin về ca bệnh mới.

Hà Nội cần cẩn trọng hơn những địa phương khác để đảm bảo cho hoạt động bình thường của các cơ quan đầu não và rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp khác

Hà Nội chưa xảy ra dịch lớn như các tỉnh thành trong miền Nam, nên thông tin về dịch chắc chắn đã khiến không ít người lo lắng. Số ca mắc rất có thể sẽ tăng lại trong thời gian tới, người tiêm vaccine rồi vẫn có thể nhiễm bệnh và truyền bệnh cho người khác nhưng với tỷ lệ tiêm phủ vaccine cao thì phần lớn sẽ không phải can thiệp y tế. Việc chuyển dần sang hình thức cách ly F1 tại nhà và có thể tăng cường lực lượng giám sát sẽ phù hợp với việc duy trì các hoạt động trong điều kiện bình thường mới hơn.

Ngoài ra, Hà Nội cần chú trọng vào việc kiểm soát chặt các nguồn virus từ bên ngoài thông qua khách nhập cảnh. Chúng ta chưa biết tình hình dịch trong nước liệu có bùng phát trở lại không, nhưng chắc chắn một điều là nếu có thêm biến thể virus mới xâm nhập cộng đồng thì công tác phòng chống dịch sẽ còn khó khăn hơn nhiều. Là nơi có đủ điều kiện, Thủ đô có thể giám sát chặt chẽ sự lưu hành của các biến chủng trong cộng đồng và thường xuyên lấy mẫu ngẫu nhiên từ khách nhập cảnh để phát hiện sớm nguy cơ này.

PV: Theo ông, đã xác định “sống chung với Covid” thì nên sống chung như thế nào, trong đó có cả thái độ của người dân để không phải lúc nào cũng cảm thấy bất an, lo lắng?

TS Bùi Lê Minh: Sống chung với COVID-19 không có nghĩa là không quan tâm tới virus nữa mà thậm chí ngược lại là phải rất quan tâm và hiểu về nó. Phương án này phải có khoa học dẫn đường vì có những yếu tố phức tạp thay đổi thường xuyên nằm ngoài những giới hạn của hiểu biết căn bản.

Tuy nhiên, Việt Nam lại là một nước phát triển khá nhanh công nghệ thông tin và cơ sở hạ tầng cho truyền thông nên giữa các tỉnh thành hoàn toàn có thể trao đổi và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong công tác phòng chống dịch.

Người dân cần chủ động tiếp cận với các thông tin khoa học chính thống và tự giác thực hiện 5K ngay cả khi đã tiêm chủng đầy đủ. Sự bất an có nhiều phần đến từ những luồng thông tin sai, thuyết âm mưu, tin bịa đặt với chủ đích gây hoang mang trong cộng đồng hoặc phục vụ các mục đích sai trái.

Chỉ khi có hiểu biết đầy đủ thì người dân mới tự xác định được các nguy cơ của bản thân và người thân trong gia đình và có phương án sinh hoạt, làm việc phù hợp. COVID-19 không còn đáng sợ khi chúng ta đã có vaccine, có thuốc điều trị và nắm chắc phương thức virus lây lan. Các quy trình xét nghiệm, xác nhận ca bệnh, cách ly, theo dõi sức khỏe cần trở thành những hoạt động thường quy, thân thiện với người dân hơn và không gây ảnh hưởng nhiều tới các hoạt động xã hội.

PV:  Nhiều người cũng rất lo ngại việc trở lại trường của học sinh, khi mà nếu có ca trong trường học thì ngay lập tức việc học lại phải dừng?

TS Bùi Lê Minh: Đây là mối quan tâm chung của nhiều nước trên thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam, nhưng một điểm chung có thể nhận ra được là trường học hoàn toàn có thể hoạt động trở lại khi người lớn đã được tiêm chủng nhiều chứ phủ vaccine cho trẻ em không phải điều kiện cần.

Ở những nơi đang không có hoặc mức độ dịch chưa nghiêm trọng thì trường học vẫn nên hoạt động bình thường, song song với việc tiêm chủng cho người lớn. Nếu phát hiện ca bệnh ở trường học thì có thể đối xử như với khu vực dân cư, nhưng chúng ta có thể dự đoán tần suất xảy ra các sự kiện này không cao ở các khu vực an toàn. Với lợi thế là mức nguy cơ thấp ở nhóm tuổi này, các biện pháp phản ứng với tình huống phát sinh dịch cũng cần điều chỉnh.

Ở các tỉnh thành đã phủ vaccine tỷ lệ cao thì các trường hợp F0, F1 phát hiện ở trường học nên ưu tiên cho cách ly tại nhà dưới sự giám sát của gia đình và cơ quan y tế. Chỉ ngừng hoạt động của trường khi tới ngưỡng phát hiện ca bệnh cao, không nhất thiết phải liên tục đóng cửa trường học mỗi khi phát hiện ra một vài trường hợp F0.

Sáng 27/10, TP.HCM tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh tại huyện Củ Chi. Đây là địa phương đầu tiên tại Việt Nam triển khai tiêm chủng cho trẻ dưới 18 tuổi. 

PV:  Về phía nhà trường, theo ông cần lên phương án và quy trình xử lý như thế nào khi phát hiện ca bệnh?

TS Bùi Lê Minh: Từ phía trường học, công tác tổ chức lớp học theo nguyên tắc phòng dịch cần tiến hành khẩn trương và có khoa học, bao gồm việc tiêm phòng cho tất cả cán bộ công nhân viên, bắt buộc sử dụng khẩu trang toàn thời gian, vệ sinh tay khi ra vào lớp, tăng khoảng cách giữa các học sinh trong lớp học, có vách ngăn để giảm nguy cơ lây nhiễm, chia ca để giảm số học sinh đến lớp cùng lúc…

Bên cạnh đó, các trường học cần lên các phương án và quy trình xử lý khi xuất hiện các ca bệnh tại trường học và linh hoạt thay đổi phương thức giảng dạy tương ứng với các tình huống. Các thầy cô có vai trò quan trọng trong việc truyền đạt chính xác thông tin và thể hiện thái độ đúng mực đối với dịch bệnh cho học sinh, như việc tránh kỳ thị các trường hợp F0, F1 hay những học sinh mà gia đình quyết định không tiêm vaccine khi chương trình vaccine mở rộng cho lứa tuổi học sinh.

Nếu có thể đảm bảo việc quản lý theo các lớp học và giảm tối đa tiếp xúc giữa học sinh các lớp thì các phương án xử lý có thể khoanh vùng trong phạm vi lớp học thay vì toàn trường.

Cần bố trí sẵn các cơ sở phục vụ việc cách ly tại chỗ trong trường hợp phát hiện nhiều ca bệnh hoặc gia đình chưa tiêm đủ vaccine không đảm bảo được cách ly tại nhà. Nhà trường cần sự chỉ đạo, hỗ trợ từ các cơ quan khác để lên phương án phòng chống dịch: kết hợp với đội xét nghiệm lưu động để tiến hành tầm soát khoanh vùng nhanh trong trường hợp nhiều ca bệnh đồng thời xuất hiện, kết hợp với các tổ điều trị lưu động nếu phải thực hiện cách ly F0 ngay tại trường học.

Ngoài ra, tôi nghĩ đây là cơ hội cho việc giảm tải chương trình học. Từ góc độ của một người cũng tham gia vào công tác giáo dục, tôi thấy có thể giảm tải chương trình cho học sinh, chúng ta chỉ thiếu động lực đủ lớn để làm điều đó. Đây là hoàn cảnh bắt buộc, nhà trường không thể linh hoạt nếu chương trình vẫn nặng như cũ. Hãy biến khó khăn thành cơ hội, nếu Bộ GDĐT không làm trong đợt dịch này thì tôi nghĩ sẽ khó có thể thực hiện nhanh được.

PV: Mới đây Bộ GD - ĐT cũng đã có ý kiến về việc đi học lại của học sinh, địa bàn có dịch ở cấp độ 1, 2 được đi học trực tiếp. Nhưng “địa bàn” ở đây nếu được trỏ đến phường/xã thì theo ông cần phải thực hiện như thế nào để có hiệu quả cho cả người dạy và học?

TS Bùi Lê Minh: Đây là một phương án chắc chắn cần điều chỉnh tiếp cho phù hợp thực tế. Theo tôi, việc phân vùng địa bàn chỉ nên sử dụng để xác định mức độ hoạt động của trường học chứ không nên dùng để giới hạn khả năng đi học của học sinh.

Việc duy trì các phương án phòng dịch chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tới hiệu quả giảng dạy nên việc gì có thể đơn giản bớt thì nên làm. Ví dụ như ở Hàn Quốc họ xác định khả năng hoạt động của trường (dạy online hay trực tiếp, cấp nào được đi học, tỷ lệ học sinh đến lớp là bao nhiêu) đều dựa vào cấp độ dịch của khu vực hành chính lớn. Số ca trên khu vực cao quá ngưỡng thì chuyển lại học online, còn dưới ngưỡng thì vẫn đi học theo đúng giới hạn.

Việc chia học sinh theo nguy cơ của nơi sinh sống là không cần thiết và tạo khó khăn không đáng có trong công tác tổ chức trường học.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Thứ Hai, 06:12, 01/11/2021