(VOV)-Đây là chiến lược của Bộ Thông tin-Truyền thông thời gian tới khi tận dụng và phát huy hiệu quả của Internet cho phát triển đất nước.
Ngày 19/11/1997 là ngày đầu tiên Việt Nam hòa vào mạng Internet toàn cầu, mở đầu cho giai đoạn phát triển mạnh mẽ của Internet Việt Nam.
Theo đánh giá của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), đến năm 2011, Việt Nam đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á về tỷ lệ % người dùng Internet theo dân số.
Tính tới hết quý III/2012, Việt Nam có hơn 31 triệu người sử dụng Internet, chiếm tới hơn 35% dân số và đứng thứ 18/20 quốc gia có số người dung Internet lớn nhất thế giới, đứng thứ 8 khu vực châu Á và đứng vị trí thứ 3 ở khu vực Đông Nam Á. So với năm 2000, số lượng người dùng Internet ở nước ta đã tăng khoảng hơn 15 lần.
![]() |
Các đại biểu tham gia giao lưu tại lễ kỷ niệm |
Hiện nay, Internet đang trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống kinh tế-văn hóa-xã hội và có tới 1/3 dân số Việt Nam coi Internet là không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.
Từ năm 1997-2003, Việt Nam mới chỉ có khoảng 1,8 triệu người sử dụng Internet. Tuy nhiên, với thời kỳ băng rộng hữu tuyến, đánh dấu bằng sự ra đời của dịch vụ ADSL (5/2003), số lượng người sử dụng Internet đã phát triển nhanh chóng.
Từ năm 2003 đến nay, với 19 nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP), tỷ lệ và số lượng người dùng Internet đã tăng gấp 10 lần, từ gần 3,1 triệu người Internet (2003) lên hơn 31,1 triệu người dùng vào tháng 9/2012. Bên cạnh đó, sự ra đời của dịch vụ 3G (10/2009) đã đánh dấu thời kỳ phát triển của Internet băng rộng vô tuyến, số lượng người dùng sau 3 năm (tính đến tháng 7/2012) đã lên tới 16 triệu người sử dụng (18% dân số Việt Nam).
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 15 năm Internet Việt Nam do Bộ Thông tin-Truyền thông phối hợp với Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức sáng 1/12 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Lê Nam Thắng cho biết, để phát huy những thế mạnh của Internet, trong thời gian tới, Bộ sẽ đề xuất với Chính phủ tạo mọi điều kiện để thúc đẩy phát triển nội dung, các dịch vụ ứng dụng trên Internet. Bởi hiện ở Việt Nam đã có hạ tầng hiện đại, băng thông rộng, tốc độ cao, giá cước hạ nên đã hình thành xa lộ thông tin. "Nhưng nếu xa lộ đó không có nội dung thì cũng giống như một con đường không có xe cộ lưu thông, không có tác động thúc đẩy sự phát triển"- ông Thắng nói.
Song song với đó, Bộ Thông tin-Truyền thông sẽ tăng cường kiểm soát những hoạt động tiêu cực như lợi dụng Internet để đưa những thông tin kém lành mạnh, trò chơi games online mang tính chất bạo lực.v.v... Ngoài ra, Bộ sẽ cùng với các đơn vị khác đưa ra những biện pháp để đảm bảo an toàn, an ninh mạng.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Lê Nam Thắng, vì Internet là thế giới phẳng, không thể khoanh môi trường Intenret trong nước tách biệt quốc tế, do vậy các cơ quan quản lý sẽ chú trọng tới việc làm sao để có môi trường pháp lý tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh bình đẳng, vươn ra toàn cầu.
Tại lễ kỷ niệm, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng, đến khi nào Internet về nông thôn và số đông nông dân sử dụng được thì chúng ta mới thực sự tự hào về sự phát triển Internet.
Hiệp hội mong muốn người dân được sử dụng Internt với chi phí rẻ nhất, phù hợp điều kiện kinh tế. Để thực hiện được điều này, Hiệp hội mong muốn các nhà cung cấp dịch vụ chia sẻ lợi nhuận, ưu tiên đầu tư về nông thôn.
Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm, các đại biểu còn được giao lưu với các doanh nghiệp hàng đầu về Internet như VNPT, Viettel, VNG với chiến lược trong những năm tới sẽ phủ sóng đến tất cả các huyện ở vùng sâu, vùng xa; xây dựng hệ thống mạng lưới viễn thông Internet dựa trên kỹ thuật công nghệ cao, dung lượng lớn, phủ khắp lãnh thổ Việt Nam và cung cấp dịch vụ tốt nhất đến với người dân ở khắp mọi miền của Tổ quốc./.