Siết chặt quản lý chất lượng suất ăn trong trường học ở TP HCM

VOV.VN - Việc kiểm tra chất lượng nguồn thực phẩm đầu vào vẫn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc cho học sinh, đặc biệt là bậc mầm non và tiểu học.

Thời gian qua, mặc dù TP. HCM  đã quan tâm nhiều đến công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tuy nhiên, các vụ ngộ độc vẫn xảy ra. Tại nhiều trường học, việc kiểm tra chất lượng nguồn thực phẩm đầu vào vẫn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc cho học sinh, đặc biệt là bậc mầm non và tiểu học. Ban Quản lý An toàn thực phẩm cho biết sắp tới sẽ phối hợp với ngành giáo dục – đào tạo thành phố siết chặt tiêu chuẩn an toàn cho bữa cơm học đường.

Kiểm tra chất lượng nguồn thực phẩm đầu vào vẫn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc cho học sinh, đặc biệt là bậc mầm non và tiểu học. (Ảnh: Infonet).

Từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn TP đã xảy ra 28 vụ ngộ độc thực phẩm với trên 2 ngàn người bị ảnh hưởng. Tuy số vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học gần 6 năm qua không nhiều - chỉ 5 vụ với khoảng 300 học sinh bị ảnh hưởng - nhưng theo các ngành chức năng, điều này chứng tỏ vẫn còn lỗ hổng trong công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm tại trường học. Theo thông tin từ Phòng Quản lý Ngộ độc thực phẩm thuộc Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố, đa phần các vụ ngộ độc xảy ra đối với các suất ăn do cơ sở bên ngoài nhà trường cung cấp. Bánh ngọt hay trái cây tráng miệng là những món ăn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc cao trong số các vụ đã xảy ra.

Ông Nguyễn Đại Ngọc, Phó Trưởng phòng Quản lý Ngộ độc thực phẩm thuộc Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP cho hay: “Nguyên nhân của 5 vụ ngộ độc thực phẩm tại trường học chủ yếu từ vi sinh vật. Điều đó cho thấy quá trình sơ chế, chế biến, bảo quản và phân phối thực phẩm đang có vấn đề. Kiến thức của những người trực tiếp tham gia vào quá trình cung cấp suất ăn cho các em học sinh đang có lỗ hổng. Thiếu sự giám sát qua lại giữa người thụ hưởng và đơn vị cung cấp suất ăn”.

 Bên cạnh đó, điều kiện, thời gian chế biến cũng như cách thức vận chuyển hàng hóa của nhiều cơ sở vẫn chưa đạt chuẩn nên kéo giảm chất lượng các suất ăn. Thế nhưng, chính việc lơ là trong khâu kiểm soát nguồn gốc đầu vào thực phẩm tại một số bếp ăn, căng tin trong trường học mới là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng mất an toàn bữa cơm học đường.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP, từ trước đến nay, các trường chưa quy định rõ về chuẩn đầu vào thực phẩm cho các bếp ăn cũng như các cơ sở cung cấp suất ăn phục vụ học sinh. Vì vậy rất khó đánh giá đúng chất lượng bữa ăn. Do đó, thời gian tới, thành phố sẽ khuyến khích và dần tiến tới bắt buộc các trường học trên địa bàn phải đảm bảo vệ sinh an toàn đối với nguồn thực phẩm đầu vào cho các suất ăn. Chịu trách nhiệm chính về vấn đề này tại các trường sẽ là hiệu trưởng.

Bà Phạm Khánh Phong Lan nói: “Các trường có thể tự tổ chức bếp ăn hoặc mượn người bên ngoài vào nấu phục vụ học sinh. Tất cả những trường hợp này đều phải nằm trong hệ thống kiểm tra, kiểm soát. Thế nhưng nhà trường không thể chối bỏ trách nhiệm. Nhà trường thuê người bên ngoài vào nấu ăn, có chuyện xảy ra thì nói tại người ta là không đúng. Nhà trường phải có trách nhiệm lựa chọn đối tác và giám sát hoạt động của họ”.

 Sắp tới, Ban Quản lý An toàn thực phẩm sẽ phối hợp với ngành giáo dục – đào tạo thành phố tiến hành rà soát, thẩm định, cấp phép lại đối với tất cả các bếp ăn tập thể, căng tin trong trường học và tất cả những cơ sở, đơn vị liên quan đến vấn đề cung cấp suất ăn cho học sinh.

Quá trình thanh, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại hệ thống giáo dục phổ thông sẽ được tiến hành theo từng quý. Cùng với đó, các trường học tại 24 quận huyện được yêu cầu phải thiết lập hệ thống tự kiểm tra. Các trường học tại Quận 3 và Quận 5 sẽ thí điểm mô hình này.

Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT TP HCM cho biết: “Trong kế hoạch sắp tới, chúng tôi đặt nặng những yêu cầu về con người, về quản lý và về nguồn thực phẩm cung cấp cho nhà trường.

Theo đó, các trường có tổ chức bữa ăn bán trú phải thực hiện đúng theo quy định. Các trường có hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn sẵn bên ngoài cũng phải làm đúng các cam kết được đề ra”.

 Không chỉ đề ra những giải pháp giúp hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học, Ban Quản lý An toàn thực phẩm và Sở GD-ĐT còn hướng đến việc trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng để các trường chủ động thiết lập mô hình bếp ăn an toàn, suất ăn đảm bảo nhằm mang đến sự an tâm cho các bậc phụ huynh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

37 học sinh ngộ độc quả cây ngô đồng ở Nghệ An đã xuất viện
37 học sinh ngộ độc quả cây ngô đồng ở Nghệ An đã xuất viện

VOV.VN - Toàn bộ 37 học sinh trường Dân tộc nội trú huyện Quỳ Châu bị ngộ độc do ăn quả cây ngô đồng ngày 21/4 đã được xuất viện.

37 học sinh ngộ độc quả cây ngô đồng ở Nghệ An đã xuất viện

37 học sinh ngộ độc quả cây ngô đồng ở Nghệ An đã xuất viện

VOV.VN - Toàn bộ 37 học sinh trường Dân tộc nội trú huyện Quỳ Châu bị ngộ độc do ăn quả cây ngô đồng ngày 21/4 đã được xuất viện.

Gần 40 học sinh ngộ độc nghi do đồ chơi nhựa “quả bươm hôi”
Gần 40 học sinh ngộ độc nghi do đồ chơi nhựa “quả bươm hôi”

VOV.VN -40 học sinh tiểu học bị ngộ độc, trong đó có 26 em bị nặng phải nhập viện cấp cứu.  

Gần 40 học sinh ngộ độc nghi do đồ chơi nhựa “quả bươm hôi”

Gần 40 học sinh ngộ độc nghi do đồ chơi nhựa “quả bươm hôi”

VOV.VN -40 học sinh tiểu học bị ngộ độc, trong đó có 26 em bị nặng phải nhập viện cấp cứu.