Số ca mắc Covid-19 mới liên tục giảm, có phải là tín hiệu khả quan?
VOV.VN -Theo các chuyên gia, vẫn còn sớm để có thể đánh giá tình hình. Lo ngại nhất hiện nay là các mầm bệnh vẫn còn ở trong cộng đồng.
Từ ngày 4/4, số ca mắc Covid-19 mới bắt đầu giảm dần. Đến sáng 6/4, Việt Nam chưa có thêm ca mắc mới. Các chuyên gia đánh giá, dịch Covid-19 đã chuyển từ giai đoạn một sang giai đoạn 2 và 3.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, các ca mắc mới đã giảm bởi nước ta đã tập trung giám sát các ca bệnh nhập cảnh. Thời gian qua, số ca mắc được ghi nhận trong nhóm này cũng giảm.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam. |
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho rằng, mặc dù các ca mắc mới có xu hướng giảm nhưng vẫn chưa thể đánh giá được tình hình. Theo PGS Phu, thời điểm này, các ca bệnh trong cộng đồng mới là vấn đề cần quan tâm.
Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng cho rằng đây là một tín hiệu vui, tuy nhiên người dân tuyệt đối không thể chủ quan bởi còn quá sớm để đánh giá tình hình. Vì vậy, nếu không thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, dịch sẽ bùng lên như ở các nước trên thế giới.
“Trong thời gian quyết định này, người dân tuyệt đối không được lơi lỏng, vẫn phải giữ vững tinh thần "chống dịch như chống giặc". Bởi hiện nay, vẫn còn nhiều người chưa ý thức được tình hình, vẫn đi lại, không thực hiện giãn cách xã hội”- PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho biết.
PGS Phu cũng nêu rõ, hơn lúc nào hết, trong thời điểm này, chúng ta cần sự tự giác, trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình, xã hội, bởi chúng ta không biết ai nhiễm bệnh, ai không.
“Để dịch không bùng phát, người dân vẫn cần phải nghiêm túc thực hiện giãn cách xã hội và làm theo những khuyến cáo từ Bộ Y tế như không tiếp xúc gần; không đi ra ngoài khi cảm thấy không thực sự cần thiết; không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng; luôn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài kể cả khi làm việc và luôn đứng cách xa người khác 2 m; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hoặc bằng dung dịch sát khuẩn”- PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga cũng cho rằng, Việt Nam đang trong giai đoạn vàng để ngăn chặn dịch. Vì vậy, nếu thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, chúng ta giữ vững được thế chủ động chống dịch. Việc tuân thủ cách ly xã hội của người dân được xem là có ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công hay thất bại trong việc khống chế dịch.
Cũng theo BS Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn, việc thực hiện cách ly xã hội trong thời điểm này là hết sức cấp bách và cần thiết. BS Phúc cũng cho rằng, công tác chống dịch của chúng ta đang đi đúng hướng, vì vậy, nếu không thực hiện cách ly xã hội sẽ rất nguy hiểm.
(Ảnh minh họa) |
“Hiện không thể biết được ai mang mầm bệnh nên nếu không thực hiện cách ly 14 ngày thì sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy không thể chủ quan, phải thực hiện cách ly xã hội, giãn cách xã hội tốt; Thực hiện đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên. Đó là những việc làm bắt buộc người dân phải thực hiện”- BS Phúc khuyến cáo.
Tuy nhiên, BS Phúc cũng cho rằng, khả năng trong thời gian tới, số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 sẽ rất thấp, tuy nhiên đề phòng nguy cơ sẽ có những ca xâm nhập từ nước ngoài về từ biên giới Campuchia, Lào, vì vậy cần chủ động phòng chống dịch, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.
Tính đến 14h45 ngày 6/4, Việt Nam đã ghi nhận 241 trường hợp mắc Covid-19, hiện chưa có người tử vong; 95 bệnh nhân đã điều trị khỏi bệnh./.