Sơ kết 3 năm xây dựng nông thôn mới tại Kon Tum

VOV.VN - Sau hơn 3 năm triển khai, Tỉnh huy động được gần 660 tỷ đồng thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Sáng nay (23/5), tại thành phố Kon Tum, Ban chỉ đạo Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Kon Tum tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình này nhằm đánh giá kết quả, thống nhất các giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông thôn hoàn thành mục tiêu đề ra đến năm 2015.

Sau hơn 3 năm triển khai, tỉnh Kon Tum đã huy động được gần 660 tỷ đồng thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đối với 22 xã điểm giai đoạn 2010- 2015, đến nay xã Hà Mòn đạt chuẩn 19 tiêu chí, 1 xã đạt 16 tiêu chí và 20 xã còn lại đạt từ 5 đến 14 tiêu chí.

Để tạo động lực cho nông thôn phát triển, hoàn thành các tiêu chí đề ra trong từng giai đoạn, tỉnh Kon Tum thực hiện nhiều giải pháp, như: ban hành Đề án cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng một số công trình hạ tầng kinh tế- xã hội; Đề án phát triển cao su tiểu điền, cà phê chè vùng Đông Trường Sơn và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Chia sẻ kinh nghiệm của huyện Đắc Hà trong việc dùng chế phẩm sinh học trên diện tích cà phê già cỗi giúp người dân nâng cao thu nhập, ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện cho biết: “Diện tích cây cà phê của huyện Đắc Hà là 70% quá thời kỳ kinh doanh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo phải tái canh, nhưng qua tái canh gặp rất nhiều khó khăn, chưa hiệu quả. Từ đó, các doanh nghiệp cùng với nông dân sử dụng chế phẩm để kéo dài, tăng năng suất của cây cà phê. Hiện nay cây cà phê nếu tái canh là dưới khoảng 2 tấn nhân nhưng mà qua sử dụng chế phẩm được khoảng 4 tấn nhân, tức là khoảng 16 tấn tươi. Năng suất vẫn giữ ổn định như thời kỳ kinh doanh trước 20 năm”.

Trước thực tế Kon Tum là một tỉnh nghèo, mặt bằng chung nông thôn đang ở mức rất thấp, tại hội nghị, các đại biểu cho rằng để hoàn thành mục tiêu đến năm 2015, 20% xã trong tỉnh đạt tiêu chí nông thôn mới, cùng với tiếp tục đầu tư cho cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, mỗi địa phương, từng thôn làng phải xác định được tiềm năng, thế mạnh riêng có để phát triển nâng cao thu nhập.

Đối với Trung ương, tỉnh kiến nghị điều chỉnh lại tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa và tiêu chí số 16 về văn hóa cho phù hợp với thực tế cũng như đặc điểm vùng miền. Trung ương có cơ chế hỗ trợ vốn cho những xã, thôn đặc biệt khó khăn và quy định rõ về bộ máy, số lượng cán bộ chuyên trách giúp việc cho Ban chỉ đạo Chương trình nông thôn mới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên