Số người chết vì tai nạn lao động tăng trong năm 2010

Nguyên nhân do người lao động vi phạm các quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm hơn 29,5% các vụ tai nạn lao động

Theo báo cáo của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong năm 2010 trên toàn quốc đã xảy ra 5125 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 5307 người bị nạn. Mặc dù số vụ tai nạn giảm 18% so với năm 2009 (6250 vụ), số vụ TNLĐ có người chết lại tăng 9,27%: Năm 2010 có 554 vụ, 601 người chết, so với năm 2009- 507 vụ, 550 người chết.

Tai nạn lao động tập trung ở khu công nghiệp khai thác mỏ

9h00 ngày 13/4/2010, tại mỏ đá thuộc HTX Minh Tâm, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, xảy ra một vụ tai nạn lao động do nổ mìn, làm 02 người chết, 03 người bị thương.

9h30 phút ngày 9/5/2010, tại Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Vĩnh Kiên đóng tại ấp An Khương, xã Minh Hoà, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang xảy ra vụ tai nạn lao động do nổ nồi hơi làm 03 người chết và 15 người bị thương nặng.

21h25 phút ngày 14/5/2010 tại Công ty TNHH sản xuất vật liệu xây dựng Thành Công, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, xảy ra tai nạn lao động do các tảng liệu trong Buồng đốt bị sập xuống làm 02 người chết và 03 người bị thương.

19h10 phút ngày 13/8/2010 tại lò Phỗng thông gió số 3 vỉa G9, Vũ Môn thuộc công trường khai thác 2, Công ty cổ phần than Mông Dương, xảy ra tai nạn lao động do sạt lở, sập vùi than làm 03 người chết và 01 người bị thương.

3h50 phút ngày 12/11/2010 tại lò thượng số 2, vỉa 11 khu Nam, phân xưởng đào lò 2, Công ty TNHH MTV than Dương Huy – Vinacomin xảy ra tai nạn lao động do sạt lở, sập vùi than làm 03 người chết và 01 người bị thương.

Theo báo cáo của Cục An toàn Lao động, Bộ Lao động TBXH, các địa phương có số vụ tai nạn lao động chết người ở mức cao trong năm 2010 vẫn là những địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp khai thác mỏ, xây dựng và sử dụng điện. 10 địa phương để xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người nhất là TPHCM, Quảng Ninh, Hà Nội, Bình Dương, Hải Phòng, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Hải Dương và Quảng Bình.

Các địa phương Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Dương, số vụ TNLĐ giảm nhưng số TNLĐ nghiêm trọng và số người chết do TNLĐ tại tăng. Đồng Nai là địa phương thống kê được số vụ TNLĐ nhiều nhất, nhưng số vụ chết người và số người chết giảm nhiều so với năm 2009.

Thiếu kiến thức và trang bị BHLĐ là nguyên nhân chính

Những ngành nghề để xảy ra nhiều tai nạn lao động nghiêm trọng trong năm 2010 vẫn là khai thác mỏ, xây dựng, lao động giản đơn và thợ gia công kim loại, lắp ráp cơ khí. Theo thống kê, khai thác mỏ và xây dựng- 122 người chết chiếm tỷ lệ 20,29% trên tổng số người chết vì TNLĐ. Lao động giản đơn trong khai thác mỏ, xây dựng, công nghiệp…- 115 người chết chiếm tỷ lệ 19,13% trên tổng số người chết vì TNLĐ.

Đáng lưu ý, trong những yếu tố chấn thương gây chết người có tỷ lệ cao, rơi ngã có 134 người chết, chiếm tỷ lệ 22,29% trên tổng số người chết vì TNLĐ; điện giật có 98 người chết, chiếm tỷ lệ 16,3% trên tổng số người chết vì TNLĐ; do vật rơi, vùi dập có 75 người chết, chiếm tỷ lệ 12,47% trên tổng số người chết vì TNLĐ.

Ông Vũ Như Văn, Quyền Cục trưởng Cục An toàn
Lao động, Bộ Lao động TBXH
Theo đánh giá của Cục An toàn Vệ sinh Lao động, người lao động còn thiếu kiến thức về bảo hộ lao động, còn vi phạm các quy trình, biện pháp làm việc an toàn. Về phía người sử dụng lao động, có những doanh nghiệp chưa quan tâm đến huấn luyện về ATLĐ và không trang bị đủ thiết bị bảo hộ lao động (BHLĐ) an toàn.

Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, tuy các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực BHLĐ, ATLĐ hiện nay khá đầy đủ, nhưng nhiều quy định đặt ra mà không có chế tài ràng buộc, xử lý hoặc chế tài chưa đủ mạnh dẫn đến tình trạng người sử dụng lao động, người lao động (NLĐ) cố ý không chấp hành.

Ông Phan Đăng Thọ, Phó Chánh Thanh tra Bộ Lao động-TBXH cho rằng: Quy định thì có, nhưng chế tài chưa đủ mạnh, 1 vụ TNLĐ chết người chỉ bị xử phạt 3 triệu, trong khi ở các nước khác- những vụ tai nạn gây chết người bị xử phạt mạnh hơn rất nhiều (ví dụ, ở Singapore- tai nạn lao động gây chết người bị xử phạt 500.000 USD). Đối với NLĐ, mức xử phạt với trường hợp không sử dụng mũ BHLĐ- phạt 500.000 đồng. Nhưng trên thực tế cũng ít thực hiện, do tâm lý nể nang rằng, NLĐ có thu nhập thấp, không đang tâm xử phạt.

Một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, các hộ kinh doanh cá thể, các làng nghề, nông nghiệp chưa chú trọng tổ chức huấn luyện ATLĐ, VSLĐ cho người sử dụng lao động và người lao động nên việc vi phạm các quy định về An toàn - vệ sinh lao động và nguy cơ TNLĐ và bệnh nghề nghiệp rất lớn. Đáng chú ý, người lao động thời vụ là lực lượng có nguy cơ cao về mất an toàn lao động. Họ ít được đào tạo về bảo hộ lao động cũng như ít được chú ý trang bị thiết bị bảo hộ. Trường hợp TNLĐ xảy ra, họ cũng có thể bị “sót” trong các thống kê.

Theo ông Vũ Như Văn, Quyền Cục trưởng Cục An toàn Lao động, đối với lao động thời vụ, cần tăng cường thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các nguy cơ mất ATLĐ. Hiện nay, Cục An toàn Lao động đang kêu gọi tài trợ của các tổ chức quốc tế triển khai huấn luyện công tác ATLĐ. Năm 2010 chương trình huấn luyện công tác ATLĐ đã triển khai ở 5 tỉnh, hướng dẫn cho NLĐ về các nguy cơ TNLĐ trong gia đình, để từ đó tự bảo vệ mình. Thời gian tới, chương trình sẽ tiếp tục phát triển, chú trọng đến việc đào tạo giảng viên để nhân rộng ra các địa phương./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên