Sớm giải quyết bất cập khi thi công mở rộng Quốc lộ 19 qua tỉnh Bình Định
VOV.VN - Gói thầu XL01 thuộc Dự án kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên qua tỉnh Bình Định được triển khai thi công đã lâu nhưng còn vướng mặt bằng, một số người dân chưa đồng thuận vì cho rằng chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng chưa thoả đáng.
Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên qua huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định có chiều dài tuyến là 17km với 1.374 trường hợp bị ảnh hưởng, diện tích đất thu hồi 42.532 m2. Hiện nay UBND huyện Tây Sơn đã bàn giao mặt bằng toàn tuyến chính cho chủ đầu tư. Đối với hệ thống điện, huyện Tây Sơn đã bàn giao 89/92 vị trí móng trụ, còn 3 trụ nằm trên và dưới cầu Ba La do hộ dân chưa thống nhất giá trị bồi thường nên còn vướng mắc.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho biết, việc nâng nền quá cao so với nhà dân gây khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng. Ông Nguyễn Văn Khánh cho biết thêm, các đơn vị thi công thiếu sự phối hợp, thậm chí không cung cấp cho huyện Tây Sơn các kế hoạch thi công.
“Riêng nội dung mà bà con không cho thảm lớp 2 hôm nay chúng ta mới nghe nói chứ chưa có một báo cáo đến huyện. Các kế hoạch thi công của đơn vị thi công huyện Tây Sơn đã tổ chức nhiều cuộc họp nhưng không tổ chức cung cấp cho huyện, kể cả những vấn đề khác. Nhưng đơn vị thi công vướng chỗ nào huyện cũng cử lực lượng xuống phối hợp với nhà thầu thi công tháo gỡ ngay”, ông Khánh cho biết.
Hiện nay, việc thi công gói thầu XL-01 thuộc Dự án kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên qua tỉnh Bình Định còn nhiều bất cập. Cụ thể, mặt đường nhiều đoạn nham nhở đầy ổ gà do thi công cầm chừng, một số đoạn thi công dang dở nhưng không tưới nước để bụi bay mù mịt. Ngoài ra, tại khu vực cầu Ba La khi làm cầu tạm, nhà thầu chỉ làm một làn đường, trong khi đó, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên Quốc lộ 19 rất lớn, thường xuyên xảy ra tình trạng ách tắc giao thông.
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông Vận tải) – chủ đầu tư dự án chỉ đạo các nhà thầu thuộc Dự án kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên qua tỉnh Bình Định khẩn trương khắc phục các tồn tại, trước mắt, tập trung thi công các vị trí đã bàn giao mặt bằng.
Trong công tác giải phóng mặt bằng, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, thời gian qua, tỉnh Bình Định đã có nhiều văn bản chỉ đạo trong việc giải phóng mặt bằng Dự án kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên qua tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, UBND huyện Tây Sơn thiếu quyết đoán trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng.
“Tôi đề nghị huyện Tây Sơn rà soát lại bao nhiêu trường hợp còn vướng mặt bằng rồi phân nhóm đối tượng ra. Sở Tài Nguyên và Môi trường khi nhận phương án của huyện Tây Sơn phải làm ngay để giải quyết luôn. Bây giờ làm phương án nào có lợi cho dân, đúng quy định pháp luật thì làm. Giờ đến Tết Giáp Thìn 2024 phải làm kiểm kê, phê duyệt phương án, công bố giá cho dân và chi trả tiền cho dân toàn bộ. Qua Tết Nguyên đán yêu cầu bà con tháo dỡ nhà. Những đoạn nào thi công được thì yêu cầu nhà thầu khẩn trương thi công”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Sáng 11/01, ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cùng lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, Ban Quản lý 2 Bộ Giao thông Vận tải và nhà thầu thi công đã kiểm tra thực tế tại Dự án kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên qua tỉnh Bình Định. Qua kiểm tra, ông Nguyễn Duy Lâm cho rằng, giữa chủ đầu tư, nhà thầu thi công chưa phối hợp với chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện dự án.
“Tôi thấy có sự phối hợp không tốt. Trong quá trình thi công, đã có phương án, nếu thi công phát sinh gì thì báo cho chính quyền địa phương để có sự phối hợp. Lực lượng ở đây phải xem lại có đáp ứng được không? Còn đối với chính sách đền bù như thế nào, đó là thẩm quyền của địa phương, tiền dự án vẫn có nhưng địa phương quyết định thì dự án chi trả. Nguyên tắc là làm sao để người dân bị ảnh hưởng được bằng hoặc tốt hơn trước”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nói.
Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên tiến hành nâng cấp khoảng 127km Quốc lộ 19 và xây dựng mới khoảng 27km-35km tuyến tránh với tổng mức đầu tư gần 156 triệu USD. Trong tổng vốn đầu tư của dự án, vốn vay Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) của Ngân hàng Thế giới (WB) là 150 triệu USD; vốn đối ứng tương đương 3,7 triệu USD; viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia cho công tác thiết kế kỹ thuật là 2,1 triệu USD.