Sớm khắc phục bất cập trong Luật Bảo hiểm y tế
Sau gần một tuần triển khai khám chữa bệnh BHYT theo luật mới, nhiều bệnh viện bị quá tải trầm trọng. Còn người dân thì phải đến bệnh viện nhiều ngày mới hoàn tất một quy trình khám chữa bệnh.
Mới đây, Bộ Y tế tổ chức 6 đoàn thanh tra việc thực hiện khám chữa bệnh bằng BHYT tại 14 bệnh viện lớn trong cả nước. Qua đó, phát hiện Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam và Bộ Y tế có chỉ đạo khác nhau trong việc thực hiện khám chữa bệnh BHYT khi ban hành mẫu thẻ mới. Do sự chỉ đạo theo kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong lúc việc đổi thẻ chưa hoàn thành đã dẫn đến tình trạng: nhiều bệnh viện thực hiện chưa đúng quy định nên không đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.
Khi tất cả bệnh nhân đều khám chữa bệnh theo thẻ mới, quy trình thủ tục khám chữa bệnh những tưởng sẽ bớt phiền hà hơn. Nhưng thực tế đang diễn ra tại các bệnh viện ở TP. HCM sau gần một tuần triển khai vẫn chưa đáp ứng được những mong đợi của người dân.
Mệt cho cả bác sĩ và bệnh nhân
Đã gần 12 giờ trưa nhưng Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM vẫn đông nghẹt bệnh nhân. Trước phòng duyệt BHYT (BHYT), cả trăm bệnh nhân ngồi la liệt dọc hành lang chờ đợi đến lượt mình. Nhiều bệnh nhân hơn 70 tuổi đã đợi 2 tiếng đồng hồ mà vẫn chưa được khám bệnh.
Vừa khám bệnh theo thẻ BHYT mới, tuần qua bệnh viện còn cấp cứu hơn 300 bệnh nhân bị tai nạn giao thông. Bệnh viện khá lúng túng khi theo Luật BHYT mới. Bệnh nhân bị tai nạn giao thông chỉ được bảo hiểm thanh toán khi chứng minh không vi phạm luật. Thế nhưng, làm thế nào để chứng minh và ai sẽ cấp giấy?
Bác sĩ Trần Thanh Mỹ, Giám đốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP. HCM băn khoăn: "Chúng tôi không chứng kiến người ta bị tai nạn ở đường như thế nào, đúng luật hay không đúng luật. Từ mùng 4/1 đến giờ tất cả các ca tai nạn giao thông đều được cấp cứu trước. Chúng tôi không biết sau này BHYT có trả hay không. Với những người làm công tác chuyên môn thì việc cứu người bệnh phải đặt lên trên hết. Nếu bây giờ chúng tôi làm sai hay không thì sau này bệnh viện phải chịu?".
Bệnh viện Quận 3 (TP. HCM) cũng rơi vào tình trạng quá tải nghiêm trọng. Trước đây, mỗi ngày bệnh viện khám cho 1.000 bệnh nhân thì nay phải tăng gấp đôi, bởi theo Luật BHYT phần lớn bệnh nhân sẽ khám ở các tuyến quận, huyện. Trong khuôn viên bệnh viện đã xuống cấp, chật hẹp, nóng bức, nhiều bệnh nhân không giấu nỗi vẻ mệt mỏi.
Ông Bành Minh Chánh, ở Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh nói: "Tôi đến bệnh viên khám bệnh từ lúc sáng nhưng thấy không kham nổi nên ra về. Chiều tôi trở lại cũng không được tôi về luôn. Hôm nay tôi mới quay lại. Ngày trước, làm các thủ tục khám bệnh tốn ít thời gian. Nhà nước cần nghiên cứu giảm thời gian cho người đi khám bệnh càng nhiều càng tốt, tránh để tình trạng mỗi lần cán bộ nhân viên nhà nước đi khám bệnh mà mất cả buổi như thế này".
Theo Ban Giám đốc Bệnh viện Quận 3, bệnh viện đã tăng cường 10 nhân viên hỗ trợ bộ phận khám bệnh bằng BHYT nhưng phòng thu tiền khám bệnh vẫn làm việc không xuể. Nguyên nhân do phần mềm quản lý bệnh nhân theo quy định BHYT mới chưa được cập nhật nên phải tính thủ công.
Bác sĩ Phạm Thị Duyên, Phó Giám đốc Bệnh viện Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Phần mềm quản lý bệnh nhân chưa hoàn chỉnh nên bệnh viện gặp khó khăn trong quản lý hành chính hoặc thu phí nhanh để người dân không phải chờ lâu. Kinh phí làm phần mềm hoàn chỉnh đòi hỏi số tiền lớn trong khi Bệnh viện trực thuộc UBND quận nên chúng tôi đang dự trù xin kinh phí hỗ trợ thêm".
Sẽ không còn “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”?
Trao đổi với phóng viên Đài TNVN, ông Hoàng Kiến Thiết, Trưởng Ban cấp sổ thẻ, BHXH Việt Nam cho biết: Hiện nay, BHXH đang quản lý trên 50 triệu người. Đến thời điểm này, cơ quan BHXN đã cấp thẻ cho khoảng 60 đến 70 % số đối tượng.
Theo ông Hoàng Kiến Thiết, hiện nay đa số các tỉnh đều đã phát hành xong thẻ BHYT cho các nhóm đối tượng (thẻ còn giá trị sử dụng). Số còn lại là do cơ quan quản lý chưa chuyển cho chúng tôi danh sách người tham gia BHYT. Rõ ràng chúng tôi có muốn cũng không làm được… Cũng có 1 số trường hợp, thẻ chuyển về cho các tổ hưu, chuyển về cho những người có trách nhiệm làm công tác thương binh - xã hội ở phường, xã để chuyển đến cho người sử dụng lại không kịp thời. Nhiều trường hợp thẻ còn đang nằm đọng ở các ông tổ trưởng… Họ chờ đến khi nào phát lương thì họ trả thẻ. Đây là lý do có thẻ rồi nhưng chưa đến tay người sử dụng.
Hệ thống BHXH trên cả nước hiện nay cũng đang nỗ lực để in sớm thẻ BHYT cho các cá nhân thuộc các cơ quan đơn vị có đối tượng trong danh sách đóng BHYT.
Bộ Y tế vừa có giải pháp tình thế là vẫn giải quyết cho những người có thẻ BHYT mẫu cũ còn hạn sử dụng. Điều này trái với những quy định mà BHXH Việt Nam đã từng hướng dẫn các bệnh viện thực hiện. Tuy nhiên, ông Hoàng Kiến Thiết cho rằng: "Giải pháp của Bộ Y tế rất thích hợp để giải tỏa những khó khăn, bức xúc của người dân trong những ngày đầu tiên thực hiện Luật BHYT". Tuy nhiên, ông Hoàng Kiến Thiết nêu rõ, sẽ có một số khó khăn cho các cơ sở khám chữa bệnh là việc nhận biết quyền lợi của người khám chữa bệnh có thẻ. Các cơ sở khám chữa bệnh đã xây dựng phần mềm quản lý khám chữa bệnh theo bộ mã mới thì sau này họ sẽ phải cập nhật thẻ này theo cách thủ công. Chúng tôi là đơn vị tổ chức thực hiện sẽ phải thực hiện theo đúng những quy định của cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là của Bộ Y tế trong vấn đề này. Chúng tôi sẽ sử dụng tất cả con người và phương tiện để đáp ứng khi có người dân tham gia bảo hiểm tế thì trong thời hạn quy định của luật phải trả thẻ.
"Chúng tôi sẽ phối hợp với cơ sở khám chữa bệnh giải quyết những phát sinh vướng mắc ban đầu để việc khám chữa bệnh suôn sẻ. Đồng thời, chúng tôi cố gắng để giải tỏa tồn tại của việc chưa kịp thời phát hành thẻ trong một thời hạn sớm nhất (đến ngày 15/1) sẽ chấm dứt tình trạng nợ thẻ không trả cho khách hàng; Nhanh chóng đôn đốc cơ quan quản lý chuyển danh sách các đối tượng mà Nhà nước trợ cấp để làm thẻ" - ông Hoàng Kiến Thiết khẳng định./.