Sớm phủ sóng điện lưới tới những bản làng vùng sâu, vùng xa ở Sơn La
VOV.VN - Việc phủ sóng điện lưới quốc gia và đảm bảo tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện an toàn là một trong những vấn đề quan trọng được cử tri và nhân dân quan tâm, đặt ra tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Sơn La khoá XV, nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Nghị quyết của HĐND tỉnh Sơn La về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 đặt mục tiêu “Tỉ lệ hộ gia đình được dùng điện sinh hoạt an toàn đến năm 2025” đạt tỷ lệ 99%. Cử tri quan tâm tiến độ triển khai các chủ trương, chính sách, trong đó có Tiểu dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Sơn La từ khi được HĐND tỉnh phê duyệt, điều chỉnh các chủ trương đầu tư đến nay.
Trả lời chất vấn, ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La cho biết, năm 2021, toàn tỉnh còn khoảng 43.000 hộ chưa được sử dụng điện và đang sử dụng điện chưa an toàn. Việc triển khai có hiệu quả các dự án cấp điện đã nâng tỷ lệ số hộ dân được cấp điện lưới Quốc gia trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện tại đạt 99,5%; trong đó, tỷ lệ hộ được sử dụng điện sinh hoạt an toàn đạt 96,9%.
Sau khi rà soát các dự án từ các nguồn vốn đã đầu tư, Sơn La còn khoảng 4.000 hộ; trong đó có 1.000 hộ dân chưa được sử dụng điện và 3.000 hộ dân sử dụng điện không an toàn, (tỷ lệ tương ứng 0,33% chưa có điện, 1,01% có điện chưa an toàn, chưa có kế hoạch đầu tư).
"Sở Công thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét đầu tư từ nguồn phát triển năng lượng bền vững Việt Nam - EU đầu tư tiếp cho khoảng 2.000 hộ. Với số hộ còn lại gần 1.000 hộ ở xa khu dân cư không thể đấu nối vào điện lưới quốc gia, sẽ thực hiện việc phát triển các nguồn năng lượng tại chỗ như điện mặt trời, điện gió, thủy điện mini… để bà con được tiếp cận nguồn điện", ông Bắc cho hay.
Cũng theo lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Sơn La, dự kiến đến hết năm 2025, sau khi hoàn thành các dự án được đầu tư từ các nguồn vốn, sẽ đạt và vượt chỉ tiêu số hộ có điện và sử dụng điện an toàn.
Tuy nhiên việc triển khai các dự án còn nhiều khó khăn, nhất là việc dự án không bố trí kinh phí để bồi thường, giải phóng mặt bằng mà thực hiện tuyên truyền, vận động để nhân dân hiến đất còn vướng mắc, nhất là đối với các bản không thụ hưởng dự án nhưng phải hiến đất để dự án đi qua.
Về nội dung này, ông Nguyễn Thái Hưng, Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La cho rằng: "Việc giải phóng mặt bằng còn rất vướng, cần tiếp tục phối hợp giữa các huyện, thành phố, giữa ngành và chủ đầu tư, tuyên truyền để nhân dân hiểu được bản chất vấn đề, tham gia, hưởng ứng phong trào, ủng hộ và hiến đất. Còn trách nhiệm quản lý Nhà nước chúng ta sẽ thống kê, nghiên cứu phương án bồi thường theo quy định chính sách..."
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn cũng giải quyết các vấn đề nóng khác như việc đảm bảo an toàn thông tin với việc sử dụng căn cước công dân; tháo gỡ khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh trên động vật sau sáp nhập Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thành phố; giải quyết bất cập về thiếu hụt nhân lực y tế cơ sở, nhất là các xã mà điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.