Sơn La giải bài toán việc làm cho hàng chục ngàn lao động từ tỉnh ngoài trở về ra sao?
VOV.VN - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian gần đây, hàng chục nghìn lao động của tỉnh Sơn La từ các khu công nghiệp trong nước đã, đang trở về địa phương; nhiều người trong số này về từ các tỉnh phía Nam.
Để người lao động có cuộc sống ổn định trước mắt và lâu dài, bởi dịch Covid-19 dù đã cơ bản được kiểm soát, xong chưa kết thúc trong ngày một, ngày hai, các địa phương ở Sơn La đang tính nhiều phương án để giải bài toán về việc làm, thu nhập cho họ.
Những ngày qua, Phù Yên là một trong những địa phương có số lao động từ các tỉnh trở về nhiều nhất. Thống kê chưa đầy đủ, từ 5/10 đến nay, các lực lượng đã tiếp nhận hơn 2.000 công dân và người lao động, chủ yếu từ các tỉnh phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM trở về. Sau khi tiếp nhận, phân loại, sàng lọc, các công dân được bố trí, sắp xếp về cách ly ở các khu cách ly khác nhau từ huyện đến các xã, bản.
Ông Đào Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Phù Yên cho biết, các công dân và người lao động sau khi hết thời hạn cách ly sẽ được hướng dẫn về nơi cư trú để tiếp tục theo dõi sức khỏe cho ổn định. Về phương án đảm bảo đời sống cho các lao động này, huyện sẽ hướng dẫn họ tập trung sản xuất, canh tác trên diện tích nương, ruộng hiện có, cũng như đầu tư cho chăn nuôi gia súc, gia cầm… Với những lao động có nhu cầu quay trở lại các khu công nghiệp ngoài tỉnh để làm việc, bởi chúng ta hiện đã bước vào giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, huyện sẽ tiếp tục có những hướng dẫn, kết nối, đảm bảo để họ có việc làm, thu nhập.
“Các tỉnh ổn định dịch, bà con sẽ trở lại tiếp tục lao động vì thời điểm đó những người lao động cơ bản được tiêm xong 2 mũi vacine hoặc đã hoàn thành cách ly. Hiện nay toàn quốc sẽ thực hiện theo chỉ đạo mới nhất của Thủ thướng, về phía các nhà máy, cơ sở sản xuất, sẽ có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các phương án phòng chống dịch theo quy định”, ông Nguyên cho hay.
Tại huyện Thuận Châu, trong số hơn 21.000 lao động ra ngoài tỉnh làm thuê, hiện gần 12.000 người đã trở về địa bàn. Lực lượng lao động lớn, song phần lớn số này là lao động nông thôn, chất lượng lao động thấp, chủ yếu là lao động phổ thông, làm những công việc đơn giản, nên thu nhập thấp. Đặc biệt trong thời gian qua, diễn biến dịch bệnh phức tạp, lao động mất việc làm, không có thu nhập nên đời sống gặp nhiều khó khăn.
Để giải quyết khó khăn trước mắt của người dân, ngoài thống kê, giải quyết kịp thời các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước cho người dân bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; kêu gọi sự quyên góp, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân chung tay hỗ trợ nguồn lực để phòng chống dịch nói chung và giúp đỡ những người gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nói riêng, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thông tin thị trường lao động, việc làm, kết nối cung – cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm để người lao động có việc làm sau khi tình hình dịch bệnh ổn định.
Ông Đinh Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu cho biết: “Khi đi làm công nhân mỗi tháng lương được 6-7 triệu đồng, trừ chi phí ăn uống vẫn có thể tiết kiệm được 1 vài triệu đồng, như vậy vẫn đỡ hơn ở nhà. Hiện nay, nhiều người không có công ăn việc sẽ gặp khó khăn nhiều so với trước”.
Thống kê trong toàn tỉnh Sơn La, ông Nguyễn Mạnh Du, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Sơn La cho biết, số lao động địa phương ra tỉnh ngoài làm thuê là hơn 110.000 người; hiện một nửa số này đã trở về địa phương sau những ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trong bối cảnh dịch bệnh đang từng bước được kiểm soát, Chính phủ cũng đã ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, ngoài phối hợp với các địa phương hướng dẫn người lao động tập trung vào chăn nuôi, trồng trọt để ổn định đời sống, hiện ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh cũng đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, nhất là Trung tâm dịch vụ việc làm tăng cường kết nối cung - cầu lao động với các công ty, doanh nghiệp ngoài tỉnh để người lao động địa phương có việc làm, thu nhập.
Đề cập quan điểm nên giữ người lao động ở lại địa phương, hay khuyến khích họ đi làm việc ở tỉnh ngoài, ông Nguyễn Mạnh Du nói: “Hiện nay trong lúc tỉnh chưa tạo được nhiều việc làm cho người lao động để người dân có thể yên tâm làm ăn trên quê hương thì trong ngắn hạn, tỉnh xác định vẫn phải cho người lao động ra tỉnh ngoài làm việc. Trước mắt cũng giải quyết được khó khăn về việc làm và thu nhập cho họ”.
Những năm gần đây, Sơn La được biết đến là “hiện tượng nông nghiệp” của cả nước, bởi từ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tỉnh đã phát triển được 80.000 ha cây ăn quả và hiện đang cho hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ thoát nghèo.
Ông Du cho biết, định hướng lâu dài, Sơn La xác định tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông, lâm nghiệp; đẩy mạnh thu hút đầu tư các nhà máy chế biến lớn… để tạo công ăn việc làm và thu nhập cao cho người dân. Bên cạnh đó là nhân rộng các mô hình hiệu quả để người dân ổn định đời sống, sản xuất trên chính quê hương của mình, bởi như vậy sẽ hạn chế được các rủi ro về thu nhập, việc làm do tác động của các yếu tố bên ngoài, như dịch bệnh Covid-19 hiện nay./.