Sông Ba thấp thỏm đôi bờ

Nước mưa kết hợp nước lũ từ các hồ chứa thuỷ điện đã làm các vùng hạ du sông Ba ngập chìm trong biển nước. Lũ lại đe doạ cuộc sống của hàng nghìn người dân đôi bờ Sông Ba.

<< Vùng núi Bắc Bộ có nơi 7 đến 9 độ C
<< Mưa lũ đặc biệt lớn

Những ngày qua, mưa như trút nước xuống tỉnh Phú Yên và các tỉnh Nam Trung bộ,  khiến mực nước các hạ lưu các con sông dâng nhanh.

Đặc biệt tình trạng ngập lụt xảy ra ở hầu hết các vùng ven sông Ba thuộc các huyện Phú Hoà, Đông Hoà, Thị xã Tuy Hoà kể từ khi các công trình thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Phú Yên có thông báo xả lũ (19h ngày 1/11).

Sáng 2/11 nước trên sông Ba tại Phú Lâm chỉ xấp xỉ báo động cấp 1, vậy nhưng đến khoảng 17 giờ ngày 2/11 lũ đã vượt báo động cấp 3.

18h tối 2/11, nước lũ vượt kè Bạch Đằng, tràn vào thành phố Tuy Hoà. Chợ trung tâm và nhiều tuyến đường nội thành bị ngập sâu. Cả thành phố dáo dác chạy lũ. Nước lũ lên nhanh, thành phố mất điện trên diện rộng đã khiến cho công tác ứng phó khó khăn hơn. Người dân ở các vùng ven sông, nhất là vùng trũng thấp được điều động di dời khẩn cấp đến nơi cao để hạn chế thiệt hại. Và theo những người dân ven sông Ba, kể từ khi có thuỷ điện, thông tin xả lũ đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực của bà con mỗi mùa mưa đến.

Ông Huỳnh Văn Thế ở thôn Đông Phước xã Hoà An, huyện Phú Hoà nói: “Dân chúng tôi hễ nghe xả lũ tức là lũ đã bắt đầu vào nhà. Nhiều khi nước lũ lên nhanh từng phút, chỉ còn biết trèo lên cao”.

Điều đáng lo ngại là thông báo xả lũ ban ngày, sau gần 8 giờ, nước lũ dâng lên vùng hạ lưu đồng bằng Tuy Hoà, và đến đêm lũ ven sông Ba bắt đầu dâng cao. Điện cúp, thông tin liên lạc không nắm bắt kịp thời nên người dân rất khó xoay xỏa. Chưa nói đến thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản là khó tránh khỏi.

Ông Nguyễn Văn Quang, người dân ven sông Ba, thuộc xã Hoà An, huyện Phú Hoà nói: “Năm ngoái lụt to, cứ tưởng năm nay đỡ hơn, ai dè... Làm quanh năm suốt tháng, sau một mùa lũ là phủi tay, không biết bao giờ dân vùng trũng thấp ven sông Ba như chúng tôi ngóc đầu dậy được!”.

Sông Ba, con sông dài nhất của miền Trung và cũng là sông có hệ thống thuỷ điện bậc thang nhiều nhất với 9 công trình. Thuỷ điện sông Ba Hạ là bậc thang cuối cùng. Khi mưa lớn thượng nguồn, các hồ thuỷ điện phía thượng nguồn thuộc các tỉnh Kon Tum, Gia Lai xả lũ, lập tức lưu lượng về hồ thuỷ điện sông Ba Hạ tăng lên, buộc phải tiến hành xã lũ để đảm bảo an toàn hồ chứa.

Trong sáng 2/11, hồ thuỷ điện Sông Hinh xả lũ với lưu lượng 1.900 m3/s và tăng lên dần đến 2.000-2.500m3/s vào chiều 2/11. Trong khi đó, tại hồ thuỷ điện sông Ba Hạ, do lưu lượng nước về hồ quá lớn, kết hợp với thuỷ điện Ea Krông Năng xả lũ lưu lượng trên 2.000m3/s và hồ thuỷ lợi Ba Lá xả 1000m3/s nên thuỷ điện sông Ba Hạ đã quyết định xả lũ với lưu lượng 5.700m3/s từ 11h30 trưa 2/11.

Thế nhưng nếu chỉ tính đến yếu tố đảm bảo an toàn hồ chứa mà xả lũ bất chấp đến khi đạt yêu cầu của cơ quan chức năng quản lý công trình thuỷ điện thì lũ lụt sẽ gây ngập lụt cho vùng hạ du, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân. Và rõ ràng thiệt hại ở đây là không nhỏ và không thể tính hết bằng tiền.

Để có sự nhất quán trong điều tiết lũ, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 1757/QĐ- TTg về việc quy trình vận hành liên hồ chứa các hồ sông Ba Hạ, sông Hinh, Krông HNăng, Ayun Hạ và An Khê- Ka Nak trong mùa lũ hằng năm. Tuy nhiên không phải lúc nào các đơn vị quản lý các công trình thuỷ điện cũng thực hiện nghiêm túc vấn đề này. Bằng chứng là trong ngày 2/11, khi kiểm tra tình hình điều tiết lũ ở hồ thuỷ điện sông Ba Hạ, trước khi cơ quan chức năng Phú Yên (cụ thể là Trưởng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên) nhận được thông báo chính thức bằng văn bản về lưu lượng xã lũ thì đơn vị này đã cho xả lũ với lưu lượng 5.700m3/s và nếu không có ý kiến gay gắt từ phía lãnh đạo tỉnh Phú Yên rất có thể mức xả lũ đã không dừng lại ở đó.

Ông Nguyễn Đức Phú, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần thuỷ điện Sông Ba Hạ cho rằng công ty đã làm đúng quy trình vận hành liên hồ của Thủ tướng Chính phủ, còn lãnh đạo tỉnh thì cho rằng, Công ty không thực hiện theo đúng quy định và quy trình nào cả. Hậu quả thấy rõ là cả vùng hạ du mỗi khi hồ thuỷ điện xả lũ lại chìm trong biển nước.

Lãnh đạo UBND Tỉnh Phú Yên đã nhắc nhở cán bộ công nhân viên các nhà máy phải trực vận hành xả lũ 24/24 giờ, nghiêm túc thực hiện vận hành các hồ chứa thuỷ điện đúng Quy trình được Thủ tướng phê duyệt và sự chỉ đạo điều hành theo tình hình cụ thể của địa phương. Đồng thời có ngay công văn số 2458/UBND-KT ngày 3/11/2010 chỉ đạo chấn chỉnh việc vận hành các hồ chứa thuỷ điện trên địa bàn tỉnh, nghiêm khắc phê bình Công ty cổ phần Thuỷ điện Sông Ba hạ xả lũ không có báo cáo UBND Tỉnh Phú Yên.

Từ sáng 3/11, các hồ thuỷ điện trên địa bàn Phú Yên đã giảm lưu lượng xả lũ, trong đó thuỷ điện Ea Krông Năng đã ngừng xả, thuỷ điện Sông Hinh còn xả lưu lượng 1000m3/s và thuỷ điện sông Ba Hạ đang xả lũ với lưu lượng 3900m3/s nên mực nước lũ ở hạ lưu sông Ba đã giảm căng thẳng. Tuy nhiên nước sông vẫn ở mức xấp xỉ báo động 3, nhiều khu dân cư vẫn bị cô lập. Cuộc sống của hàng nghìn hộ dân vẫn loi ngoi trong nước.

Dự báo mưa lớn sẽ còn tiếp tục trong vài ba ngày tới do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Trời lại mưa, hồ thuỷ điện lại đầy và các hồ thuỷ điện lại xả lũ....cứ thế cuộc sống của người dân sống đôi bờ sông Ba thấp thỏm theo từng đợt xả lũ không biết đến bao giờ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên