“Sóng và máy tính cho em”: Chắp cánh ước mơ học trò nghèo Tây Bắc

VOV.VN - Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”, đã có rất nhiều địa phương, tổ chức, đơn vị, cá nhân tiên phong hưởng ứng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước thế hệ tương lai của đất nước.

Sự lan tỏa mạnh mẽ của Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp phát động vào tối 12/9 thực sự đã chạm đến trái tim của cả triệu đồng bào, trong đó có những người con Tây Bắc, bởi ước mơ của thế hệ tương lai giữa “lõi nghèo” của cả nước rõ ràng không còn xa vời.

 Ước mơ không còn xa xỉ

Là giáo viên nhiều năm lăn lộn ở vùng cao, thầy Nguyễn Bá Dũng, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Lang Thíp, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái thấu hiểu hơn ai hết những vất vả của học trò mình trên con đường tìm đến “cái chữ”.

Nằm ở địa bàn giáp ranh với Lào Cai, núi rừng hiểm trở, khoảng một nửa học sinh của trường là con em dân tộc thiểu số khó khăn, ở rải rác trong các thôn mà mới chỉ nghe tên đã nói lên sự hẻo lánh như Bùn Dạo, Làng Khoang, Làng Đam, Hang Gấu, Liên Sơn… Đây là những khu vực vùng lõm, sóng di động chỗ có chỗ không, thường chỉ có phụ huynh chủ động đón sóng để gọi cho thầy cô; còn muốn gọi lại thì gần như bất khả kháng; đó là chưa nói đến mạng internet để học trực tuyến.

“Đấy là chỉ riêng về sóng chứ chưa nói đến phương tiện. Vùng núi, vùng lõm thì đâu cũng thế thôi. Năm trước giãn cách, thầy cô còn phải giao bài thủ công, in ra thành phiếu bài tập phát cho học sinh làm, nhưng cũng không hiệu quả. Nghe nói tới Chương trình ai cũng háo hức, phụ huynh, thầy cô đều rất mừng”, thầy Dũng chia sẻ.

Còn tại huyện biên giới Nậm Pồ - địa phương mới chia tách của tỉnh Điện Biên, xuất phát điểm thấp, hiện vẫn còn gần 20% thôn, bản chưa có 3G, 4G và 60% chưa có internet băng thông rộng. Ngoài ra, toàn huyện có tới hơn 20.000 học sinh vùng sâu, vùng xa, việc sở hữu một thiết bị thông minh để học trực tuyến vẫn là một thứ gì đó rất xa xỉ. Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nậm Pồ, mục tiêu trang cấp đủ sóng, đủ máy tính cho học sinh vùng khó thành hiện thực sẽ thỏa mãn được niềm mong mỏi của không chỉ ngành giáo dục mà của toàn xã hội.

“Nậm Pồ là huyện miền núi đặc biệt khó khăn với 8/15 xã thuộc địa bàn biên giới. Chương trình 'Sóng và máy tính cho em' thực hiện thành công sẽ là tiền đề thuận lợi giúp cho học sinh tiếp cận được với một loại hình học tập mới, với trang thiết bị mà điều kiện gia đình các cháu không thể có được”, ông Sơn cho biết.

Khẩn trương hiện thực hóa Chương trình

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động Chương trình, đã có rất nhiều địa phương, tổ chức, đơn vị, cá nhân tiên phong hưởng ứng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước thế hệ tương lai của đất nước.

Tại Sơn La, tỉnh vùng cao có trên 90.000 học sinh thiếu sóng, thiếu thiết bị thông minh, trong đó nhiều trường hợp đang trong “tâm dịch” Phù Yên buộc phải học trực tuyến nhưng không đủ điều kiện. Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La, ngay sau lời kêu gọi của Thủ tướng, Sở đã phối hợp với ngành Thông tin và Truyền thông tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức Lễ phát động ở cấp địa phương trong thời gian sớm nhất.

“Sở Giáo dục sẽ thành lập Ban tiếp nhận vận động, từ đó xây dựng kế hoạch cùng các phương án để tiếp nhận, cũng như phân bổ máy tính cho các đơn vị đảm bảo công khai, công bằng và đúng đối tượng, làm sao phát huy tối đa được hiệu quả Chương trình”, ông Chiến cho hay.

Còn tại Lai Châu – địa phương khó khăn nhất Tây Bắc, rà soát của Sở Thông tin và Truyền thông cho thấy, toàn tỉnh vẫn còn khoảng 200 điểm lõm sóng và 900 thôn, bản chưa có internet mà 2 nhà mạng chủ lực là Viettel và VNPT vẫn chưa vươn tới. Ông Trần Văn Sáu, Phó Giám đốc Sở này cho biết, việc xóa trắng vùng lõm không chỉ là nhiệm vụ gắn với Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, mà còn phục vụ trực tiếp cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh.

“Sở đã chỉ đạo các nhà mạng có biện pháp nâng cao chất lượng dịch vụ. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông có giải pháp cụ thể, ưu tiên đầu tư cho các vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, điểm chưa có sóng, sóng yếu, mở rộng sóng 3G, 4G và mạng internet phục vụ việc dạy và học trực tuyến, giúp chính quyền thuận lợi trong chỉ đạo, điều hành”, ông Sáu nhấn mạnh.

Sóng và máy tính thôi chưa đủ

Mục tiêu của “Sóng và máy tính cho em” đặt ra, hết năm 2021, sóng internet sẽ phủ kín toàn quốc, 1 triệu học sinh, sinh viên khó khăn sẽ được trang cấp máy tính bảng. Sang giai đoạn 2 từ năm 2022 – 2023, phấn đấu không còn học sinh, sinh viên nào thiếu thiết bị để học trực tuyến.

Theo cô Hoàng Thị Hồng Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, bản thân là cán bộ giáo viên cốt cán, có thâm niên giảng dạy ở vùng cao, cô cảm nhận được rằng chưa bao giờ giáo dục được quan tâm, đầu tư mạnh mẽ như hiện nay. Những chương trình, dự án ưu tiên cho địa bàn khó khăn, nhất là trong kỷ nguyên 4.0 đã rút ngắn rất nhiều khoảng cách giữa các vùng miền, “về cơ bản vùng cao đã không còn thiệt thòi”.

Cô Hạnh cho biết, 2 trở ngại lớn nhất của giáo dục vùng cao là cơ sở vật chất và đội ngũ. Khi cơ sở vật chất đang ngày một nâng cấp, hoàn thiện thì về mặt đội ngũ giáo viên - “linh hồn” của các lớp học cũng phải chủ động, linh hoạt, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm mới mong thành công.

“Thực ra ngành giáo dục cũng có rất nhiều văn bản, đều kèm theo giải pháp, nhưng mọi người không được cứng nhắc mà cần phải áp dụng linh hoạt vào thực tế lớp mình giảng dạy thì chắc chắn sẽ thành công. Điều quan trọng nhất vẫn là sự tự đổi mới, tự học hỏi của các thầy cô, nếu các thầy cô không tự học hỏi, tự đổi mới thì có giải pháp bằng trời cũng chịu”, cô Hạnh chia sẻ.

Tại Lễ phát động Chương trình tối 12/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng lưu ý, sóng và máy tính là phương thức học tập mới đòi hỏi phải điều chỉnh phương pháp dạy và học, nhất là các thầy cô phải điều chỉnh nội dung, giáo trình, thời lượng và khối lượng kiến thức phù hợp để học sinh tiếp thu một cách tốt nhất, đặc biệt đối với các cháu bước vào lớp 1 và cuối các cấp học.

“Sóng và máy tính cho em” là chương trình mục tiêu hết sức quan trọng, như một món quà tặng đặc biệt ý nghĩa ngay đầu năm học mới với học sinh, sinh viên vùng khó, trong đó có các địa phương Tây Bắc.

Chương trình không chỉ hướng đến giải quyết khó khăn trước mắt do dịch bệnh Covid-19 của ngành giáo dục, mà mang tầm chiến lược, thúc đẩy phát triển bình đẳng, chuyển đổi số mạnh mẽ toàn xã hội, nhằm thực hiện tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh để “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, để “sánh vai với các cường quốc năm châu”, bởi thế, trách nhiệm thuộc về mỗi chúng ta./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Sinh viên tỉnh miền núi Sơn La phấn khởi khi có chương trình “Sóng và máy tính cho em”
Sinh viên tỉnh miền núi Sơn La phấn khởi khi có chương trình “Sóng và máy tính cho em”

VOV.VN - Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, học sinh, sinh viên nhiều vùng của tỉnh Sơn La đang phải học trực tuyến. Là địa phương miền núi, chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, kinh tế khó khăn, nhiều em không có thiết bị để kết nối học tập, sóng điện thoại yếu, thường xuyên nghẽn mạng...

Sinh viên tỉnh miền núi Sơn La phấn khởi khi có chương trình “Sóng và máy tính cho em”

Sinh viên tỉnh miền núi Sơn La phấn khởi khi có chương trình “Sóng và máy tính cho em”

VOV.VN - Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, học sinh, sinh viên nhiều vùng của tỉnh Sơn La đang phải học trực tuyến. Là địa phương miền núi, chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, kinh tế khó khăn, nhiều em không có thiết bị để kết nối học tập, sóng điện thoại yếu, thường xuyên nghẽn mạng...

Thầy trò vùng cao Sơn La háo hức với chương trình “Sóng và máy tính cho em”
Thầy trò vùng cao Sơn La háo hức với chương trình “Sóng và máy tính cho em”

VOV.VN - Năm học này, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La có hơn 36.000 học sinh ở 3 cấp học. Theo thống kê, có tới một nửa trong số này thiếu trang thiết bị cần thiết để học theo hình thức online.

Thầy trò vùng cao Sơn La háo hức với chương trình “Sóng và máy tính cho em”

Thầy trò vùng cao Sơn La háo hức với chương trình “Sóng và máy tính cho em”

VOV.VN - Năm học này, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La có hơn 36.000 học sinh ở 3 cấp học. Theo thống kê, có tới một nửa trong số này thiếu trang thiết bị cần thiết để học theo hình thức online.

VNPT hỗ trợ 37.000 máy tính bảng cho chương trình “Sóng và máy tính cho em”
VNPT hỗ trợ 37.000 máy tính bảng cho chương trình “Sóng và máy tính cho em”

VOV.VN - Tập đoàn VNPT cam kết hỗ trợ 37.000 máy tính bảng cho chương trình “Sóng và máy tính cho em” và đồng hành cùng ngành giáo dục rút ngắn khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

VNPT hỗ trợ 37.000 máy tính bảng cho chương trình “Sóng và máy tính cho em”

VNPT hỗ trợ 37.000 máy tính bảng cho chương trình “Sóng và máy tính cho em”

VOV.VN - Tập đoàn VNPT cam kết hỗ trợ 37.000 máy tính bảng cho chương trình “Sóng và máy tính cho em” và đồng hành cùng ngành giáo dục rút ngắn khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa.