Sự gia tăng đáng lo ngại của bệnh lây qua đường tình dục ở TPHCM
VOV.VN - Tại Hội nghị khoa học Nhiễm khuẩn lây qua tình dục tổ chức ngày 1/12, các chuyên gia cảnh báo về sự gia tăng đáng lo ngại của bệnh lây qua đường tình dục tại TPHCM.
Bệnh lây qua đường tình dục (STI) là các bệnh do vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng gây ra, lây qua quan hệ tình dục, đường máu hoặc từ mẹ sang con.
Các bệnh này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như: Vô sinh, biến chứng thai kỳ, hoặc gia tăng nguy cơ nhiễm HIV.
Tại Việt Nam, việc kiểm soát và điều trị các bệnh này đang gặp khó khăn khi các yếu tố xã hội và hành vi tình dục thay đổi.
BS.CKII Nguyễn Thị Phan Thúy, Giám đốc Bệnh viện Da liễu TPHCM cho biết, một trong những bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục đáng lo ngại là giang mai. Số ca mắc bệnh giang mai đã tăng mạnh trong những năm qua, cả ở Việt Nam và quốc tế, đặc biệt trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM).
Dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy, số ca mắc giang mai đã tăng 80% kể từ năm 2018, trong khi số ca giang mai bẩm sinh tăng đến 183%.
TPHCM hiện đứng thứ hai cả nước về tỷ lệ mắc giang mai. Kết quả giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho thấy, tỷ lệ mắc giang mai ở nhóm đồng giới nam cao và có xu hướng tăng theo thời gian, từ 6,7% vào năm 2011 lên 9,3% vào năm 2022.
Trong 5 năm từ 2018 đến 2023, TPHCM đã ghi nhận tổng cộng 35 ca giang mai bẩm sinh. Các biến chứng liên quan đến giang mai, như loét và tổn thương mô, gây khó khăn trong điều trị và có thể để lại hậu quả lâu dài cho người bệnh.
"Bệnh lậu cũng đang có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt ở nam giới và nhóm MSM. Tình trạng kháng thuốc đối với bệnh lậu đang là vấn đề nghiêm trọng trên toàn cầu. Tại Việt Nam, tỷ lệ kháng kháng sinh đối với lậu đã gia tăng đáng kể, với tỷ lệ kháng azithromycin từ 0,3% vào năm 2011 lên 4-6% vào năm 2021", BS Thúy phân tích.
Bác sĩ Thúy cho hay, bên cạnh đó, tình trạng nhiễm HPV ở những người có HIV cũng gia tăng ở nhóm MSM. Mặc dù hiện nay đã có các biện pháp điều trị hiệu quả và các phương pháp phòng ngừa như vaccine và phòng ngừa trước phơi nhiễm (PrEP).
Đáng chú ý, việc sử dụng PrEP để phòng ngừa HIV đã tạo ra một mối nguy hại nghịch lý: mặc dù PrEP giúp giảm nguy cơ nhiễm HIV, nhưng lại có liên quan đến việc gia tăng các bệnh lây truyền qua đường tình dục, đặc biệt là lậu và chlamydia.
Nguyên nhân là do hành vi tình dục mạo hiểm của người dùng khi cho rằng, không còn lo ngại về HIV khi sử dụng phương pháp PrEP.
“Những người có quan hệ đồng giới nam là nhóm dân số có nguy cơ rất cao mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Trong khi đó, tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn lậu chỉ còn là vấn đề thời gian, cho đến khi nó kháng với các liệu pháp điều trị cuối cùng. Các xu hướng này đặt ra thách thức lớn cho ngành y tế trong việc sớm tìm ra các giải pháp để kiểm soát các yếu tố nguy cơ, nâng cao nhận thức của cộng đồng”, BS CKII Nguyễn Thị Phan Thúy nhấn mạnh.