Sửa cầu Long Biên phải bảo tồn tính lịch sử của cầu
VOV.VN -Kinh phí để sửa chữa một cây cầu là không khó nhưng quan trọng sửa chữa phải có tính bảo tồn gắn với lịch sử phát triển
Ngày 18/2, tại cuộc họp giao ban báo chí, Thành ủy Hà Nội đã thông tin về một số nôi dung liên quan đến đề án cho thuê xe đạp công cộng, xây mới và sửa chữa cầu Long Biên, thu phí trên đường cao tốc Đại lộ Thăng Long…
Cầu Long Biên gắn liền với lịch sử phát triển của Thủ đô |
Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội cho biết: Đối với đề án cho thuê xe đạp, Sở GT-VT mới được thành phố giao theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. việc thực hiện đề án này không phải là làm được ngay cần có thời gian. Là cơ quan chuyên môn, chúng tôi đang phối hợp với tư vấn để nghiên cứu. “Ở đây chúng ta cần xác đinh rõ Hà Nội những năm trước đây là thủ đô xe đạp nhiều nhất thế giới và giờ đây cũng là thủ đô xe máy nhiều nhất thế giới. Đi xe đạp vốn dĩ có tiện lợi đảm bảo môi trường và thuận lợi cho mọi lứa tuổi. Tuy nhiên ở các nước phát triển có các đường dành riêng cho xe đạp cùng khu đi bộ. Ở ta chưa có điều kiện hạ tầng như vậy. Ở đây phải hiểu sử dụng xe đạp ở trong điều kiện này là phương tiện trung chuyển từ trạm này tới trạm kia của loại hình phương tiện này đến loại hình phương tiện kia. Để nghiên cứu hình thành một điểm cho thuê, tập kết phương tiện xe đạp là câu chuyện kết nối giao thông”- Ông Tân nói.
Theo ông Tân, hiện đề án này được thành phố giao nhiệm vụ cho Sở GT –VT nghiên cứu và báo cáo trong quý 3 năm 2014.
Bình luận về phương án sửa chữa cầu Long Biên trong cuộc họp giữa Bộ GT-VT và UBND thành phố Hà Nội mới đây, ông Tân cho rằng khả năng vận tải của cây cầu là rất kém nhưng nếu dịch chuyển đi, lại là một phương án sẽ liên quan tới GPMB. “Kinh phí để sửa chữa một cây cầu là không khó nhưng quan trọng là sửa chữa cây cầu ấy phải có tính bảo tồn lịch sử của cây cầu gắn với lịch sử phát triển của Thủ đô”- Ông Tân nói.
Trước đây phương án sửa chữa cây cầu có lịch sử trên trăm tuổi có 3 phương án.
“Quan điểm của Sở GT-VT nghiêng về phương án bảo trì, nâng cấp phát triển lại cây cầu theo hình thái cũ và tăng khả năng thông xe (tải trọng)”. Theo ông Tân đây là cả một vấn đề nghiên cứu, cấp có thẩm quyền phê duyệt xem xét. Đây không phải là ý thích, chủ trương của một ai mà phải bảo đảm tính khoa học khách quan và kinh tế.
Về đề án thu phí phần đường trên Đại lộ Thăng Long, Phó Giám đốc Sở GT-VT khẳng định hiện tại đề án vẫn đang trong quá trình hoàn thiện để trình phê duyệt việc có triển khai thu phí hoặc thu phí vào thời điểm nào là tùy thuộc vào hình thức đầu tư và phải được Thủ tướng chấp thuận”.
Về mức phí đầu tư, theo khái toán của dự án hệ thống quản lý giao thông thông minh trên Đại lộ Thăng Long vào khoảng 210 tỷ. Theo ông Tân nếu không triển khai thiết bị quản lý giao thông thông minh chúng ta sẽ không ngăn chặn và không cản được vi phạm an toàn giao thông. Tai nạn ở đường cao tốc với tốc độ 120 km/h thì liên hoàn về mất an toàn giao thông là vô cùng lớn. “Sau này tất cả các đường cao tốc đều sớm muộn phải được đầu tư thiết bị quản lý giao thông thông thông minh. Hiện đại hóa hệ thống giao thông trên địa ban Thủ đô tất yếu phải tiến tới mức độ như thế. Còn đầu tư bằng cách nào là câu chuyện khác”,- Ông Tân khẳng định.
Về lập Qũy bảo trì đường bộ, ông Tân cho biết, hiện Hà Nội chậm hơn so với các địa phương khác vẫn chưa có quyết định thành lập Quỹ bảo trì. Chưa tính tới các đường liên huyện, liên xã, hiện Hà Nội có tổng số tuyến đường là 1.016 tuyến, chiều dài 1.911 tuyến, diện tích trên 20 triệu m2./.