Tác giả mong muốn cánh tay robot đến với người khuyết tật

VOV.VN - Phạm Huy mong muốn Dự án Cánh tay robot nhận được sự quan tâm, tài trợ để em có thể hoàn thiện và phát triển sản phẩm nhằm giúp người khuyết tật.

Giành giải Ba tại Hội thi Khoa học Kỹ thuật Quốc tế 2017 do Intel tổ chức, em Phạm Huy, học sinh lớp 11A3, Trường THPT thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị trở về quê nhà ấp ủ nhiều dự định. Phạm Huy mong muốn Dự án Cánh tay robot nhận được sự quan tâm, tài trợ để em có thể hoàn thiện và phát triển sản phẩm nhằm giúp người khuyết tật. 

Phạm Huy, học sinh lớp 11 - tác giả của dự án chế tạo Cánh tay robot cho người khuyết tật.
Vốn đam mê với robot từ nhỏ, lớn lên, Phạm Huy vẫn tiếp tục tìm tòi, sáng chế các vật dụng công nghệ. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Quảng Trị chịu nhiều đau thương, mất mát trong chiến tranh, nhiều vụ tai nạn bom mìn cũng như tai nạn lao động xảy ra, Huy muốn làm ra một sản phẩm giúp đỡ những người tàn tật. Theo Phạm Huy, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm hỗ trợ người khuyết tật, tuy nhiên còn nhiều hạn chế và chỉ phù hợp với một số đối tượng nhất định, giá thành cao khiến người mất tay khó tiếp cận được. 

Huy mong rằng, tạo được cánh tay robot có cấu trúc đơn giản, giá thành rẻ, phù hợp với tất cả các dạng khuyết tật về tay: "Em sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm của mình nhỏ gọn hơn, thực hiện được nhiều thao tác hơn phục vụ cho cuộc sống. Hiện tại em đã có được một số sự giúp đỡ từ một số cá nhân. Tụi em đang tìm kiếm một vài người khuyết tật đủ sức khỏe để thực hiện thí nghiệm". 

Nguyên tắc hoạt động của cánh tay robot là dùng các ngón chân để điều khiển ngón tay nhờ một bộ cảm biến nghiêng để người khuyết tật thực hiện cử chỉ úp ngửa bàn tay và co duỗi cẳng tay. Trong khi đó, bộ cảm biến nhiệt đo nhiệt độ của vật cầm vào và báo động gặp nguy hiểm. Cánh tay Robot có thể cầm nắm được vật nhẹ như thìa nhôm, ly nước, nâng tạ co duỗi nặng 2kg, xách được vật nặng 11kg. 

Vượt qua hơn 1.700 học sinh của nhiều quốc gia trên thế giới, tác phẩm Cánh tay robot dành cho người khuyết tật của em Phạm Huy đã đạt giải 3 cuộc thi Khoa học Kỹ thuật Quốc tế 2017 do Intel tài trợ. Với thành tích xuất sắc này, Phạm Huy trở về quê hương xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị trong vòng tay chào đón của bà con, bạn bè. Đây là lần đầu tiên tỉnh Quảng Trị có học sinh đạt thành tích quốc tế trong lĩnh vực sáng tạo khoa học kỹ thuật.

Bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho biết, những kết quả hôm nay là bước khởi đầu, tiền đề quan trọng để Huy đạt được nhiều thành tích mới trên chặng đường nghiên cứu, sáng tạo khoa học. 
"Lĩnh vực sáng tạo khoa học, từ năm 2008, Sở GD và ĐT đã tiếp cận và tổ chức cuộc thi hàng năm. Ngành tiếp tục cuộc thi này, tuyên truyền để nhiều học sinh, giáo viên đam mê khoa học hơn tham gia vào phong trào nghiên cứu khoa học thành lập các đội tuyển tham gia các cuộc thi để các em có nhiều cơ hội để trải nghiệm" - bà Hương nói.

Để được vinh danh tại cuộc thi quốc tế, em Phạm Huy với tác phẩm Cánh tay robot dành cho người khuyết tật phải trải qua nhiều khó khăn. Huy phải 3 lần phỏng vấn mới được cấp visa sang Mỹ dự thi. Tại cuộc thi Khoa học Kỹ thuật Quốc tế 2017, Huy phải cạnh tranh với rất nhiều đề tài, sản phẩm của các thí sinh nước bạn có nền công nghệ tiên tiến, mang độ sáng tạo cao, đa phần hoàn thiện về mọi mặt. Thế nhưng, với ý nghĩa nhân văn, Dự án Cánh tay robot đã được Ban giám khảo đánh giá cao, dành được giải 3 trong số 48 giải chính thức được trao tại cuộc thi. 

Tỉnh Quảng Trị vinh danh Phạm Huy với những thành tích tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế 2017.
Trong buổi tuyên dương em Phạm Huy ở quê nhà, ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị đã gửi gắm niềm tin của lãnh đạo tỉnh đến những nghiên cứu của em Huy nói riêng và ngành giáo dục đào tạo của tỉnh nói chung: "Thành quả của em Huy và của nhà trường đạt được rất lớn. Khoa học bắt đầu từ con người và quay trở lại phục vụ chính con người, đó chính là giá trị nhân văn trong quá trình nghiên cứu. Chúng ta không bằng lòng, không tự mãn với những gì đạt được mà phải coi đây chỉ là bước khởi đầu quan trọng để phong trào này được đẩy mạnh hơn".

Phạm Huy không chỉ đem niềm tự hào về cho quê hương mà còn mở ra những hy vọng cho người khuyết tật tay có cơ hội tiếp cận với cánh tay robot có giá thành rẻ, phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nam sinh “cánh tay robot” đạt thêm giải đặc biệt Viện nghiên cứu Mỹ
Nam sinh “cánh tay robot” đạt thêm giải đặc biệt Viện nghiên cứu Mỹ

VOV.VN -Ngoài giải Ba  của cuộc thi Khoa học Kỹ thuật quốc tế, em Phạm Huy còn được trao thêm một giải đặc biệt nữa của một Viện nghiên cứu Mỹ.

Nam sinh “cánh tay robot” đạt thêm giải đặc biệt Viện nghiên cứu Mỹ

Nam sinh “cánh tay robot” đạt thêm giải đặc biệt Viện nghiên cứu Mỹ

VOV.VN -Ngoài giải Ba  của cuộc thi Khoa học Kỹ thuật quốc tế, em Phạm Huy còn được trao thêm một giải đặc biệt nữa của một Viện nghiên cứu Mỹ.

Nam sinh chế tạo cánh tay robot đã được cấp visa đến Mỹ dự thi
Nam sinh chế tạo cánh tay robot đã được cấp visa đến Mỹ dự thi

VOV.VN - Vào 22h đêm Chủ Nhật, nam sinh chế tạo cánh tay robot sẽ có mặt tại sân bay Los Angeles của Mỹ để kịp tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế. 

Nam sinh chế tạo cánh tay robot đã được cấp visa đến Mỹ dự thi

Nam sinh chế tạo cánh tay robot đã được cấp visa đến Mỹ dự thi

VOV.VN - Vào 22h đêm Chủ Nhật, nam sinh chế tạo cánh tay robot sẽ có mặt tại sân bay Los Angeles của Mỹ để kịp tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế.