Tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ dưới 18 tuổi đang là vấn đề được dư luận quan tâm trong thời gian gần đây. Công văn của Bộ Y tế gửi cho Sở Y tế các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi  đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm mũi 1 từ tháng 10/2021 nếu đã chuẩn bị đủ điều kiện.

Cuối tháng 10, TP.HCM là địa phương đầu tiên đã tiêm thí điểm vaccine Covid-19 cho trẻ. Theo kế hoạch của Bộ Y tế, từ tháng 11/2021, chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em sẽ được tổ chức trên địa bàn toàn quốc.

Tuy nhiên, vấn đề tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận và các nhà chuyên môn.

Lo lắng về ảnh hưởng sau này của vaccine đối với trẻ, chị Lê Lan Minh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, các loại vaccine khác trước kia có thời gian thử nghiệm ngắn nhất cũng cả chục năm, còn vaccine Covid-19 thì thời gian thử nghiệm quá ngắn đã đưa vào sử dụng. Thực tế đã xảy ra những phản ứng sau tiêm, đặc biệt chưa có bất kỳ đánh giá nào về hậu quả sau này đối với sức khỏe con người. “Trẻ lại đang trong giai đoạn phát triển nên tôi rất lo lắng. Hy vọng có thêm thời gian nghiên cứu và kiểm chứng hơn nữa mới đưa vào tiêm cho trẻ”.

Theo chị Lan Minh, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan nên thống kê qua mấy đợt dịch thì tỷ lệ trẻ em ở các độ tuổi mắc là bao nhiêu, tỷ lệ tử vong như thế nào để mọi người có cái nhìn tổng thể và khách quan hơn về ảnh hưởng của dịch bệnh đối với trẻ em. “Nếu không có số liệu cụ thể mà cứ chung chung thì rất khó để phụ huynh quyết định tiêm hay không tiêm cho con mình. Các bác sỹ cũng đã khuyến cáo nếu tiêm phủ hết ở người lớn thì khả năng lây nhiễm cũng không cao. Mặt khác tiêm chỉ để giảm nguy cơ mắc chứ cũng không phải tránh được hoàn toàn. Nếu có số liệu cụ thể chúng tôi sẽ bớt hoang mang hơn trong quyết định tiêm hay không tiêm vaccine Covid-19 cho con em mình”.

Còn chị Nguyễn Khôi Nguyên (Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) thì cho rằng, chị khá bất ngờ khi thấy nhiều phụ huynh không có chuyên môn nhưng cứ vô tư đăng ký tiêm cho con. “Nhìn ngoài thì đơn giản chỉ là tiêm vaccine phòng chống dịch bệnh như nhiều loại tiêm phòng khác, nhưng lâu nay theo dõi ý kiến chuyên gia trên các phương tiện, tôi thấy không phải vậy. Khi chưa chắc chắn về ảnh hưởng của vaccine thì cần có đánh giá thận trọng, biết đâu ảnh hưởng sau này theo con cả đời thì bố mẹ thật sự ân hận”.

Là mẹ của một học sinh lớp 10 ở Hà Nội, chị Phùng Thanh Bình (Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, qua theo dõi thì trẻ con nếu mắc thì nguy cơ chuyển biến nặng rất ít, các bác sỹ cũng đã khẳng định điều đó. Vấn đề ở đây là lo ngại trẻ con nếu mắc thì lây cho người lớn, người có nguy cơ cao mà chưa tiêm thôi.

Vậy khi người lớn đã được bao phủ vaccine thì việc tiêm cho trẻ không phải đặt nặng nữa. “Theo tôi nên làm cách này trong thời điểm hiện nay là cách bảo vệ tốt nhất cho trẻ. Khi trẻ trở lại đi học, nhà trường và gia đình luôn quan tâm đến các biện pháp khuyến cáo 5K của Bộ Y tế thì dịch Covid-19 cũng chỉ như bệnh cúm thông thường”.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại mong muốn con em mình được tiêm sớm, có như vậy với đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng, mới mong muốn có được cuộc sống bình thường. Chị Nguyễn Mai Liễu, Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng, các loại vaccine khi đưa ra sử dụng đều có cả một quy trình nghiên cứu, phản biện, thử nghiệm nghiêm ngặt và đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận cho lưu hành. Bài học ở nhiều nước khi chưa tiêm dịch bùng phát không kiểm soát chúng ta cũng đã thấy rõ. Như vậy, khó có thể đạt được một cuộc sống bình thường và không biết đến bao giờ trẻ mới được đến trường, được vui chơi như trước khi có dịch.

Phỏng vấn bác sĩ Nguyễn Tiến Phúc

Có hai con nhỏ và là bác sỹ y khoa, anh Nguyễn Tiến Phúc cũng cho rằng, nhiều người đang hiểu nhầm về bản chất của vaccine và cho rằng đó là thuốc gì đó ghê gớm hay nguy hiểm. “Nếu trẻ không được tiêm, dịch lưu hành trong cộng đồng trẻ em trong quá trình sinh hoạt sẽ lây ngược lại người lớn mặc dù cộng đồng người lớn có miễn dịch do tiêm vaccine hay do đã nhiễm trước đó. Mỗi lần lây truyền là một lần có thể có nguy cơ gây ra đột biến. Khi virus lây truyền trong trẻ em, nó vẫn có thể đột biến sang một chủng mới nguy hiểm hơn và có thể kháng lại các vaccine hiện hành”- bác sỹ Phúc nói.

TS Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ Sinh học (Viện Kỹ thuật Công nghệ cao, Đại học Nguyễn Tất Thành) cho rằng, việc tiêm phòng cho trẻ em dưới 18 tuổi nhìn chung là cần thiết như các đối tượng khác. Tiêm phòng giúp giảm tốc độ lây nhiễm trong cộng đồng và quan trọng nhất là hạn chế được rất nhiều những trường hợp bệnh nặng và nguy cơ tử vong với người bệnh. Không những thế, một khi trẻ em được phòng ngừa với bệnh dịch thì phụ huynh sẽ an tâm công tác hơn, tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất trong xã hội được quay trở lại như bình thường.

“Lợi ích của việc tiêm phòng là rõ ràng, tuy nhiên vấn đề quan trọng là thời điểm nào lợi ích đem lại lớn hơn nguy cơ đối với nhóm tuổi này và với cả cộng đồng thì lại là vấn đề cần phải quan tâm”- TS Bùi Lê Minh nói.

Là một nhà nghiên cứu trong lĩnh vực sinh học, Bùi Lê Minh nhấn mạnh trẻ em không phải người lớn thu nhỏ vì đây là giai đoạn cơ thể vẫn đang hoàn thiện và có nhiều biến đổi về nội tiết, nên không thể hoàn toàn loại trừ những tác dụng phụ có thể xảy ra muộn hơn thông thường. Ngoài ra, nhóm dưới 1 tuổi hệ miễn dịch vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện nên rất nhạy cảm với các tác nhân gây bệnh. Vì thế những lo ngại về vấn đề tiêm vaccine với sự phát triển sinh học của cơ thể trẻ em cũng không phải là không có cơ sở.

“Độ tuổi dưới 18 cũng là một khoảng tương đối, nhóm 15-17 tuổi nhiều trường hợp đã có đặc điểm cũng giống như người trưởng thành và ngày nay các em cũng có nhiều hoạt động xã hội, có thể làm tăng các nguy cơ lây nhiễm. Vì thế, theo tôi thì nhóm 15-17 tuổi có thể cân nhắc tiêm vaccine trước giống như người lớn. Còn với nhóm trẻ dưới 2 tuổi thì nên đẩy mạnh việc tiêm vaccine cho mẹ và khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ”- TS Minh phân tích.

Đồng quan điểm phải cân nhắc kỹ khi tiêm trên trẻ vì trẻ không phải là người lớn thu nhỏ, TS.BS Phạm Đức Phúc, chuyên gia y tế công cộng cũng nhấn mạnh, toàn bộ hệ miễn dịch đang trong giai đoạn phát triển, chưa ổn định. Việc tính toán có những liều vaccine riêng cho trẻ đã qua các khâu kiểm duyệt, nghiên cứu kiểm nghiệm rất chặt chẽ trước khi đem ra thị trường. Đặc biệt phải có cả đánh giá được tác dụng phụ, đảm bảo tác dụng phụ ở mức ít nhất.

Phỏng vấn TS.BS Phạm Đức Phúc - chuyên gia y tế công cộng

Tiêm giảm liều không đánh giá được hiệu quả và ảnh hưởng như thế nào, hoặc có những nguy cơ nặng hơn ngay tức thì hay lâu dài mà chúng ta không biết, hoặc có thể gây ra nguy cơ tăng bệnh tự miễn vì vaacine thường gây ra ảnh hưởng của hệ miễn dịch, khi đó nó có thể làm tăng nặng nguy cơ bệnh tự miễn sau này sẽ gặp phải.

Đây cũng là vấn đề quan ngại, cần thận trọng và có thêm thời gian, có thêm các nguồn vaccine đã được kiểm duyệt của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

“Hiện chúng ta đang xác định Pfizer được Mỹ kiểm duyệt tiêm cho trẻ, nhưng với quan điểm của tôi cần phải có đánh giá tổng thể. Đây mới đánh giá được hiệu quả của vaccine khi thử nghiệm, còn trong cộng đồng chưa đánh giá được và trên nhóm trẻ em diện rộng. Nhóm thử nghiệm chỉ là nhóm nhỏ và đối tượng đích là khác nhau, đôi khi chỉ đáp ứng được trong nhóm nhỏ, còn tung ra cả cộng đồng là một câu chuyện rất dài”- TS.BS Phạm Đức Phúc nhận định.

Tại cuộc họp với các đơn vị liên quan về công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em ngày 26/10,  người đứng đầu Bộ Y tế cho biết, từ tháng 11/2021, chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em sẽ được tổ chức trên địa bàn toàn quốc. Chiến dịch lần này được triển khai tương tự như tiêm vaccine phòng Covid-19 trong thời gian qua, với các điểm tiêm tại trạm y tế xã/phường, trường học, trung tâm y tế quận huyện.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng khẳng định, về khám sàng lọc và những hướng dẫn chuyên môn cơ bản sẽ thực hiện như tiêm cho người lớn, chỉ thêm một biểu mẫu duy nhất là cha mẹ, người giám hộ ký phiếu đồng ý tiêm chủng cho trẻ.

Đồng tình với quan điểm này của Bộ Y tế, chị Lê Hằng (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho rằng, hiện nay chưa có đánh giá về ảnh hưởng sau này của vaccine đối với trẻ, nên việc quyết định tiêm hay không hoàn toàn phải trên cơ sở gia đình tự nguyện. “Chúng tôi ai cũng mong muốn dịch bệnh được đẩy lùi, ủng hộ chiến dịch tiêm chủng nhưng đối với một loại vaccine còn quá mới, thời gian thử nghiệm quá ngắn, lại chưa có xác thực về ảnh hưởng thì việc tiêm cũng cần cân nhắc. Vì thế nên để gia đình tự quyết định việc tiêm cho con em mình”.

TS Bùi Lê Minh cũng cho rằng, về phương diện khoa học, không thể loại bỏ hoàn toàn những giả thuyết về nguy cơ lâu dài của vaccine nếu không có bằng chứng trực tiếp, nhưng dựa vào những bằng chứng củng cố cho vấn đề vaccine không gây ra hậu quả lâu dài cho trẻ em, thì có thể nhận định là khả năng này dù có cũng là rất nhỏ.

Phỏng vấn TS Bùi Lê Minh

Theo TS Bùi Lê Minh, chưa có nhiều nước đang thực hiện tiêm vaccine cho trẻ em (mới khoảng hơn 10 nước). Ở Hàn Quốc, việc tiêm chủng là không bắt buộc với những thiếu niên khỏe mạnh, chỉ bắt buộc với các trường hợp có bệnh nền.

“Ở các nước quyết định sử dụng các vaccine truyền thống hơn như Sinopharm, Sinovac, Hayat-Vax, Abdala thì độ tuổi cho phép tiêm vaccine được nới rộng hơn rất nhiều, xuống nhóm 2-3 tuổi. Tuy nhiên cũng không phải là chương trình bắt buộc mà phụ huynh được toàn quyền quyết định. Ở Việt Nam theo tôi việc tiêm hay không cũng trên cơ sở gia đình tự nguyện”- TS Bùi Lê Minh nói.

TS Bùi Lê Minh cho rằng, khi trẻ trở lại trường, các thầy cô có vai trò quan trọng trong việc truyền đạt chính xác thông tin và thể hiện thái độ đúng mực đối với dịch bệnh cho học sinh, như việc tránh kỳ thị các trường hợp F0, F1 hay những học sinh mà gia đình quyết định không tiêm vaccine khi chương trình vaccine mở rộng cho lứa tuổi học sinh.

Còn theo TS.BS Phạm Đức Phúc, trước khi tiêm chủng, ngành y tế phải đặc biệt chú trọng đến công tác truyền thông. Truyền thông phải tới, nghĩa là phải cung cấp đầy đủ thông tin khách quan, phải chuẩn bị sẵn sàng các điểm tiêm, ví dụ như trước đây tiêm chủng mở rộng, tiêm phòng đa phần tại các bệnh viện lớn, các cơ sở y tế đã được tập huấn thì có kỹ năng tiêm tốt hơn.

“Còn việc tiêm cho trẻ cần được sự tự nguyện từ phía gia đình chứ không phải bắt buộc. Khi làm công tác truyền thông tốt, nghĩa là gia đình, cha mẹ họ có quyền quyết định con mình tiêm hay không tiêm”- TS.BS Phạm Đức Phúc nói.

Theo TS Bùi Lê Minh, ở Hàn Quốc, mới bắt đầu tiêm chủng cho nhóm tuổi 16-18 từ ngày 18/10 nhưng các trường học đã hoạt động giảng dạy trực tiếp từ tháng 8 với giới hạn số học sinh có thể tham gia lớp học, tùy thuộc vào bậc học và nguy cơ của từng khu vực. Họ xác định khả năng hoạt động của trường (dạy online hay trực tiếp, cấp nào được đi học, tỷ lệ học sinh đến lớp là bao nhiêu) đều dựa vào cấp độ dịch của khu vực hành chính lớn. Số ca trên khu vực cao quá ngưỡng thì chuyển lại học online, còn dưới ngưỡng thì vẫn đi học theo đúng giới hạn.

Nhiều người cũng rất lo ngại việc trở lại trường của học sinh, khi mà nếu có ca trong trường học thì ngay lập tức việc học lại phải dừng, TS Bùi Lê Minh cho rằng, trường học hoàn toàn có thể hoạt động trở lại khi người lớn đã được tiêm chủng nhiều chứ phủ vaccine cho trẻ em không phải điều kiện cần.

Ở những nơi đang không có hoặc mức độ dịch chưa nghiêm trọng thì trường học vẫn nên hoạt động bình thường, song song với việc tiêm chủng cho người lớn. Nếu phát hiện ca bệnh ở trường học thì có thể đối xử như với khu vực dân cư, nhưng chúng ta có thể dự đoán tần suất xảy ra các sự kiện này không cao ở các khu vực an toàn. Với lợi thế là mức nguy cơ thấp ở nhóm tuổi này, các biện pháp phản ứng với tình huống phát sinh dịch cũng cần điều chỉnh.

Ở các tỉnh thành đã phủ vaccine tỷ lệ cao thì các trường hợp F0, F1 phát hiện ở trường học nên ưu tiên cho cách ly tại nhà dưới sự giám sát của gia đình và cơ quan y tế. Chỉ ngừng hoạt động của trường khi tới ngưỡng phát hiện ca bệnh cao, không nhất thiết phải liên tục đóng cửa trường học mỗi khi phát hiện ra một vài trường hợp F0.

“Từ phía trường học, công tác tổ chức lớp học theo nguyên tắc phòng dịch cần tiến hành khẩn trương và có khoa học, bao gồm việc tiêm phòng cho tất cả cán bộ công nhân viên, bắt buộc sử dụng khẩu trang toàn thời gian, vệ sinh tay khi ra vào lớp, tăng khoảng cách giữa các học sinh trong lớp học, có vách ngăn để giảm nguy cơ lây nhiễm, chia ca để giảm số học sinh đến lớp cùng lúc…”- TS Minh nói.

Phỏng vấn TS.BS Phạm Đức Phúc - chuyên gia y tế công cộng

TS.BS Phạm Đức Phúc cũng cho rằng, vaccine là quan trọng, nhưng vaccine đang trong giai đoạn khẩn cấp, có rất nhiều lo ngại, kể cả tiêm cho người lớn thì cũng phải công bằng trong chuyện đó, chứ không thể khẳng định vaccine bảo vệ được 100%.

Ngoài vaccine, chúng ta còn nhiều biện pháp khác nếu như chúng ta tuân thủ tốt các biện pháp khi đến lớp như bố trí giãn cách, kiểm soát thân nhiệt, vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang… Các trường và ngành giáo dục phải có kế hoạch chuẩn bị chu đáo. Hoặc có thể học 50% luân phiên chứ không phải đến trường hết, tiếp tục học online. Nên ưu tiên cho những nhóm cần đến lớp nhưng phải đảm bảo giãn cách, phòng học thông thoáng…

“Có nhiều giải pháp chứ không phải cứ có vaccine mới cho học sinh đến trường. Còn với tình hình hiện nay vẫn có nhiều ca dương tính cao, chúng ta vẫn phải tuân thủ việc giãn cách và vệ sinh, hệ thống kiểm soát tốt nhất”- TS.BS Phạm Đức Phúc nói./.

Thứ Tư, 10:10, 03/11/2021