Tai nạn liên tiếp thế này, đường sắt sẽ đi về đâu?
VOV.VN -Liên tiếp trong 4 ngày (24-28/5) xảy ra 5 vụ tai nạn đường sắt, làm 3 người chết, 10 người bị thương. Nếu cứ để tai nạn thế này, đường sắt sẽ đi về đâu?
Giật mình sau 5 vụ tai nạn đường sắt kinh hoàng, gây thiệt hại về người và tài sản không thể quy hết được bằng tiền, chiều tối ngày 28/5, Bộ GTVT và các đơn vị liên quan đã phải có cuộc họp bất thường kéo dài từ 17h chiều đến gần 20h đêm để bàn các giải pháp xử lý.
Hiện trường vụ tàu SE19 đâm xe tải ở Thanh Hóa khiến 2 người chết, 11 người bị thương. |
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể bắt đầu: nếu tai nạn giao thông đường sắt còn tiếp tục xảy ra, sẽ không biết ngành đường sắt sẽ đi về đâu, uy tín của ngành đường sắt như thế nào...?
“Chúng ta ăn lương Nhà nước thì phải có trách nhiệm với người dân, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân và tài sản của họ. Bộ GTVT không bao che cho các đồng chí không làm tròn trách nhiệm, vi phạm và không hoàn thành nhiệm vụ,” ông Thể nói.
Cuộc họp chiều tối ngày 28/5 của Bộ GTVT và các đơn vị liên quan. |
Trách nhiệm chính thuộc ngành đường sắt
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, qua phân tích sơ bộ các vụ tai nạn trong mấy ngày qua, nguyên nhân chủ yếu là do lỗi tác nghiệp của con người, còn quy trình vẫn đầy đủ.
“Với trách nhiệm Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR, tôi xin nhận trách nhiệm trước Bộ trưởng và chịu mọi hình thức kỷ luật của Bộ trưởng Giao thông Vận tải,” ông Minh nói.
7 toa tàu hỏng nát, 2 lái tàu tử vong sau vụ tai nạn ở Thanh Hóa. |
Còn theo Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Vũ Quang Khôi, trung bình mỗi năm thanh tra 45 cuộc, tập trung về an toàn giao thông và kiểm soát tải trọng tàu. Năm 2017, Thanh tra Cục đã xử phạt 1.040 hành vi vi phạm, 5 tháng đầu năm nay xử phạt 259 hành vi của các cá nhân.
Đặc biệt, lãnh đạo Cục Đường sắt cho biết lối đi tự mở ở Nghệ An xảy ra tai nạn gần đây đã được Thanh tra Cục kiểm tra thấy rộng trên 4m nên yêu cầu địa phương thu hẹp, song chưa thực hiện.
Ngay sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chất vấn lãnh đạo Cục Đường sắt tại sao xử phạt nhiều vẫn xảy ra tai nạn?
Ông Khôi cho rằng, quá trình thanh kiểm tra của Cục Đường sắt đều thực hiện quy chuẩn, xử phạt và rà soát các quy định, quy trình đồng thời ngành đường sắt cần tăng cường kiểm tra kiến thức lái tàu, gác chắn đường ngang.
Đặc biệt, Tổng công ty Đường sắt phải kiện toàn bộ máy cứu hộ cứu nạn. Hiện nay, các doanh nghiệp vận tải tự tổ chức cứu nạn nên thiếu chuyên môn.
Cẩu toa tàu ở ga Núi Thành sau khi 2 tàu hàng đâm vào nhau. |
Gay gắt hơn, ông Thể tiếp tục truy “yếu kém nhất của Cục Đường sắt là gì?”
Theo ông Khôi, đó là trang thiết bị thiếu như kiểm soát tải trọng ở ga, cán bộ thanh tra Cục Đường sắt không có cân tải trọng. Lực lượng dàn trải, có hơn 60 cán bộ công chức thanh tra trên dọc tuyến đường sắt đến nay không có nhà làm việc nên vẫn phải “ở nhờ” các đơn vị quản lý đường sắt.
“Đã đi xin ở nhờ thì xử lý người cho ở nhờ là rất khó”, ông Khôi chua chát thừa nhận.
Phải có người chịu trách nhiệm
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, vụ tai nạn tại Thanh Hóa, người gác chắn bị khởi tố. Tuy nhiên, các vụ tai nạn đường sắt vừa xảy ra chưa thấy người đứng đầu nào bị VNR xử lý, ít nhất là đình chỉ để báo cáo, kiểm điểm. Do vậy, theo ông cần truy rõ trách nhiệm để chấn chỉnh tình trạng vi phạm, mất an toàn đường sắt.
Sau 5 vụ tai nạn liên tiếp, nhưng chưa có ai phải chịu trách nhiệm. |
“Nếu không xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu thì tai nạn giao thông sẽ vẫn còn. Ủy ban ATGT Quốc gia chưa nhận thấy xử lý đối với hộ dân, cá nhân tổ chức, Chủ tịch UBND cấp xã, huyện theo quy định pháp luật về vi phạm hành lang an toàn với đường sắt. Để xảy ra tai nạn mới chỉ phê bình mà chưa có hình thức nào xử lý nặng hơn,” ông Hùng nói thêm.
Nêu quan điểm Thanh tra Cục Đường sắt ở nhờ phía Tổng công ty Đường sắt mà đến xử phạt thì rất khó, theo ông Hùng, nếu để tình trạng không độc lập thì khó xử lý, vì thế cần tăng cường tính độc lập để thấy được vai trò thanh kiểm tra.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, kỷ luật, kỷ cương đường sắt đang không được tuân thủ. Đây là nguyên nhân xảy ra tai nạn, nếu không xử lý thì mấy ngày nữa lại xảy ra. Cùng với đó, việc xử lý trách nhiệm cá nhân sau các vụ việc vi phạm của Tổng công ty Đường sắt còn né tránh, kéo dài.
Người dân thực sự hoang mang sau 5 vụ tai nạn đường sắt liên tiếp trong mấy ngày qua. |
"Tôi hỏi lãnh đạo Tổng công ty xử lý cá nhân sau các vụ tai nạn đến đâu, các anh bảo phải mất một tuần," ông Đông nói và cho rằng Thanh tra Cục Đường sắt chưa hoạt động hiệu quả.
Đường sắt sẽ đi về đâu?
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đánh giá, việc cứu hộ của ngành đường sắt chưa tốt. Dù VNR điều động rất đông người tới hiện trường cứu hộ tai nạn, thế nhưng, “Tư lệnh” chỉ đạo xử lý vụ việc không có để chỉ đạo các lực lượng phối hợp cứu nạn hiệu quả.
Những bất cập của ngành đường sắt thời gian qua, theo ông Thọ là do VNR đang độc quyền. Theo đó, vụ tai nạn tại Thanh Hoá đã bộc lộ rất nhiều vấn đề, như nút giao đường ngang có gác chắn được xem là hiện đại nhất ngành đường sắt Việt Nam, nhưng tai nạn vẫn xảy ra.
Công nhân đường sắt cần mẫn khắc phục lại đường ray sau tai nạn |
“Điều đó dứt khoát do yếu tố con người, có vấn đề về ý thức của người thực hiện,” ông Thọ nói.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhìn nhận, hạ tầng giao thông đường sắt yếu kém, công tác điều hành vận tải thời gian qua chưa hiệu quả nên đã xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng, làm giảm sút niềm tin của người dân đối với ngành.
Từ đó, Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo ngành đường sắt nghiêm túc rà soát, kiểm tra cho rõ nguyên nhân các vụ tai nạn xảy ra trong thời gian qua từ trong các quy định nội bộ, ngoài việc phối hợp với các cơ điều tra.
Đường sắt sẽ đi về đâu? |
Ví dụ đối với vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng tại Thanh Hóa thì nguyên nhân vì sao? Tín hiệu báo động có đúng thời gian quy định hay không? Cán bộ làm nhiệm vụ có ngủ gật không, do thiếu năng lực hay do sức khỏe hoặc lơ là trách nhiệm hay không? Phải phân tích thật kỹ, phải rà soát lại nhiệm vụ từ Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty đến cán bộ bẻ ghi, gác chắn…
“Từ nay đến cuối năm 2018 phải hoàn thành việc xây gờ giảm tốc theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hoà Bình. Việc này có thể làm trong tầm tay, hạn chế tốt, không nhiều tiền đầu tư mà có hiệu quả ngay lập tức,” ông Thể chỉ đạo.
Người đứng đầu ngành giao thông yêu cầu VNR tổ chức hội nghị trực tuyến tất cả các ga quán triệt triển khai các giải pháp nâng cao tinh thần trách nhiệm các ga, xem xét chế độ trực gác chắn lương thấp là không hợp lý vì sinh mạng đoàn tàu phụ thuộc vào gác chắn trong khi đồng lương “bèo bọt”.
Trước nhiều vụ tai nạn đường sắt, tâm trạng một số nhân viên gác chắn rất lo lắng, Bộ trưởng GTVT đề nghị, VNR trước mắt cần ổn định tâm lý cán bộ công nhân viên và nâng cao tinh thần trách nhiệm khi làm việc…/.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận trách nhiệm về các vụ tai nạn đường sắt
Lãnh đạo đường sắt chưa nhận trách nhiệm sau 5 vụ tai nạn chết người!
Liên tiếp xảy ra 4 vụ tai nạn, lãnh đạo ngành đường sắt nói gì?
Tai nạn đường sắt: Ám ảnh đường ngang dân sinh chết chóc