Tai nạn thang máy công trình phần lớn do con người
VOV.VN - Vụ tai nạn đứt cáp thang máy vận hành xây dựng trụ sở làm việc Sở Tài chính tỉnh Nghệ An khiến 3 công nhân tử vong tiếp tục cho thấy những nguy cơ mất an toàn từ thiết bị hỗ trợ, giảm tải cho người lao động.
Dù chưa có kết luận chính thức từ phía cơ quan chức năng về vụ tai nạn đứt cáp thang máy ở Nghệ An nhưng từ kinh nghiệm nhiều năm làm ở lĩnh vực cung cấp các dịch vụ về an toàn lao động, ông Vũ Tuấn Doanh, Giám đốc công ty Cổ phần thương mại HSE Thủ Đô cho rằng phần lớn những vụ tai nạn máy vận thăng (hay thang vận hành xây dựng) xảy ra từ trước đến nay đều có nguyên nhân từ con người.
Con người trong quá trình sử dụng không tuân thủ bảo dưỡng, bảo trì máy vận thăng đúng quy chuẩn có thể là nguyên nhân để tai nạn xảy ra. Thêm vào đó còn có nguyên nhân từ việc bất tuân nguyên tắc an toàn của người lao động. Trong nhiều trường hợp, người lao động có thể quên những quy định về tải trọng, về quy trình điều hành máy vận thăng.
Và quan trọng nhất chính là ý thức. Mỗi một khâu từ người kiểm tra, bảo dưỡng đến người vận hành, sử dụng thường quên mất việc mình đang ở trong một guồng lao động tập thể, đảm bảo an toàn không chỉ có ý nghĩa với riêng bản thân mình. Mỗi lao động có thể nắm giữ an toàn của đồng nghiệp bên cạnh, cả kíp lao động hoặc toàn bộ công trường.
Ông Doanh cũng nhấn mạnh vai trò của người làm quản lý công trường, cần có chế tài xử lý mạnh tay những lỗi vi phạm nhỏ để ngăn chặn từ đầu những hiểm họa về sau. Điều quan trọng hơn cả chính là việc tập huấn an toàn lao động cần thực hiện một cách nghiêm túc, tránh tình trạng làm đối phó, qua loa.
Qua tìm hiểu tại một số công trường xây dựng ở Hà Nội cho thấy, việc đảm bảo an toàn lao động chưa được chủ thầu và người lao động coi trọng. Chỉ trừ những công trình của những nhà thầu lớn yêu cầu bắt buộc có thiết bị bảo hộ, có đội ngũ giám sát an toàn lao động, còn đa phần các công trình xây dựng nhà dân không sử dụng các thiết bị bảo hộ cũng như không tập huấn đầy đủ về an toàn lao động.
“Hầu hết khi vào công trình chúng tôi làm theo cách người trước dạy người sau và tự bảo vệ mình chứ làm gì có tập huấn”- một công nhân xây dựng chia sẻ.
Theo những công nhân này, với những thiết bị máy móc hiện đại như vận thăng, trách nhiệm thuộc về người vận hành chứ công nhân lao động chỉ cần biết leo lên để di chuyển lên cao hoặc xuống thấp.
“Như tôi là thợ xây tôi chỉ cần biết đến việc xây và làm sao an toàn khi xây chứ làm sao mà biết được an toàn trong phần việc của người khác?”.
Tai nạn xảy ra do máy móc hay do con người và ở khâu nào sẽ được cơ quan chức năng làm rõ. Tuy nhiên, việc người lao động trong từng vị trí làm việc được tập huấn bài bản, đầy đủ và có ý thức về nguy cơ mất an toàn trong đa số các trường hợp sẽ giúp tránh được những tai nạn đáng tiếc xảy ra./.