Tạm dừng hoạt động sản xuất tại 2 nhà máy thép bị dân Đà Nẵng vây
VOV.VN -Hai nhà máy thép ở Đà Nẵng gây ô nhiễm bị lãnh đạo thành phố yêu cầu tạm dừng hoạt động sản xuất.
Sáng 1/3, UBND TP Đà Nẵng ra thông báo kết luận chủ trương tạm dừng hoạt động 2 nhà máy thép Dana- Ý và Dana- Úc.
Theo đó, chiều tối 28/2, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tổ chức cuộc họp xử lý các nội dung liên quan sự việc một số công dân thuộc thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang tập trung trước trụ sở Công ty Cổ phần thép Dana - Ý.
Người dân tụ tập trước Nhà máy Thép Da Na- Ý phản đối ô nhiễm.
Tham gia cuộc họp có lãnh đạo các Sở, ngành chức năng, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, Chủ tịch UBND xã Hòa Liên và đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần thép Dana- Ý và Công ty Cổ phần thép Dana - Úc.
Lãnh đạo UBND thành phố thống nhất giao Văn phòng UBND thành phố tiếp thu ý kiến tham gia của các thành viên dự họp, khẩn trương hoàn thiện các phương án xử lý liên quan đến việc di dời, giải tỏa tại khu vực hai nhà máy thép; trình Ban Cán sự Đảng UBND thành phố xem xét, cho ý kiến để báo cáo xin chủ trương của Thường trực Thành ủy.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đối thoại với người dân chiều 28/2. |
Thời gian hoàn thành chậm nhất trước ngày 2/3/2018. Trong thời gian chờ ý kiến chỉ đạo giải quyết của lãnh đạo thành phố, yêu cầu Công ty Cổ phần thép Dana- Ý và Công ty Cổ phần thép Dana- Úc tạm dừng toàn bộ hoạt động sản xuất trực tiếp gây ô nhiễm môi trường.
Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Chi cục Bảo vệ Môi trường phối hợp với UBND huyện Hòa Vang tổ chức giám sát việc tạm dừng hoạt động.
Các hoạt động vận chuyển, bốc, dỡ, xuất, nhập hàng hóa và các hoạt động hành chính khác của doanh nghiệp vẫn được thực hiện bình thường.
Khi thực hiện việc vận chuyển, xuất, nhập hàng hóa yêu cầu các doanh nghiệp thông báo cụ thể thời gian, loại phương tiện, số lượng người tham gia cho UBND xã Hòa Liên biết để thực hiện việc giám sát.
Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng cũng giao Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND xã Hòa Liên tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân được rõ, ủng hộ chủ trương của thành phố và chấp hành đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức nắm chắc tình hình, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, ngăn chặn có hiệu quả mọi hành vi lôi kéo, kích động người dân gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn./.
Nhà máy thép ở Đà Nẵng bị vây: Lãnh đạo vì dân hay vì hai nhà máy?
Dân Đà Nẵng bao vây hai nhà máy thép gây ô nhiễm
Làm rõ nguyên nhân ô nhiễm nghiêm trọng suối Nậm Núa tại Điện Biên
Nhà máy chế biến mủ cao su gây ô nhiễm chấp nhận dừng hoạt động
Tỉnh Kon Tum yêu cầu dừng, nhà máy gây ô nhiễm vẫn hoạt động
Tiền Giang: Khu công nghiệp Mỹ Tho gây ô nhiễm kéo dài
Ô nhiễm nguồn nước ngày càng tăng cả về mức độ và quy mô
Truy cứu trách nhiệm hơn 6.000 quan chức do ô nhiễm môi trường