Tấm lợp fibro ximăng vẫn là lựa chọn của nhiều gia đình

VOV.VN - Tấm lợp fibro xi măng được đánh giá là tiện lợi, kinh tế, độ bền cao, phù hợp với túi tiền của nhiều gia đình.

Đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ hay các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa không khó để tìm một ngôi nhà lợp bằng tấm fibro xi măng. Đây là loại tấm lợp được đánh giá là kinh tế, độ bền cao.

Gia đình chị Thái Quỳnh Thi, ở khóm 4, phường 7, Thành phố Sóc Trăng cũng đang sinh sống dưới mái nhà lợp bằng tấm fibro xi măng. Chị Thi cho biết: “Toàn bộ dãy nhà trọ được gia đình lợp bằng tấm fibro ximăng. Loại tấm lợp này được nhiều gia đình cùng khóm sử dụng”.

Khi được hỏi, có tin đồn loại tấm lợp này gây ung thư sao chị vẫn xài, chị Quỳnh Thi nói: “Ở đây rất nhiều người sử dụng nhưng chúng tôi không hứng nước xài. Trước khi dùng thường lấy vôi quét hai mặt cho sáng đẹp và phía trong thường có thêm một lớp trần chống nóng nên rất an tâm”.

Sở dĩ, tấm lợp fibro xi măng được nhiều người dân sử dụng là vì giá cả phải chăng, bền, chắc. Từ chính kinh nghiệm của gia đình chị Thi so sánh “Gia đình tôi dùng tôn thiếc 15 năm đã hỏng trong khi các tấm lợp khác chưa hề hấn gì, nay lại thay tấm tôn bằng tấm lợp fibro ximăng”.

Gần đây nhất, nhiều hộ dân tại 02 huyện Kỳ Sơn và Tương Dương, tỉnh Nghệ An chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa đá và lốc xoáy, Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam đã kêu gọi một số nhà máy sản xuất tấm lợp fibro ximăng và đơn vị tài trợ ủng hộ tấm lợp nhằm hỗ trợ các hộ dân gặp khó khăn. Các nhà máy đã phối hợp với một số nhà tài trợ nhanh chóng vận chuyển hơn 4.600 tấm lợp lên 02 huyện miền núi của tỉnh Nghệ An.

Tặng tấm lợp cho bà con có nhà bị tốc mái ở Nghệ An

Trong điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, đặc biệt còn quá nhiều gia đình sống trong cảnh nghèo khó thì những vật liệu xây dựng như tấm lợp fibro ximăng luôn là lựa chọn ưu tiên số 1 của các hộ gia đình có thu nhập thấp, nghèo. Chính vì thế, bài toán kinh tế cũng cần được quan tâm trong các lựa chọn, định hướng chính sách.

Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương thực hiện mới đây cho thấy: Việc cấm sử dụng amiang trắng ở Việt Nam sẽ tạo ra các tác động kinh tế tới người tiêu dùng, người lao động, doanh nghiệp cũng như Chính phủ. Đối với người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm dân cư thu nhập thấp, vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên gặp thiên tai, bão lũ, giá sản phẩm tấm lợp AC rẻ là một lựa chọn ưu tiên của họ. Nếu áp dụng cấm sử dụng amiang trắng, các hộ gia đình sẽ bị thiệt hại với các chi phí gồm: tháo dỡ tấm lợp AC và lắp đặt tấm lợp mới; và chi phí mua tấm lợp sử dụng vật liệu khác.

Doanh nghiệp đối mặt với bản án không tên

Luật Đầu tư được Quốc hội thông qua ngày 23/12/2014, trong đó quy định: Kinh doanh amiăng trắng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Cụ thể, theo Quyết định 1469/QĐ-TTg, trong tất cả các doanh nghiệp để đáp ứng các tiêu chí của ngành sản xuất có điều kiện, doanh nghiệp nào đạt yêu cầu về trình độ công nghệ, có chứng nhận hợp quy, đạt quy chuẩn về môi trường, y tế, cam kết thực hiện chương trình sử dụng amiăng trắng an toàn có kiểm soát sẽ được tồn tại sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp nào chưa đáp ứng sẽ phải ngừng sản xuất để hoàn thiện.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều DN sản xuất tấm lợp fibro xi măng phải đối mặt với không ít khó khăn do thị trường hẹp và cạnh tranh gay gắt, cùng với đó là những luồng dư luận chưa có cơ sở khoa học phản đối sử dụng amiang trắng trong sản xuất tấm lợp. Cùng với đó, chúng ta còn thiếu những chính sách đủ mạnh để xoá đi “bản án” lơ lửng trên đầu doanh nghiệp.

Qui trình sản xuất tấm lợp fibro xi măng khép kín, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động.

Ông Phạm Văn Miện – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bạch Đằng (Nam Định) tha thiết mong muốn có sự ổn định về chính sách để yên tâm đầu tư sản xuất. Gần chục năm nay Công ty không dám đầu tư mạnh mà chỉ cầm chừng, vừa làm vừa theo dõi. Công ty sản xuất hoàn toàn theo nhu cầu của thị trường, “Khi dân giàu lên thì họ sẽ không sử dụng tấm lợp này nữa mà có thể đồ mái bằng, hay vật liệu khác đắt tiền hơn, khi đó nếu mình có sản xuất cũng chẳng ý nghĩa gì” – ông Phạm Văn Miện nói.

Cùng chung quan điểm này, lãnh đạo Cty CP Tấm lợp VLXD Đồng Nai cho rằng việc người dân e dè tính an toàn của sản phẩm chỉ là một yếu tố ảnh hưởng đến năng lực sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất tấm lợp fibro xi măng. Quan trọng hơn thế, đó là sự cạnh tranh của các sản phẩm đa dạng hơn như tôn kẽm. Nếu như trước kia vùng đồng bằng sông Cửu Long được xem là thị trường rộng lớn của Công ty thì nay sức tiêu thụ giảm rõ rệt, tập trung chủ yếu ở vùng ngập lũ, điều kiện khí hậu khắc nghiệt và đời sống nhân dân khó khăn.

Trước kia, lúc cao điểm, Công ty CP Tấm lợp VLXD Đồng Nai có trên 400 lao động thì hiện tại thu hẹp còn khoảng 90 người, sức tiêu thụ cả năm chừng 06 triệu m2 trên tổng công suất 08 triệu/m2/năm.

Trong vòng 5 năm trở lại đây, điều kiện nền kinh tế tăng trưởng thấp, đầu tư giảm sút, bất động sản phục hồi chậm, các yếu tố đầu vào tăng cao, chi phí vận chuyển tăng, lượng tồn kho lớn, nhiều doanh nghiệp phải áp dụng biện pháp ngừng sản xuất để giảm lượng tồn kho, tạo nên nhiều áp lực cho doanh nghiệp. Kế hoạch năm 2015 của ngành đề ra: sản xuất 85 – 87 triệu m2/năm, tiêu thụ 80 – 81 triệu m2/năm, nhưng chỉ đạt 80% kế hoạch đề ra.Trong giai đoạn 2010 – 2015 có 06 cơ sở với năng lực 8,0 triệu m2/năm phải ngừng sản xuất. Đến nay, toàn ngành có 39 cơ sở với tổng năng lực 110 triệu m2/năm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên