Tâm lý sợ dịch, các địa phương vẫn e dè với vận tải khách liên tỉnh
VOV.VN - Bên cạnh tâm lý khách còn e ngại đi lại bằng phương tiện công cộng, nhiều địa phương còn có quy định quá chặt chẽ việc xét nghiệm, cách ly đối với hành khách về địa phương, gây khó khăn cho vận tải khách.
Bộ GTVT vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp chỉ đạo triển khai hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Văn bản của Bộ GTVT khẳng định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128, Bộ Y tế cũng đã ban hành hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết. Bộ GTVT cũng ban hành hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt, hàng không).
“Để đảm bảo chủ động, thống nhất, đồng bộ trong hoạt động vận tải đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan, đơn vị tại địa phương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ tại hướng dẫn vận tải tạm thời của Bộ GTVT", Bộ GTVT cho biết.
Cùng đó, Bộ GTVT cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo sở y tế tham mưu công bố, cập nhật cấp độ dịch tại các địa bàn và vùng cách ly y tế (phong tỏa) và các biện pháp áp dụng tương ứng trên cổng thông tin điện tử của địa phương và cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế để có cơ sở áp dụng cho hoạt động của các loại hình vận tải.
Chỉ đạo sở GTVT tăng thêm lưu lượng đối với vận tải hành khách theo tuyến cố định nội tỉnh, liên tỉnh đã được UBND cấp tỉnh đồng ý cho phép hoạt động theo Quyết định số 1777 ngày 10/10/2021 của Bộ GTVT ban hành quy định tạm thời về thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Đồng thời, cho phép hoạt động trở lại thêm các tuyến khác phù hợp với cấp độ dịch trên địa bàn địa phương; phấn đấu duy trì hoạt động từ 10% đến không vượt quá 50% số chuyến theo lưu lượng đã được sở GTVT công bố (số chuyến/tháng) và đảm bảo các yêu cầu theo hướng dẫn tạm thời của Bộ GTVT.
"UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở GTVT phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường giám sát việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch của hành khách; rà soát các điểm dừng đón, trả khách và các trạm dừng nghỉ trên địa bàn được phép dừng đón, trả khách trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19, thông báo công khai để đơn vị vận tải biết và thực hiện, đảm bảo chỉ được đón, trả khách đúng điểm cho phép", Bộ GTVT đề nghị.
Theo Bộ GTVT, bên cạnh việc khó thực hiện khi yêu cầu lái xe, phụ xe phải tiêm đủ liều vaccine, còn tâm lý hành khách còn e ngại, lo lắng nên chưa tự tin đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng. Mặt khác, nhiều địa phương còn có quy định quá chặt chẽ việc xét nghiệm, cách ly đối với hành khách về địa phương.
Trước đó, trong báo cáo đánh giá kết quả sau 1 tuần mở lại tuyến vận tải khách tuyến cố định (từ ngày 13 - 18/10/2021), Bộ GTVT cho hay, có 48 địa phương đã được UBND tỉnh đồng ý cho thực hiện khôi phục hoạt động tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh. 15 sở GTVT đã báo cáo UBND tỉnh kế hoạch khôi phục lại tuyến.
Có 38 địa phương đã tổ chức khai thác với tổng số tuyến đăng ký là 793. Trong đó, số tuyến thực chạy là 588. Số chuyến đăng ký hoạt động/ngày là 1.970 chuyển. Số chuyến hoạt động thực tế là 1.037. Số xe hoạt động là 944 xe. Số khách vận chuyển là 5.641.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, khi thực hiện Nghị quyết 128, Bộ GTVT đã rà soát lại và ban hành quy định mới phù hợp với mục đích, yêu cầu, nội dung, giải pháp của Nghị quyết. Đặc biệt là phù hợp với những quy định mới của Bộ Y tế thể hiện ở Quyết định số 4800 về hướng dẫn chuyên môn, trong đó đưa ra 3 tiêu chí đánh giá dịch.
Quyết định 4800 của Bộ Y Tế phù hợp với tình hình hiện nay, khi triển khai chi tiết, các địa phương chủ động, linh hoạt quyết định. Bộ Y tế kiểm soát đồng bộ về các quy định chung, tránh địa phương tự ban hành mà không có sự kiểm soát, dễ dẫn đến chồng chéo.
Trên cơ sở Quyết định 4800 của Bộ Y tế, Bộ GTVT cũng cụ thể hóa với các lĩnh vực cụ thể của ngành. Đây là cơ sở để các địa phương áp dụng thực hiện đồng bộ trên cả nước, nhất là lĩnh vực vận tải.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, vấn đề kiểm soát, theo dõi, kiểm tra hết sức quan trọng, nếu không tổ chức tốt, nhắc nhở kịp thời thì dễ tạo những xung đột mới, điểm nghẽn mới và sẽ tạo ra bức xúc của người dân và dư luận.
"Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định các tỉnh, thành phố xác định cấp độ dịch trên địa bàn, tuy nhiên việc công bố cấp độ dịch tại các địa phương còn chưa kịp thời. Việc công bố cấp độ dịch chưa có tổng hợp chung trên toàn quốc mà mỗi tỉnh công bố tại một trang web riêng, gây khó khăn cho đơn vị kinh doanh vận tải trong việc theo dõi và cập nhật thông tin để có phương án hoạt động phù hợp", Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết../