Tâm nguyện cuối cùng của người vợ liệt sĩ nghèo
VOV.VN - Chiến tranh đã lùi xa nhưng những hình ảnh mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha vẫn chưa hề nguôi ngoai...
Chiến tranh đã lùi xa nhưng những hình ảnh mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha vẫn chưa hề nguôi ngoai, câu chuyện dưới đây là một trong hàng ngàn những nỗi đau đó.
Chiếc quan tài dành cho người còn sống
Từ đầu tháng 10 đến tháng 12/2020 liên tục xảy ra những trận lũ quét, lũ ống dồn dập đổ vào miền Trung từ Nghệ An, Hà Tĩnh vào đến tận Quảng Nam, Quảng Ngãi. Miền Trung chìm trong biển nước, giao thông chia cắt, đau thương, tang tóc bao trùm lên biết bao gia đình ở miền Trung vốn đã quanh năm vất vả nhọc nhằn.
Nhiều đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Quân khu 5 và các lực lượng chức năng ngày đêm dầm mình trong mưa lũ, bạt núi băng rừng mở đường vừa giúp dân cứu đói, ổn định cuộc sống vừa tìm kiếm thi thể của các lực lượng chức năng và cả dân thường bị chôn vùi do lở núi, lũ cuốn. Hàng triệu những người con nước Việt mang nghĩa “đồng bào” dù ở đâu trên trái đất này đều đau đáu hướng về khúc ruột miền Trung.
Ngoài việc quyên góp từ các cán bộ CCVC, PV, BTV, KTV, nghệ sĩ, Đài tiếng nói Việt Nam còn tổ chức đêm nghệ thuật thiện nguyện “Thương về miền Trung” được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhiều tổ chức, cá nhân trong cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài để chia sẻ những đau thương mất mát với đồng bào miền Trung ruột thịt.
Đoàn công tác của Đài Tiếng nói Việt Nam đã lên đường làm nhiệm vụ ủng hộ, hỗ trợ các tỉnh miền Trung đúng vào ngày 18/10/2020, ngày làm lễ truy điệu 13 liệt sĩ đã hy sinh ở thủy điện Rào Trăng, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau khi viếng 13 liệt sĩ, chúng tôi chia làm nhiều đoàn mang theo quần áo, chăn màn, sách vở bút mực, máy lọc nước, hóa chất khử trùng và tiền đi đến từng thôn, xã bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt ở các tỉnh từ Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi để trao quà cho các gia đình bị thiệt hại do lũ lụt, tại trụ sở UBND các huyện, xã và đến trực tiếp một số gia đình chính sách, gia đình đặc biệt khó khăn để hỗ trợ, động viên bằng cả vật chất lẫn tinh thần. Khi đến huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, chúng tôi được lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đưa đến thôn Lai Lộc, xã Cẩm Thịnh thăm gia đình cụ bà Phan Thị Nuôi là vợ của liệt sĩ Phan Viết Thưởng.
Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là một căn nhà nhỏ đã xuống cấp lâu năm, bước vào ngay chính giữa cửa ra vào là chiếc quan tài, đặt trên đó là những bát hương và chỏng chơ vài chiếc bát, chén cái sứt, cái mẻ với một cụ bà gầy còm khắc khổ, tóc bạc trắng tay run run đang thắp những nén nhang để cầu khẩn một điều gì đó.
Lãnh đạo địa phương giới thiệu với bà về đoàn công tác của Đài tiếng nói Việt Nam đến thăm hỏi gia đình và hỗ trợ bà con vùng lũ lụt. Bà tiếp chúng tôi với một giọng run run, thật yếu ớt. Khi được nghe về gia cảnh của bà mà cả đoàn chúng tôi không ai cầm được nước mắt. Bà sinh năm 1936, là vợ của liệt sĩ Phan Viết Thưởng.
Ông bà sinh được hai người con gái. Con thứ nhất lấy chồng ở xã Cẩm Sơn, gia đình hết sức khó khăn, chồng bị bệnh ung thư, ốm đau thường xuyên không giúp gì được cho bà. Con gái thứ hai lấy chồng ở xã Cẩm Hà, cả hai vợ chồng đều đã qua đời: chồng bị tai nạn vào tháng 9/2019, vợ bị ung thư và mất vào tháng 01/2020. Trong thời gian 5 tháng mà bà đã mất cả con gái và con rể là chỗ dựa duy nhất trong phần đời còn lại của bà, để lại cho bà hai cháu nhỏ đang sống nương tựa vào gia đình anh em họ.
Hiện tại, bà đang sống một mình trong căn nhà tình nghĩa được UBND xã xây từ năm 2000, nay nhà đã xuống cấp, lại vừa trải qua một cơn lũ nước ngập đến gần trần nhà như trong cơn ác mộng. Bà nói đồ đạc trong nhà chẳng có gì ngoài cỗ hậu sự là quý giá nhất để khi nằm xuống không phải bó chiếu hoặc ít nhất cũng không phiền hà đến hàng xóm láng giềng.
May mà được sự cứu hộ của chính quyền địa phương và sự đùm bọc chở che của thân nhân, hàng xóm láng giềng thì giờ này bà mới còn ngồi được ở đây và một cái may nữa là chiếc quan tài vẫn còn nguyên, chỉ bị ngấm nước, mới đem ra phơi khô rồi lại đặt vào chỗ cũ. Nói đến đây, nét mặt bà thoáng ánh lên một chút tự tin, giọng nói của bà cũng đỡ run hơn.
Cuộc sống của bà vô cùng khó khăn, trông cậy duy nhất vào đồng tiền tuất của gia đình liệt sĩ, mỗi tháng được 1.624.000đ, khi tuổi đã ngoài 80, lại thường xuyên đau yếu cả về thể xác lẫn tinh thần. Bà vừa nói vừa rơi nước mắt: “Đến tuổi này tôi chết cũng được rồi nhưng cũng không chết được vì hai món nợ.
Món nợ thứ nhất là chưa tìm được hài cốt của chồng, sẽ có lỗi với ông ấy và với tổ tiên, các con đứa thì chết, đứa thì bệnh tật không đứa nào làm thay bà được việc đó; món nợ thứ hai là chưa trả được hàng xóm tiền vay đi tìm hai cốt của chồng”.
Ông hãy trở về dẫu chỉ còn nắm đất
Liệt sĩ Phan Viết Thưởng nhập ngũ ngày 6/3/1962 vào huấn luyện ở Vĩnh Linh, Quảng Trị sau đó sang Lào vào thời gian nào gia đình không rõ. Năm 1968 ông được về phép thăm gia đình một lần duy nhất sau đó trở lại chiến trường.
Một đồng đội người cùng làng trở về sau chiến tranh kể lại ông bị thương nặng, đơn vị cho về nhưng ông đã tình nguyện ở lại bảo vệ 3 kho mật và đã hy sinh vào năm 1969 ở Lạc Xao, huyện Căm Cớt, tỉnh Bôlykhămxay nước bạn Lào, còn hài cốt của liệt sĩ Phan Viết Thưởng ở chỗ nào của Lạc Xao ông cũng không biết.
Sau này khi thu thập được một số thông tin về liệt sĩ Phan Viết Thưởng, bà quyết định vay mượn của họ hàng, làng xóm mỗi người một ít tiền dồn lại rồi “thân gái dặm trường” bắt đầu hành trình sang nước bạn Lào đi tìm hài cốt của chồng. Lần thứ nhất vào năm 2013, lần thứ hai vào năm 2015, lần thứ ba năm 2017, đến năm 2018 gia đình nhờ Ban chỉ huy quân sự xã phối hợp với đội truy tìm hài cốt liệt sĩ tỉnh nhưng vẫn không có kết quả gì. Bà quay về với hai bàn tay trắng và món nợ mỗi ngày một tăng thêm, đến nay vẫn còn 15 triệu đồng chưa trả được.
Dẫu biết rằng chiến tranh là vô cùng tàn khốc không phải ai cũng may mắn được quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ hoặc tìm được hài cốt, có người thì mất tích, có người bị vùi lấp trong những ngôi mộ tập thể, có người mỗi phần thi thể nằm ở một nơi nhưng bà vẫn nhủ lòng mình hãy cố lên, một lần nữa thôi biết đâu ông linh thiêng lại chả dẫn đường chỉ lối cho bà đến nơi ông nằm đó.
Nhưng đã 4 lần lên đường với không biết bao nhiêu gian nan vất vả, cơm nắm muối vừng, màn trời chiếu đất, trèo đèo lội suối nhưng vẫn bặt vô âm tín, không có thêm được một thông tin gì về ông. Bà vẫn ngày đêm cầu trời khấn phật để ông về báo mộng cho bà và cầu mong cho bà còn sức khỏe để một lần này nữa thôi bà sẽ lại đi tới chiến trường nơi ông nằm, lần này mà không tìm được bà sẽ lấy một nắm đất ở đó mang về coi như nắm đất đó chính là ông để bà yên lòng về với tổ tiên.
Nhưng mong muốn vẫn chỉ là mong muốn vậy thôi với một người đàn bà góa bụa cả một đời thờ chồng nuôi con, nay đã mắt mờ chân chậm, tóc bạc lưng còng, tuổi đã ngoài 80 thì làm sao có đủ sức để đi đến những nơi rừng sâu núi thẳm như thế!
Đoàn công tác đã quyết định ngoài tiền hỗ trợ lũ lụt theo quy định, chúng tôi xin được thay cụ trả món nợ 15 triệu đồng khi đi tìm hài cốt liệt sĩ Phan Viết Thưởng, như một nén tâm nhang thành kính dâng trước anh linh của người đã hy sinh vì độc lập tự do cho Tổ quốc.
Đây là nỗi lo thứ hai để cụ bà yên lòng trước khi nhắm mắt xuôi tay, còn nỗi lo thứ nhất của cụ là trách nhiệm của tất cả chúng ta, những người đang được hưởng hòa bình và hạnh phúc hôm nay. Chia tay cụ ra về mà lòng tôi nặng trĩu một nỗi buồn sâu thẳm về những kiếp người đến chết vẫn chưa hết lo, lo cả những cái cho mình sau khi đã chết và những mất mát không thể nào đo đếm sau chiến tranh. Cầu mong có một phép màu kỳ diệu để tìm được hài cốt của liệt sĩ Phan Viết Thưởng, để cụ bà được thanh thản trước khi về với tổ tiên.
Trước khi ra về, đoàn công tác của chúng tôi thắp nén nhang thơm và kính cẩn nghiêng mình trước sự hy sinh vô cùng to lớn của liệt sĩ Phan Viết Thưởng và thầm cảm ơn cụ bà Phan Thị Nuôi đã hy sinh cả một đời thờ chồng nuôi con, góp phần giành lại độc lập tự do cho dân tộc, vì sự bình yên cho Tổ quốc hôm nay.
Tháng Bảy lại về, cả nước lại lặng mình tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh và tri ân những người may mắn được trở về sau cuộc chiến để giành lại độc lập và bình yên cho Tổ quốc hôm nay, tri ân cả những người mẹ mất con, người vợ mất chồng, người con mất cha vì cuộc chiến tranh vệ quốc.
Chiến tranh đã lùi xa, nhiều liệt sĩ đã yên nghỉ trong các nghĩa trang; có những liệt sĩ đã được quy tập nhưng chưa có căn cứ để xác định danh tính; nhiều liệt sĩ mà hài cốt các anh vẫn còn nằm nơi cánh rừng, con suối; nhưng hình ảnh các anh vẫn sống mãi trong lòng đất mẹ, sống mãi trong tâm tưởng các thế hệ chúng tôi hôm nay và mai sau.
Xin mượn lời bài thơ của tác giả Lê Bá Dương để tri ân tất cả các anh hùng liệt sĩ và cũng là lời kết cho bài viết này.
“Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi đôi mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ cõi mãi ngàn năm”./.