Tâm tình gửi người lính đảo
Trong hành trang chúng tôi ra đảo có những món quà nho nhỏ, những lá thư nồng thắm tình nghĩa vợ chồng và những lời động viên…
Trước ngày cùng đoàn công tác M46 và vùng D Hải quân hành trình ra quần đảo Trường Sa, chúng tôi tới thăm khu gia đình quân nhân ở thôn Tân Phú, xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà. Khu quân nhân có gần 500 hộ gia đình thì tới gần 30% số phụ nữ có chồng đang công tác ở đảo.
Tiếp xúc với các chị, mới hiểu được gánh nặng của người vợ lính hải quân khi chồng vắng nhà. Từ công việc bếp núc hàng ngày, chăm dạy con cái thậm chí xắn quần, đội mưa gió trèo lên mái nhà buộc lại mái tôn bị gió lật... Tất tật những công việc của một gia đình cần nhờ cậy người đàn ông đều một tay các chị quán xuyến. Chưa kể lúc con nhỏ đau ốm, bản thân ngã bệnh là lúc cần nhất có mặt chồng bên cạnh để chăm sóc, động viên an ủi thì vợ lính đảo vẫn phải tự lực cánh sinh.
Chị Bùi Thị Minh, 33 tuổi, giáo viên trường tiểu học Cam Đức 1, có chồng là Đại uý Phạm Văn Đông đang công tác tại đảo Trường Sa Đông tâm sự: “Làm vợ lính đảo là phải chấp nhận chờ chồng và chịu thiệt thòi hơn những gia đình khác, tôi chỉ mong anh giữ gìn sức khỏe để công tác tốt”. Không chỉ xác định tốt tư tưởng cho mình, các chị luôn là nguồn động viên tinh thần, tiếp thêm nghị lực cho chồng yên tâm công tác.
3 mẹ con chị Bùi Thị Minh |
Hướng tâm tình tới đảo xa, các chị luôn mong chồng và đồng đội đang vinh dự giữ trọng trách bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc, vững tay súng và vững ý chí bảo vệ bầu trời biển, đảo quê hương.
Chị Nguyễn Thị Bình vợ Thượng tá Vi Đức Thanh đảo trưởng Trường Sa lớn cho biết “Những người vợ, người con trong đất liền luôn tin tưởng ở chồng và sẽ giữ vững được tổ ấm của mình”.
Đối với gia đình chị Bình nếu Tết này người chồng mà chị hằng yêu thương vì nhiệm vụ lỡ không về sum họp với mẹ con chị thì sẽ là Tết thứ 5 liên tiếp chồng không có mặt ở nhà. Chị cho biết có đôi phút xao xuyến, chạnh lòng nhưng xem chương trình truyền hình vẫn có thể thấy được hình ảnh của chồng và các đồng đội vui đón Tết cũng cảm thấy vơi đi nỗi buồn. Con cái ở bên động viên, an ủi cũng cảm thấy mình hạnh phúc.
Đảm đang thu xếp công việc gia đình vẹn toàn để chồng yên tâm công tác, bản thân chị Bình hiện là Phó Bí thư Đảng uỷ xã Tân Phú công việc rất bận rộn. Hiện chị đang theo học năm thứ 2, ngành công tác tư tưởng Học viện Chính trị tại thành phố Nha Trang. Theo lịch, mỗi tháng chị đi học tập trung từ 10 -14 ngày. Do vừa làm, vừa học, lại bận 2 con nhỏ, nên chị luôn tận dụng từng chút thời gian để kịp về lo đưa đón con dù trường cách xa nhà 45 km bất kể điều kiện thời tiết mưa gió là điều đáng khâm phục ở nghị lực của chị. Chị Bình nhớ lại, vào tháng 6 năm vừa qua, 2 con bị sốt xuất huyết đúng đợt tôi đang đi học. Nhận điện của hàng xóm chị vội phóng xe về đưa con đi viện Những người hàng xóm đã chuẩn bị sẵn các vật dụng cần thiết và hỗ trợ mẹ con tới viện an toàn. Chính hành động tương thân, tương ái lúc khó khăn của hàng xóm, tương trợ giúp đỡ nhau trong lúc hoạn nạn cũng là yếu tố giúp chị vượt qua những khó khăn thường nhật của cuộc sống.
Công việc chồng lên công việc nhưng chị luôn hoàn thành tốt công tác cơ quan “vừa ngày hôm qua thôi tôi được cơ quan tặng Giấy khen do có thành tích hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. Chị Bình phấn khởi khoe với chúng tôi.
Cháu Vi Vân Anh và mẹ Bình với món quà tặng cha
Không riêng chị Bình ở khu quân nhân này mà hơn 150 chị em có chồng đang ở ngoài đảo xa làm nhiệm vụ canh giữ bầu trời biển đảo quê hương đều có chung một niềm tự hào về người chồng vì Tổ quốc, vì Trường Sa thân yêu sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Càng thông cảm hơn khi biết rằng, vẫn còn rất nhiều phụ nữ ở đây vẫn chưa có công ăn việc làm, kinh tế gia đình vẫn phụ thuộc vào lương của chồng.
Hầu hết số chị em này từ các miền quê khác nhau. Tự nguyện theo chồng vào đây chăm sóc giữ gìn tổ ấm gia đình đều chung nguyện vọng có công ăn việc làm ổn định.
Để đáp ứng mong muốn của số phụ nữ này, hiện nay chính quyền xã Cam Thành đang từng bước mở rộng các mô hình đan tre, dệt lưới và phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hoà mở xưởng may để tạo điều kiện cho họ có việc làm và phần nào có thêm thu nhập cho gia đình. Bên cạnh đó, một số chị em tham gia tổ phụ nữ của hội phụ nữ xã cũng được quan tâm cho vay vốn hỗ trợ việc làm lãi suất thấp để chăn nuôi...
Chia tay khu gia đình làng quân nhân, trong hành trang chúng tôi ra đảo lại có thêm những món quà nho nhỏ, những lá thư nồng thắm tình nghĩa vợ chồng và những lời động viên vững tay súng và vững ý chí của những người vợ, người con gửi gắm đến chồng và cha của mình./.