Tăng cường hợp tác báo chí Việt- Trung

Đoàn đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam kết thúc chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc từ 5-11/9/2012

Nhận lời mời của Hội Nhà báo Toàn Trung Quốc, Đoàn đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam, do ông Trần Gia Thái, Phó Chủ tịch hội, Tổng Giám đốc Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội, làm Trưởng đoàn, đã đi thăm và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến 11/9. 

Trong thời gian ở thăm Bắc Kinh, Đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo Hội Nhà báo Toàn Trung Quốc. Hai bên trao đổi về những vấn đề báo chí cùng quan tâm, về kinh nghiệm hoạt động của Hội Nhà báo và bàn các biện pháp tăng cường quan hệ hợp tác nghiệp vụ giữa hai hội. Ông Cố Dũng Hoa, Thường trực Ban Thư ký Hội Nhà báo Toàn Trung Quốc tiếp đoàn.

Lãnh đạo hai hội nhấn mạnh Việt Nam và Trung Quốc đều đang phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nền báo chí hai nước có nhiều nét tương đồng, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và phục vụ lợi ích của nhân dân, của đất nước. Hai bên cho rằng quan hệ giữa hai hội nhà báo đã có từ hơn 30 năm nay và những hoạt động trao đổi, học hỏi về kinh nghiệm làm báo lẫn nhau thời gian qua là rất bổ ích và cần thiết, góp phần củng cố quan hệ hữu nghị giữa hai nước. 

Thay mặt Hội Nhà báo Việt Nam, ông Trần Gia Thái cám ơn sự đón tiếp trọng thị, thân tình và cởi mở của lãnh đạo Hội Nhà báo Toàn Trung Quốc và mời Lãnh đạo Hội Nhà báo Toàn Trung Quốc sang thăm Việt Nam. 

Trong thời gian ở thăm Trung Quốc, Đoàn Hội Nhà báo Việt Nam đã đến thăm và trao đổi kinh nghiệm với một số cơ quan báo chí Trung Quốc như Báo Công an nhân dân thuộc Bộ Công an Trung Quốc, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, Tập đoàn truyền thông Thâm Quyến, Đài Truyền hình và Đài Phát thanh tỉnh Quảng Đông... Nhân dịp này, Đoàn đã đến thăm Nhà lưu niệm là trụ sở làm việc của Hội Thanh niên cách mạng Việt Nam do Bác Hồ sáng lập và trụ sở Lớp huấn luyện thanh niên Cách Mạng Việt Nam năm 1926; viếng và thắp hương mộ Liệt sĩ Việt Nam Phạm Hồng Thái tại thành phố Quảng Châu.

Hội Nhà báo Toàn Trung Quốc là hội chính trị nghề nghiệp, với chức năng chủ yếu hoạt động nhằm phục vụ cho các hoạt động của những người làm báo. Hiện Trung Quốc có 11.833 tờ báo in, hơn 3.000 đài phát thanh và truyền hình, hơn 200 báo điện tử cùng hàng chục nghìn trang thông tin điện tử của các cơ quan báo chí khác; có hơn 3 triệu người làm trong các cơ quan báo chí và gần 230.000 người được cấp thẻ nhà báo./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên