Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với giáo dục trẻ em
Các cấp ủy đảng, chính quyền cần đẩy mạnh quan tâm giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Bộ Chính trị vừa ra Chỉ thị số 20/CT/TW về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới.
Chỉ thị nêu rõ: Sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 55-CT/TW, ngày 28/6/2000 cuả Bộ Chính trị khóa VIII, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã có sự chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả quan trọng. Hệ thống pháp luật, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã từng bước được hoàn thiện. Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được tăng cường.
Việc huy động, sử dụng nguồn lực để thực hiện các mục tiêu vì trẻ em ngày càng có hiệu quả; chăm sóc sức khỏe, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ em được cải thiện đáng kể. Số trường đạt chuẩn quốc gia và tỉ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi ngày càng tăng; đã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở; đang thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và phổ cập trung học phổ thông ở một số địa phương có điều kiện. Công tác bảo vệ, xây dựng môi trường sống an toàn và lành mạnh cho trẻ em được chú trọng, đời sống văn hóa, tinh thần, vui chơi, giải trí, phúc lợi xã hội và các quyền dành cho trẻ em ngày càng được bảo đảm.
Tuy nhiên, Bộ chính trị cũng nêu rõ: Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vẫn còn một số hạn chế, yếu kém. Hệ thống pháp luật, chính sách về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em chưa hoàn thiện. Nhiều mục tiêu cụ thể quan trọng trong Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em Việt Nam giai đoạn 2001-2010 thực hiện chưa đạt. Đạo đức, lối sống xuống cấp, lệch chuẩn của một bộ phận trẻ em đang trở thành nỗi lo của gia đình và xã hội. Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo lực, bị lạm dụng sức lao động có xu hướng gia tăng, tính chất ngày càng nghiêm trọng. Tình trạng trẻ em phạm tội, trẻ em lang thang, bị tai nạn, bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS vẫn là những vấn đề xã hội bức xúc. Trẻ em suy dinh dưỡng còn ở mức cao. Các điểm vui chơi và các hình thức giải trí phù hợp với trẻ em còn thiếu. Tình trạng học sinh bỏ học còn khá phổ biến ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điều kiện sống và cơ hội phát triển của trẻ em ở các vùng khó khăn, đặc biệt ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ so với trẻ em ở vùng thành phố còn có khoảng cách khá xa. Nguồn lực trong xã hội dành cho sự nghiệp chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em chưa đáp ứng yêu cầu. Huy động cộng đồng vào chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, nhất là ở nông thôn còn yếu.
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên là do một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về tính cấp bách và tầm quan trọng của công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; chưa dành sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng mức cho công tác này. Sự tham gia của các đoàn thể ở nhiều nơi còn mang tính hình thức; sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, các đoàn thể và xã hội còn thiếu chặt chẽ. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ chương, chính sách, pháp luật về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em còn nhiều hạn chế.
Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Để tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong thời gian tới, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể quán triệt và thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
1- Các cấp ủy đảng, chính quyền cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động để mọi người dân thấy được tính cấp bách và tầm quan trọng của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Kịp thời tuyên truyền các điển hình tiên tiến, các tấm gương người tốt, việc tốt; quan tâm giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; phê phán, lên án các hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại, bạo lực, lôi kéo trẻ em vào hoạt động tội phạm và cản trở việc thực hiện các quyền của trẻ em.
2- Rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em theo hướng mở rộng chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em thuộc gia đình nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; gắn với Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012-2020; Chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng trường học an toàn, thân thiện và xây dựng cộng đồng vững mạnh.
3- Xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch hàng năm và 5 năm về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, của từng địa phương, từng ngành. Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ, cần xác định các mục tiêu chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là một trong những nội dung trọng tâm của mục tiêu xã hội.
4- Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Các địa phương ưu tiên bố trí quỹ đất cho việc xây dựng các công trình phúc lợi cho trẻ em. Khi lập các dự án xây dựng khu dân cư, khu nhà ở phải dành diện tích thích hợp để xây dựng trường học, công trình vui chơi, giải trí cho trẻ em. Từng bước bố trí tăng nguồn ngân sách cho sự nghiệp chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; trong đó ưu tiên kinh phí đầu tư các công trình cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, trẻ em các gia đình chính sách, gia đình nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em theo hướng nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư và các tổ chức chính trị-xã hội. Khuyến khích sự đóng góp của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân cho các hoạt động và công trình dành cho trẻ em.
Hàng năm, tổ chức các hoạt động có hiệu quả thiết thực: Tháng hành động vì trẻ em từ ngày 1-30/6, Ngày quốc tế thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu, Ngày gia đình Việt Nam và Diễn đàn trẻ em các cấp.
Tổ chức thực hiện tốt Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em và các công ước, điều ước quốc tế khác có liên quan mà Nhà nước Việt Nam ký kết hoặc tham gia. Mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế, khu vực nhằm trao đổi kinh nghiệm, huy động nguồn lực bên ngoài cho công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
5- Tăng cường quản lý nhà nước, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp. Xây dựng và thực hiện chính sách đãi ngộ phù hợp đối với đội ngũ cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới ở thôn, ấp, bản; cơ chế phối hợp liên ngành nhằm phát huy các nguồn lực của Nhà nước và xã hội để chăm lo, bảo vệ trẻ em phù hợp với hoàn cảnh của đất nước và từng bước hội nhập quốc tế. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật, chính sách liên quan đến trẻ em và thực hiện các quyền của trẻ em.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng và tổ chức thực hiện phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo và thực hiện tốt các hoạt động thanh thiếu niên và nhi đồng. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, giữa các ban, ngành, đoàn thể trong hoạt động chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; trong đó, gia đình có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ trẻ em, cùng với nhà trường giáo dục hình thành nhân cách và trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ em phát triển toàn diện. Tăng cường giám sát và phản biện xã hội đối với việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em; phát hiện, ngăn chặn, lên án các hành vi bạo lực, vi phạm pháp luật, vi phạm quyền trẻ em.
7- Các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương tổ chức phổ biến, quán triệt và xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện Chỉ thị này.
Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo việc thể chế hóa các nội dung của Chỉ thị.
Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng và Ban cán sự đảng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị và định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Chỉ thị này được phổ biến, quán triệt đến từng đảng viên để thực hiện./.