Tăng cường thông tin, tuyên truyền, phủ sóng phát thanh trên vùng biển, đảo của ta
VOV.VN - Cần coi thông tin, truyền thông, đặc biệt là phát thanh là trụ cột trong chiến lược biển Việt Nam.
Nước ta có vùng biển đặc quyền kinh tế rộng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền; bờ biển dài 3.260 km. Biển, đảo có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình sinh tồn của dân tộc, trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Nhận thức rõ điều này, tròn 10 năm trước, Hội nghị lần thứ tư ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) đã bàn và ra Nghị quyết về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” (Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9/2/2007). Nghị quyết 09-NQ/TW xác định quan điểm chỉ đạo, định hướng chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 với mục tiêu tổng quát là phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.
Biển, đảo có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. |
1. Những nỗ lực, kết quả quan trọng
1.1. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW, các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân đã có sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy, nhận thức, hành động đối với biển, hướng mạnh ra biển, làm giàu từ biển, canh giữ và bảo vệ Tổ quốc từ biển, đảo. Kết quả nổi bật là chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo của ta được giữ vững. Công tác an ninh, an toàn trên biển được bảo đảm. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên biển được tăng cường. Chiến lược quốc phòng, chiến lược phòng thủ được điều chỉnh, nâng cao. Hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế chủ động, tích cực, sáng tạo, hiệu quả. Môi trường hòa bình để phát triển đất nước được giữ vững. Kinh tế biển có nhiều khởi sắc (10 năm qua, đóng góp của 28 tỉnh, thành phố ven biển vào GDP của cả nước luôn ở mức trên 60%). Hệ thống kết cấu hạ tầng ven biển và trên các đảo được đầu tư thỏa đáng hơn. Công tác nghiên cứu khoa học; bảo vệ môi trường biển; phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng được coi trọng. Thể chế, chính sách và tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về biển, đảo được tăng cường. Việc thực thi luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế trên biển có nhiều tiến bộ.
1.2. Về công tác thông tin, tuyên truyền, chúng ta đã tập trung thực hiện mấy nhiệm vụ trọng điểm, cấp thiết: Đấu tranh, phản đối âm mưu hiện thực hóa yêu sách “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên Biển Đông. Phản đối việc các tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 của Việt Nam (ngày 26/5/2011); tàu cá Trung Quốc tiếp tục làm đứt cáp tàu Viking (9/6/2011); Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam (từ 01/5/2014); sử dụng các thực thể nhân tạo do họ bồi đắp như những căn cứ quân sự - dân sự lâu dài nhằm tăng cường sự hiện diện của họ trên Biển Đông, kiểm soát các thực thể này và các không gian hàng hải lân cận. Bằng các lực lượng, phương tiện, phương thức tuyên truyền làm cho việc cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, tin tưởng, ủng hộ chủ trương, quan điểm, giải pháp của Đảng và Nhà nước ta về giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông. Khẳng định việc Trung Quốc đưa tàu thuyền, giàn khoan, máy bay vào thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; bồi đắp, xây dựng các thực thể nhân tạo trên biển đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam được quy định bởi Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm DOC, vi phạm Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam - Trung Quốc và các thỏa thuận liên quan khác
Góp phần làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ về quyết tâm của Đảng, Nhà nước, toàn dân, toàn quân ta về việc giữ gìn sự toàn vẹn của lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, kiên trì giải quyết sự việc bằng biện pháp hòa bình. Biểu dương, khích lệ các lực lượng chức năng của ta, ngư dân ta đang kiên cường, dũng cảm, mưu trí đấu tranh trên thực địa, trên mặt trận ngoại giao, tuyên truyền, kinh tế và các lĩnh vực khác. Tăng cường khối đoàn kết toàn dân, toàn quân, người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước, tranh thủ mức cao nhất sự đồng tình ủng hộ của dư luận quốc tế.
Báo chí bám sát tình hình thực địa, các kênh đấu tranh ngoại giao, chính trị, dư luận, thông tin đầy đủ, chính xác, đúng định hướng về nội dung các hoạt động, các biện pháp đấu tranh của ta; đăng tải các bài bình luận, ý kiến các chuyên gia về thái độ và việc làm sai trái của phía Trung Quốc.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại, chú trọng thông tin bằng tiếng Trung, tiếng Anh làm cho nhân dân thế giới, trong đó có nhân dân Trung Quốc hiểu rõ, chính xác, đầy đủ về lập trường chính nghĩa của Việt Nam; phản đối việc làm sai trái của phía Trung Quốc.
Cung cấp tài liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với thực tế lịch sử và luật pháp quốc tế; Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy đàm phán tiến tới kí kết và thực hiện Bộ quy tắc về ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC);
Nâng cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh với những phần tử cơ hội chính trị lợi dụng việc Trung Quốc đưa Giàn khoan Hải Dương-981 vào thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhằm kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, xuyên tạc chính sách đối ngoại và chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo; gây rối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tuyên truyền, giáo dục kiến thức, nhận thức về pháp luật; trình độ, kỹ năng sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa cho các tầng lớp nhân dân, nhất là các lực lượng thực thi nhiệm vụ trên biển.
2. Những hạn chế, bất cập
2.1. Bên cạnh những nỗ lực và kết quả quan trọng đã nêu (chủ yếu là thực hiện trên đất liền), chúng ta cũng bộc lộ không ít yếu kém, bất cập khi thông tin, tuyên truyền về biển đảo, thực thi chủ quyền về thông tin trên vùng biển đảo của ta. Thông tin phục vụ các lực lượng trên biển của ta còn quá yếu, thiếu, không chuyên biệt; ta thiếu cả máy phát công suất lớn và máy thu cho người nghe đài; thiếu thông tin phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động về các vấn đề thuộc chủ quyền biển, đảo. Hàng ngày, nước ta có hàng triệu người dân và các lực lượng chức năng khác hoạt động trên biển: ngư dân, hải quân, cảnh sát biển, biên phòng, kiểm ngư, vận tải biển, thăm dò - khai thác dầu khí, các hoạt động dịch vụ trên biển v.v.... Họ thường thiếu đói thông tin về chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, văn hóa, giáo dục, giải trí...
Do đặc tính kỹ thuật nên các loại hình truyền thông như truyền hình, điện thoại di động, Wifi, Internet không thể phủ sóng tới các vùng biển xa bờ. Các lực lượng chức năng trên biển chỉ có thể dùng máy thông tin vô tuyến điện để liên lạc khi cần thiết. Ngư dân ta khi ra khơi cũng có máy bộ đàm, nhưng tính năng rất hạn chế, đi xa bờ thì khó liên lạc hoặc mất.
Việc cung cấp thông tin cho các lực lượng trên biển lâu nay có hai loại hình chủ yếu: (1) Các chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam được phủ sóng ra biển Đông trên làn sóng ngắn từ năm 2009 nhưng do đặc tính truyền sóng (sóng ngắn) nên chất lượng thấp, không ổn định, tần số thay đổi theo mùa nên rất khó bắt sóng và khó nghe; (2) Hệ thống thông tin duyên hải (do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý) phát trên các dải sóng MF/ HF/ VHF và vệ tinh nhưng hệ thống này chỉ làm nhiệm vụ thông tin liên lạc và tìm kiếm cứu nạn trên biển.
2.2. Trong khi đó, các đài phát thanh của nước ngoài phát sóng vào các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của nước ta rất mạnh về công suất, nhiều về thời lượng, rộng về phạm vi phủ sóng, phức tạp, bất lợi về nội dung. Theo thống kê sơ bộ, hiện có các đài phát thanh sau của nước ngoài: "Vịnh Bắc bộ 360" (Nam Ninh); "Nguồn sống" phát bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số; "Đáp lời sông núi 51" (Đài Loan); Tiếng nói Nam Hải 360 (Nam Ninh); "Chân lý Á Châu 93" phát tiếng dân tộc thiểu số (Manila); Phật giáo VN105 (Phía Palau); Lào Mông (Vàng Chứ) phát tiếng dân tộc thiểu số (Manila); RFA-Guam v.v.. Cuối tháng 7/2018, Trung Quốc cho tổ chức các hoạt động kỷ niệm 6 năm thành lập cái họ gọi là “thành phố Tam Sa”, tiếp đến lắp đặt và đưa vào sử dụng phao đèn quan trắc sóng biển ở Phú Lâm thuộc Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cho phép kênh Thiếu nhi Đài Phát thanh, Truyền hình Trung ương Trung Quốc tổ chức chương trình phát thanh, truyền hình thực tế cho thiếu nhi ở cái gọi là “thành phố Tam Sa”, thuộc Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà họ chiếm đóng trái phép.
3. Một số định hướng và giải pháp
3. 1. Tiếp tục rà soát, kiểm tra việc thực hiện các chương trình, đề án của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương: Chỉ thị 26-CT/TW của Ban Bí thư, ngày 10/9/2008 về “Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới”; Kết luận số 16-KL/TW của Bộ Chính trị, ngày 14/2/2012 về chiến lược thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020; Chương trình hành động của Chính phủ về thông tin đối ngoại giai đoạn 2013-2020"; Nghị định số 72/ NĐ-CP về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại; Quyết định số 137/2007/QĐ-TTg ngày 21 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án tổ chức thông tin phục vụ công tác phòng, chống thiên tai trên biển; Quyết định số 1041/QĐ-TTg ngày 22/7/2009 về Đề án đảm bảo mạng lưới thông tin biển, đảo; Quyết định số 373/QĐ-TTg ngày 23/3/2010 về Đề án đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam...
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam... |
3.2. Đài Tiếng nói Việt Nam đã trình Thủ tướng Chính Phủ đề án phủ sóng Biển Đông, cấp phát máy thu thanh có thêm tính năng trực canh cho ngư dân và các lực lượng đang hoạt động trên biển. Theo đó, Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ xây dựng một đài phát sóng AM công suất khoảng 400 KW đặt tại Ninh Thuận, kết hợp với đài phát sóng AM 100 KW đã có tại Đà Nẵng phủ sóng chất lượng tốt ra Biển Đông, bao gồm toàn bộ quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và các khu vực thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam. Đài Tiếng nói Việt Nam cũng xây dựng một kênh phát thanh chuyên biệt về biển đảo nhằm tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, luật pháp và các công ước, quy ước, quy tắc quốc tế về biển đảo; phát triển kinh tế biển đảo; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền; tăng cường quốc phòng, an ninh; kỹ thuật nuôi trồng, chế biến thủy hải sản; xây dựng đời sống văn hóa vùng biển đảo v.v... Đài cũng sản xuất các máy thu thanh kiêm chức năng trực canh cho ngư dân và các lực lượng trên biển. Loại máy thu thanh kiêm trực canh này chỉ thu được các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam (không thu được chương trình của các đài nước ngoài), có chức năng cảnh báo khẩn cấp. Mỗi khi dự báo có bão, thiên tai, địch họa hay sự cố trên biển thì trung tâm phát sóng ở đất liền chỉ cần phát một tín hiệu khẩn cấp là tất cả các máy thu sẽ tự động phát còi/chuông báo động và được bật lên (nếu đang tắt) hoặc tự động chuyển sang kênh ưu tiên (nếu đang nghe ở kênh khác) với âm lượng to nhất để nghe tin báo bão hoặc thiên tai, địch họa. Việc sản xuất, cấp phát máy thu thanh kiêm trực canh cho ngư dân sẽ dựa một phần vào ngân sách Nhà nước, một phần khác là sự giúp đỡ, tài trợ của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm.
Làm được những điều trên, mong muốn của chúng ta về tăng cường dung lượng, chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền về biển đảo, thực thi chủ quyền thông tin trên vùng biển đảo của ta sẽ có bước chuyển mạnh mẽ, vững chắc, tiếp tục thực hiện tốt hơn Nghị quyết số 09-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và các năm tiếp theo./.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài TNVN