Tăng lương tối thiểu 2017: Làm sao để “đôi bên cùng có lợi?”
VOV.VN -Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam yêu cầu tăng lương tối thiểu vùng ở mức cao, trong khi VCCI đề nghị bằng khoảng một nửa.
Phiên họp thứ nhất của Hội đồng Tiền lương quốc gia (kết thúc chiều 20/7) nhưng chưa thống nhất được phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017. Trong khi Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất mức tăng 11,11%, thì Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đưa ra ở mức 4-5%.
Trao đổi với phóng viên ngày 22/7 tại hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long) khẳng định, đây là mâu thuẫn luôn tồn tại giữa người sử dụng lao động và người lao động. Do đó cần một giải pháp dung hòa, để bảo đảm “đôi bên cùng có lợi”.
PV: Ông đánh giá như thế nào về đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng của Tổng Liên đoàn và VCCI đưa ra vừa qua?
Đại biểu Phạm Tất Thắng: Việc tăng lương là yêu cầu, đòi hỏi tất yếu và mong muốn đương nhiên của người lao động. Thực ra, đã có quy định về lộ trình nâng lương tối thiểu. Hiện nay, Hội đồng Tiền lương đang có ý kiến khác nhau. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam yêu cầu ở mức cao hơn, bởi họ đứng về người lao động nhiều hơn. Còn VCCI đề nghị mức tăng thấp hơn, bằng khoảng một nửa so với Tổng liên đoàn. VCCI có khía cạnh đứng về phía doanh nghiệp.
Ông Phạm Tất Thắng, ĐBQH tỉnh Vĩnh Long; Ủy viên thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) |
Trong trường hợp tăng lương, tôi cho rằng mâu thuẫn giữa người lao động và người sử dụng lao động (doanh nghiệp) luôn luôn tồn tại. Người lao động muốn được trả nhiều hơn, xứng đáng với công sức của mình hơn, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Trong khi đó, người sử dụng lao động muốn trả các chi phí liên quan đến quá trình sản xuất, trong đó có lương cho người lao động, ở mức thấp nhất. Đây là mâu thuẫn luôn luôn tồn tại trong quá trình phát triển.
Vậy dung hòa mâu thuẫn đó như thế nào? Làm sao để người lao động có mức tăng lương thỏa đáng, đáp ứng được cuộc sống, những điều kiện cơ bản, tối thiểu của họ. Đồng thời phù hợp với việc phát triển, tồn tại lâu dài của doanh nghiệp để họ tạo ra lao động, của cải cho xã hội.
Tôi cho rằng, đây là việc chúng ta phải tính toán đến và có giải pháp cụ thể. Có thể căn cứ và tính đến các yếu tố như: tốc độ trượt giá, tăng giá tiêu dùng, biến động của thị trường lao động, thu nhập của doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp, của nền kinh tế, lộ trình chúng ta tính toán để tăng lương tối thiểu… để có mức tăng phù hợp.
PV: Theo ông, mức tăng theo đề nghị của VCCI có thỏa đáng?
Đại biểu Phạm Tất Thắng: Hiện chúng ta chưa thể nói được mức tăng theo đề nghị của Tổng Liên đoàn là cao hay của VCCI là thấp. Nhưng có thể đặt vấn đề, mức tăng như VCCI đề nghị là thấp chăng - nếu đứng về góc độ bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp? Còn mức tăng cụ thể là bao nhiêu, tôi nghĩ cần có tính toán cụ thể.
PV: Theo ông, chúng ta nên tăng lương cơ sở theo lộ trình ở mức độ nào là hợp lý?
Đại biểu Phạm Tất Thắng: Thực tế qua tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ lạm phát đã bắt đầu tăng. Do đó việc phải tăng lương cho người lao động là việc dứt khoát phải làm, bởi vì đã có lộ trình. Tuy nhiên, tôi rất khó để nói một con số cụ thể vào lúc này, mà cần xem xét tới các yếu tố như tôi đã nói ở trên để xác định mức tăng phù hợp.
Tôi muốn nhấn mạnh thêm, những năm vừa qua mức tăng tiền lương và BHXH của ta tăng theo tỷ lệ phần trăm so với các nước trong khu vực có thể là nhiều; nhưng lương và thu nhập của người lao động được hưởng, nếu so sánh quy đổi thì không phải là cao.
Việc tăng đó cũng phù hợp để mức lương và thu nhập của người lao động tiệm cận với mặt bằng chung của các nước xung quanh, có điều kiện kinh tế - xã hội tương tự. Tuy nhiên, việc tăng phải tính toán sao cho phù hợp, vừa đảm bảo lợi ích của người lao động, thu nhập phù hợp và thỏa đáng ở mức độ nhất định để họ có cuộc sống ổn định; đồng thời đảm bảo sự phát triển ổn định, lâu dài của doanh nghiệp.
PV: Có chuyên gia cho rằng, do năng suất lao động của chúng ta quá thấp nên lương cơ sở cần tăng thấp hoặc không nên tăng. Ý kiến của ông như thế nào? Và làm sao giải quyết được mâu thuẫn lương – năng suất lao động?
Đại biểu Phạm Tất Thắng: Tôi đồng tình một nửa với quan điểm này. Bởi do những biến động kinh tế - xã hội, lộ trình chúng ta đã tính toán đã bao hàm những yếu tố này, trong đó có việc tăng lương là cần thiết. Tuy nhiên, tăng thế nào phải phù hợp với khả năng chi trả, thu nhập, tăng trưởng của doanh nghiệp.
Còn năng suất lao động thấp của chúng ta là một thực tế và người lao động cũng phải chịu kết quả đó rồi. Tức là có mức lương không cao so với các nước có trình độ tương tự. Tôi nghĩ phải dung hòa giữa 2 yếu tố đó.
Năng suất lao động đương nhiên đóng góp vào sự tăng trưởng, phát triển, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó doanh nghiệp trả mức lương phù hợp. Mức lương đó phải tăng để khuyến khích người lao động làm việc tốt hơn.
Còn việc cải thiện năng suất lao động, tôi cho rằng còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác như đào tạo, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực, cách thức quản lý… Đây là bài toán lớn của nền kinh tế và việc quản lý nguồn nhân lực của chúng ta hiện nay. Nhưng điều này cũng gắn với yếu tố tăng lương.
PV: Xin cảm ơn ông!./.