Tăng lương tối thiểu vùng: Công nhân còn nhiều băn khoăn
VOV.VN - Hầu hết người lao động đều băn khoăn rằng, khi tăng lương, các doanh nghiệp có tăng đúng quy định và giá cả có tăng theo hay không?
Mức lương tối thiểu vùng năm 2016 áp dụng từ ngày 1/1/2016, tăng 12,4% so với mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2015. Tuy nhiên, hầu hết người lao động đều băn khoăn rằng, khi tăng lương, các doanh nghiệp có tăng đúng quy định và giá cả có tăng theo hay không? Vì vậy, ngành lao động và các cấp công đoàn cần tăng cường giám sát để việc tăng lương triển khai đúng quy định.
Lo ngại giá cả tăng theo lương
Mức lương tối thiểu vùng năm 2016 tăng như sau: Vùng 1 là 3,5 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 3,1 triệu đồng/tháng; vùng 3 là 2,7 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 2,4 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng 250.000 – 400.000 đồng/tháng.
Mức lương tối thiểu vùng năm 2016 sẽ áp dụng từ ngày 1/1/2016 (Ảnh: KT) |
Mức lương tối thiểu vùng năm 2016 tăng thêm 12,4% được cho là nhằm bù đắp sự mất giá của đồng tiền, phù hợp với tỷ lệ tăng của năng suất lao động và đảm bảo đời sống tối thiểu cho người lao động. Tuy nhiên, vấn đề tăng lương lại khiến người lao động lo ngại giá cả tiêu dùng tăng theo.
Chị Ngô Thị Châm, công nhân Công ty TNHH công nghệ Moto Hà Nội cho biết: Với những công nhân lao động chưa có gia đình thì đã phải tiết kiệm tiền sinh hoạt hàng tháng, còn với những công nhân lao động có gia đình như chị thì việc chi tiêu còn tiết kiệm hơn. Ngoài tiền dành cho ăn uống hằng ngày thì còn rất nhiều khoản chi tiêu khác như tiền học của con, tiền thuê nhà, tiền thuốc men khi ốm đau, tiền hiếu, hỉ...
Làm việc tại công ty 7 năm, lương cơ bản và các khoản khác của chị Châm cũng được khoảng 5 triệu. Tuy nhiên, khi có hai con lớn đang đi học thì việc chi tiêu của gia đình chị cũng phải hết sức tằn tiện. Nhiều khi muốn làm tăng ca để có thêm thu nhập nhưng không phải lúc nào công ty cũng có nhiều việc. Với việc tăng lương tối thiểu vùng từ đầu năm 2016, chị Châm cũng không mấy hào hứng.
Theo chị Châm, các cơ quan chức năng của nhà nước có cách nào đó làm giá cả bình ổn thì việc tăng mới có ý nghĩa, còn mọi sinh hoạt trong đời sống cũng tăng thì không đuổi kịp và không phải là niềm vui của công nhân.
Công đoàn sẽ giám sát việc tăng lương
Theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng đồng thời cũng là điều chỉnh mức đóng bảo hiểm xã hội theo quy định mới, đây là điều có lợi cho người lao động. Bởi người lao động khi được nâng mức lương tối thiểu và phụ cấp thì việc đóng bảo hiểm cũng tăng theo. Tuy nhiên, người lao động cũng sẽ được hưởng nhiều hơn các chế độ chính sách của bảo hiểm xã hội.
Ông Mai Đức Chính |
Ông Mai Đức chính cho biết, tổ chức công đoàn sẽ phân công cán bộ công đoàn giám sát việc thực hiện lương tối thiểu vùng cũng như các khoản phụ cấp, trợ cấp khác tại doanh nghiệp để tránh xảy ra tình trạng doanh nghiệp thực hiện không đúng. Ở những doanh nghiệp đông công nhân, thường xảy ra tranh chấp thì cử cán bộ nắm tình hình, hướng dẫn công đoàn cơ sở trong quá trình điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho phù hợp, không để xảy ra tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể.
Ông Mai Đức Chính nói: “Trong nghị định của Chính phủ về tiền lương tối thiểu, doanh nghiệp không được cắt giảm các khoản phụ cấp, phải thực hiện những cam kết của người sử dụng lao động. Tổ chức công đoàn sẽ giám sát để chủ sử dụng lao động không cắt bỏ các khoản phụ cấp mà thực hiện những điều đã cam kết trong thỏa ước lao động tập thể. Hoặc cam kết giữa người sử dụng lao động và người lao động”.
Việc tăng lương tối thiểu vùng hàng năm là để người lao động tăng thêm thu nhập, đảm bảo cuộc sống. Tuy nhiên, các cấp chính quyền và công đoàn cần cùng nhau phối hợp chặt chẽ hơn nữa để tránh tình trạng các doanh nghiệp lách luật, cắt giảm các khoản khác mà hiện nay người lao động đang được lĩnh như tiền làm thêm giờ, phụ cấp độc hại./.