Tăng mức phạt đối với cơ sở kinh doanh để xảy ra mua, bán dâm

VOV.VN - Hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm.

Ngày 18/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Công văn số 6398/VPCP-KGVX gửi các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Công văn nêu rõ:

Công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm 6 tháng đầu năm 2019 có nhiều chuyển biến tốt, công tác xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai kịp thời. Việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia đạt kết quả, hoạt động chỉ đạo trực tiếp tại các địa phương, cơ sở được tăng cường; cấp ủy, chính quyền các địa phương đã quan tâm chỉ đạo; nhiều đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với quy mô lớn, xuyên quốc gia bị bóc gỡ, triệt phá; việc đổi mới công tác cai nghiện, quản lý người nghiện ma túy, chi trả điều trị người nhiễm HIV qua bảo hiểm y tế từng bước thực hiện hiệu quả, số người nhiễm HIV mới được kiểm soát.

Ảnh minh họa. Nguồn: Tri thức trẻ

Tuy nhiên, người sử dụng ma túy tổng hợp và các chất hướng thần mới có xu hướng tăng cao gây mất trật tự, an toàn xã hội; nhận thức, quan điểm về phòng, chống mại dâm chưa thống nhất; còn tồn tại một số tụ điểm, ổ nhóm tội phạm tổ chức hoạt động mại dâm gây bức xúc dư luận; kinh phí cho công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm từ nguồn ngân sách hạn chế, từ nguồn tài trợ bị cắt giảm; phối hợp giữa các Bộ, ngành vẫn chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.

Trong những tháng cuối năm 2019, tình hình tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS dự báo diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, cơ quan, địa phương quyết liệt triển khai các nhiệm vụ sau:

Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam tăng thời lượng, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, xây dựng chương trình, tin bài đạt mục tiêu của Đề án “Phối hợp truyền thông phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đến năm 2020”; ưu tiên kinh phí thực hiện các sản phẩm truyền thông có hiệu quả, phát sóng vào các khung giờ có nhiều người theo dõi; chú trọng tuyên truyền về tác hại của các chất gây nghiện, chất hướng thần mới và giáo dục kỹ năng phòng ngừa ma túy trong giới trẻ.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm: Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện, trình dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy theo quy định; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ theo hướng tăng mức phạt đối với người đứng đầu cơ sở hoặc người đại diện theo pháp luật của cơ sở kinh doanh dịch vụ để xảy ra hoạt động mua, bán dâm.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm nghiên cứu đề xuất xây dựng dự án sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh phòng, chống mại dâm hoặc Luật Phòng, chống mại dâm thay thế cho Pháp lệnh phòng, chống mại dâm; sửa đổi, bổ sung Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 của Chính phủ theo hướng bổ sung các quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi mại dâm, liên quan đến mại dâm trong các cơ sở hoạt động kinh doanh ngành, nghề dễ phát sinh tệ nạn xã hội; đề xuất cơ quan được giao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này phù hợp với tình hình hiện nay.

Bộ Tư pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội và cai nghiện ma túy.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các ban, ngành chức năng ở địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh, buôn bán các loại chất hướng thần, tiền chất chất và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; không để lợi dụng các sự kiện, lễ hội, hội chợ, điểm vui chơi công cộng, các quán bar, karaoke, nhà hàng, khách sạn để tổ chức sử dụng, chứa chấp, lôi kéo sử dụng trái phép chất ma túy, chất hướng thần trên địa bàn.

Chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí; đầu tư nguồn lực cho công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn; cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất; bảo đảm an ninh trật tự, nâng cao chất lượng dịch vụ cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc; rà soát, thống kê và có hồ sơ quản lý người nghiện và người sử dụng ma túy tổng hợp; tiếp nhận, phân loại các đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp để quản lý có hiệu quả tại các cơ sở cai nghiện, không để xảy ra tình trạng học viên bỏ trốn khỏi cơ sở cai nghiện; nộp báo cáo đầy đủ theo quy định./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên