Tạo việc làm tại chỗ sẽ tránh việc nông dân tha hương

VOV.VN - Phó Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng cho rằng chỉ có cách tạo việc làm cho người dân tại chỗ sẽ tránh việc phải tha hương, cứ đến khi dịch bệnh, lũ lụt lại trở về quê như trong thời gian qua.

Chiều 17/12, Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết thực hiện Nghị quyết 26-NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tổ chức hội thảo định hướng xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa ở Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Ban Kinh tế Trung ương chủ trì hội thảo.

Theo PGS.TS Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, qua 13 năm thực hiện Nghị quyết 26 đã góp phần làm tăng trưởng kinh tế và thu nhập, chuyển từ cây lương thực sang cây hàng hóa có giá trị cao; tăng năng suất lao động, thúc đẩy nghiên cứu khoa học công nghệ, đảm bảo tăng trưởng và tăng quy mô sản xuất và số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng lên.

Tuy nhiên, ông Đào Thế Anh cũng cho rằng, hiện nông thôn đang gặp phải những trở ngại như dịch chuyển lao động tự do từ nông nghiệp sang công nghiệp, lao động nông nghiệp bị già hóa và bị nữ hóa do lao động nam giới đã di cư đến các thành phố để kiếm việc làm, nhất là lao động chưa được đào tạo trước yêu cầu công nghiệp hóa, cơ giới hóa, năng suất lao động công thấp.

Do đó theo ông Đào Thế Anh, cần quan tâm tới vấn đề dự báo, bắt kịp theo xu hướng chung của quá trình hội nhập. Quan tâm phát triển nông nghiệp số, nông thôn số, tăng trưởng xanh và bền vững; phát triển nông nghiệp sinh thái phù hợp với vùng miền. Hình thành thế hệ nông dân chuyên nghiệp, ứng xử thông minh với các biến động như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thị trường.

Thạc sỹ Nguyễn Hải Ninh, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu dân số, lao động việc làm, Viện Khoa học lao động xã hội Việt Nam cho rằng cần quan tâm tới vấn đề đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Theo bà Ninh, cần sớm trình Chính phủ thông qua đề án nâng cao chất lượng đào tạo nghề ở nông thôn 2021-2030 và chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp 2021-2030 và ban hành các chính sách mới phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn.

Ông Lê Văn Nghị, Phó Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam kiến nghị cần sớm có nghị quyết Trung ương mới về phát triển hợp tác xã, sửa đổi Luật hợp tác xã năm 2012. Đầu tư hợp tác xã nông nghiệp khép kín từ sản xuất cho đến phân phối, liên kết các hợp tác xã nhỏ thành hợp tác xã đủ lớn để đấu giá dịch vụ đầu vào nhằm hạ giá thành sản phẩm.

Kết luận hội thảo, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo cho biết các vấn đề được đặt ra tại hội thảo sẽ được tổng hợp để trình Trung ương cho ý kiến tại Hội nghị Trung ương 5 vào tháng 5-2022.

Ông Nguyễn Duy Hưng khẳng định, nỗ lực lo cho nông thôn là chiến lược đã được Đảng xác định. Hiện người dân sống ở nông thôn chiếm 62% dân số Việt Nam. Lo cho nông thôn là lo cho đa số người dân Việt Nam. Vì vậy cần đầu tư mạnh mẽ cho khoa học công nghệ để tái cơ cấu mạnh mẽ nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, hiện ở sản xuất ở nông thôn còn nhiều vấn đề đặt ra như thiếu bền vững về môi trường, về tiềm năng và kết nối giữa dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Đáng lo ngại là đang báo động về môi trường, nhất là vùng làng nghề.

Ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng chỉ có cách tạo việc làm cho người dân tại chỗ sẽ tránh việc phải tha hương, cứ đến khi dịch bệnh, lũ lụt lại trở về quê như trong thời gian qua./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ly nông phải không ly hương
Ly nông phải không ly hương

VOV.VN - Việc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn cần đặt trong kế hoạch tổng thể chung cả nền kinh tế, trong đó đảm bảo “ly nông bất ly hương” là vấn đề lớn.

Ly nông phải không ly hương

Ly nông phải không ly hương

VOV.VN - Việc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn cần đặt trong kế hoạch tổng thể chung cả nền kinh tế, trong đó đảm bảo “ly nông bất ly hương” là vấn đề lớn.