Tắt sóng 2G, có đủ điện thoại thông minh giá rẻ cung cấp cho người dân?
VOV.VN - Tắt sóng 2G là xu thế không thể đảo ngược. Tuy nhiên làm gì và làm như thế nào để những người dân yếu thế, những thuê bao 2G vùng biên giới, hải đảo... không bị bỏ rơi trong công cuộc chuyển đổi số hạ tầng mạng.
Thống kê mới nhất của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho thấy, đến cuối tháng 7/2024 vẫn còn khoảng 10 triệu thuê bao 2G, tập trung chủ yếu ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... và nhóm một số người yếu thế, kém tiếp cận với công nghệ.
Phổ biến về tắt sóng 2G qua 3 kênh truyền thông cơ sở
Theo lộ trình đã được Bộ TT&TT công bố, hệ thống công nghệ di động 2G sẽ ngừng phục vụ các thuê bao dùng máy điện thoại chỉ sử dụng công nghệ 2G - 2G Only từ ngày 16/9/2024. Hệ thống 2G sẽ ngừng hoạt động từ ngày 15/9/2026.
Trao đổi tại tọa đàm về tắt sóng 2G mới đây, ông Ngô Thanh Hiển, Phó Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở (Bộ TT&TT) cho biết, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền phục vụ chủ trương dừng công nghệ 2G, Cục Thông tin cơ sở đã tham mưu lãnh đạo Bộ TT&TT để có kế hoạch thực hiện tốt việc truyền thông trực tiếp đến người dân.
Trong tháng 7, Cục Thông tin cơ sở đã phối hợp với lực lượng thông tin cơ sở tại các địa phương để tổ chức tuyên truyền, phổ biến trên hệ thống truyền thanh cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã và các phương tiện truyền thông khác trên địa bàn.
“Theo số liệu thống kê, trên cả nước hiện có khoảng 220.000 tuyên truyền viên cơ sở. Đây là lực lượng giúp truyền tải nhanh và hiệu quả các thông tin trực tiếp đến người dân. Lực lượng này được huy động vào công tác truyền thông chủ trương tắt sóng công nghệ cũ 2G”, ông Ngô Thanh Hiển cho hay.
Ngoài ra, đại diện Cục Thông tin cơ sở cho biết thêm, đơn vị này sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để thúc đẩy triển khai các loại hình thông tin tuyên truyền khác nhằm đưa thông tin đến người dân, góp phần thiết thực vào việc thực hiện thành công chủ trương dừng công nghệ cũ 2G.
Liên quan đến công tác truyền thông về dừng công nghệ di động 2G, thời điểm hiện tại, nhiều địa phương trên cả nước đang triển khai các chương trình đưa thông tin tới người dân trên địa bàn về chủ trương, kế hoạch dừng công nghệ 2G và thực hiện chuyển đổi máy điện thoại 2G sang điện thoại 4G.
Tại Hà Nội, theo Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Tiến Sỹ, ước tính toàn thành phố có khoảng 8.700 hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo chưa có máy điện thoại hỗ trợ 4G. Vì thế, từ tháng 3/2024, Sở TT&TT thành phố đã đề nghị các địa phương và doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tuyên truyền về định hướng, lộ trình kế hoạch dừng công nghệ 2G; đồng thời, có phương án để không người dân nào bị gián đoạn thông tin liên lạc sau thời điểm tắt sóng 2G.
Trong tháng 7, Sở TT&TT thành phố Hà Nội đã đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao, hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn Thủ đô tiếp tục tăng cường tuyên truyền phổ biến các quy định liên quan đến lộ trình dừng công nghệ 2G, phổ cập điện thoại thông minh.
“Các doanh nghiệp viễn thông di động tại Hà Nội, bên cạnh nhiệm vụ phối hợp rà soát các điểm lõm sóng, đề xuất xây dựng kế hoạch phát triển các trạm thu phát sóng di động đảm bảo vùng phủ mạng 4G thay thế mạng 2G khi dừng hệ thống 2G, Sở TT&TT cũng yêu cầu các nhà mạng tích cực tham gia tuyên truyền về lộ trình dừng công nghệ 2G, tạo sự đồng thuận của người dân trong thực hiện chủ trương dừng công nghệ di động cũ của Thủ tướng Chính phủ, ngành TT&TT”, ông Nguyễn Tiến Sỹ cho hay.
Nhà mạng lo thiếu điện thoại 4G giá rẻ khi tắt sóng 2G
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thông tin, thuyết phục người dân chuyển từ điện thoại “cục gạch” (điện thoại chỉ dùng 2G) lên điện thoại thông minh, các nhà mạng cho biết, số thuê bao chủ yếu có nhu cầu nghe, gọi đơn thuần, rất khó để thuyết phục chuyển đổi.
“Số thuê bao 2G chủ yếu thuộc tập khách hàng ở vùng núi, biên giới, hải đảo (chiếm khoảng 73%), thuộc nhóm người lớn tuổi (chiếm 65%) và lao động tự do (chiếm 75%). Đây được đánh giá là những đối tượng yếu thế, không dễ để tác động và thuyết phục. Với nhu cầu nghe gọi đơn thuần, nhóm khách hàng này cần nhiều thời gian và nỗ lực để tiếp xúc và thuyết phục chuyển đổi thiết bị”, đại diện Viettel Telecom chia sẻ.
Ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom cho biết, từ nay đến tháng 9/2024, việc đảm bảo các thiết bị đầu cuối là khó. Theo khảo sát, các điểm bán hàng đã bán ra khoảng 500.000 máy, một nửa trong đó là smartphone dưới 3 triệu đồng. Nhưng đến tháng 9 năm nay, Viettel phải chuyển đổi 5-6 triệu thuê bao nữa, năng lực cung cấp thiết bị của thị trường không đủ.
“Tôi có đề xuất các nhà cung cấp nâng sản lượng máy, đây là yếu tố quyết định việc chuyển đổi 2G có thành công hay không. Mong các chuỗi cung cấp thiết bị đầu cuối đảm bảo số lượng thiết bị để hỗ trợ người dùng. Công tác truyền thông đã rất tốt rồi, nhưng cách tiếp cận thông tin đâu đó vẫn có những ngờ vực nhất định, do vậy, cần phải tăng cường vận động người dân”, ông Nguyễn Trọng Tính nêu ý kiến.
“Có tình trạng máy điện thoại 4G và smartphone trên kênh thiếu cục bộ ở một số tỉnh. Viettel rất nỗ lực trang bị máy để phục vụ công tác chuyển đổi thiết bị cho người dùng, nhưng vẫn không đáp ứng được tốc độ chuyển đổi, đặc biệt khi càng về gần giai đoạn cuối”, ông Nguyễn Trọng Tính nói.
Tình cảnh tương tự đối với nhà mạng MobiFone, qua thực tế triển khai, nhiều người dùng di động không có nhu cầu đổi máy (trừ khi buộc phải đổi sau ngày 16/9/2024) do đã quen sử dụng điện thoại 2G. Đây là những khách hàng thuộc nhóm người cao tuổi, hộ nghèo, ở vùng khó khăn. Họ chỉ có nhu cầu với các thiết bị có thể nghe, gọi điện thoại và sở hữu thời lượng pin lớn.
Theo ông Bùi Sơn Nam, Phó Tổng Giám đốc MobiFone, để giải quyết vấn đề, MobiFone cho biết sẽ tiếp tục truyền thông tới người dùng di động về chính sách của Nhà nước và sự hỗ trợ của nhà mạng để khách hàng chủ động chuyển đổi thiết bị.
“Quỹ Viễn thông công ích nếu có chương trình hỗ trợ khách hàng, nhà nước và doanh nghiệp sẽ cùng chung tay. Vừa qua, MobiFone cũng phối hợp với Sở TT&TT Đà Nẵng tặng điện thoại cho khách hàng. Chúng tôi xác định đây là việc lớn, ảnh hưởng đến việc sử dụng dịch vụ của người dân. Với khách hàng có điều kiện, họ có thể chuyển đổi lên smartphone. Với người không có điều kiện kinh tế, họ có thể chuyển sang máy feature phone 4G được hỗ trợ miễn phí”, ông Bùi Sơn Nam cho hay.
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa (16/9/2024) là đến “cột mốc” dừng hoạt động thuê bao 2G, các nhà mạng nhận định đây là nhiệm vụ khó khăn, tuy vậy, đều quyết tâm cố gắng hoàn thành việc tắt sóng 2G theo đúng chủ trương của Bộ TT&TT. Đồng thời, nỗ lực vận động, thuyết phục, hỗ trợ người dân sớm chuyển đổi, nâng cấp thiết bị để đảm bảo liên lạc không bị gián đoạn.