Tàu cá vỏ thép đi chuyến biển đầu tiên ra Hoàng Sa

VOV.VN - Sau khi tiếp nhận tàu cá vỏ thép Sang Fish 01 vào ngày 2/7, chủ tàu đang khẩn trương chuẩn bị  chuyến biển đầu tiên ra  ngư trường truyền thống Hoàng Sa để vừa đánh bắt vừa làm dịch vụ hậu cần trên biển.


 

Tàu cá Sang Fish 01 của ông Phan Bé, ở huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi là tàu cá vỏ thép thứ 2 được Công ty đóng tàu Nha Trang đóng mới sau tàu Hoàng Anh 01. Đây là loại tàu cá vỏ thép lưới vây, có công suất 750 CV, dài hơn 25 m, chiều rộng lớn nhất 7,8m, lượng chiếm nước gần 200 tấn.

Trên tàu được trang bị nhiều thiết bị hàng hải hiện đại: rađa, máy định vị GPS, la bàn từ, máy thu phát hai chiều cầm tay, phao vô tuyến chỉ báo sự cố, phao cứu sinh các loại, thiết bị cứu hỏa, trang vật tư y tế sơ cấp cứu.  Ngoài ngư lưới cụ truyền thống tàu còn được trang bị máy dò ngang tầm quét 3000 mét, góc quét 45 độ, dùng để hỗ trợ phát hiện đàn cá nhằm giảm chi phí chạy tìm đàn cá và tăng hiệu quả đánh bắt. Dầu mỡ, nhiên liệu, nước ngọt dự trữ đảm bảo tàu hoạt động được liên tục 2.000 hải lý, kíp thủy thủ 18 người,  sử dụng được 30 ngày đêm.

Ngư dân Phan Bé đang điều khiển tàu Sang Fish 01

Ông Phan Bé cho biết, ông vừa cùng với đơn vị đóng tàu, cơ quan đăng kiểm tiến hành thử chạy biển rất thành công. Suất tiêu hao nhiên liệu khoảng 25 lít/ giờ, dự  kiến mỗi chuyến biển tiết kiệm được gần 40 triệu đồng so với tàu vỏ gỗ.

 “Những sự cố mà thường xảy ra trên biển hồi trước kia đi tham gia tàu gỗ thì thấy tàu vỏ thép này không có. Cứ suy nghĩ tàu vỏ thép nó nặng, tiêu hao nhiên liệu, vận hành trên biển thì cái tàu vỏ thép này nó lợi dầu hơn tàu vỏ gỗ rất nhiều đến 25-30%”, ông Phan Bé nói.

Ngay sau khi tiếp nhận tàu, ông Phan Bé cùng Tổ dịch vụ hậu cần nghề cá số 1 vùng khơi thành phố Đà Nẵng đã chuẩn bị nhiên liệu, nước ngọt, thực phẩm để đi chuyến biển đầu tiên ra vùng biển Hoàng Sa để vừa khai thác vừa làm dịch vụ hậu cần nghề cá.  Là tàu vỏ thép nên sức chứa nước ngọt, đá cây của tàu Sang Fish lớn hơn nhiều so với tàu vỏ gỗ, thời gian bám biển trong điều kiện sóng gió cũng tốt hơn. Anh Lê Văn Sang, ở phường Thuận Phước, quận Hải Châu,  thư ký Tổ dịch vụ hậu cần nghề cá số 1 vùng khơi thành phố Đà Nẵng cho biết mô hình tổ chức này giúp các tàu bạn tiết kiệm nhiên liệu.

“Ngư trường hoạt động chính là ngư trường Hoàng Sa, ngư trường trọng điểm. Với mô hình của mình nâng cao được chất lượng hải sản, sau khai thác sẽ được chuyển vào ngay trong bờ thông qua đội tàu dịch vụ hậu cần của mình. Các chủ tàu khai thác không mất thời gian di chuyển vào trong bờ để bán hải sản, họ tiếp tục theo cái luồng cá đang di chuyển. Khép kín như vậy, cùng nhau chuyên nghiệp hơn”, anh Lê Văn Sang cho biết.

Tàu vỏ thép Sang Fish 01 có  vốn đầu tư lên đến hơn 7 tỷ đồng,  cao hơn tàu vỏ gỗ, tuy nhiên,  do tiết kiệm nhiên liệu và hệ thống bảo quản sản phẩm tốt hơn nên hiệu quả kinh tế cao, giúp thu hồi vốn rất khả thi.  Ông Lê Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trong bối cảnh bị tàu cá Trung Quốc quấy phá như hiện nay, được Nhà nước hỗ trợ  đóng tàu vỏ thép, ngư dân tỉnh Quảng Ngãi rất phấn khởi.

“Tiền đề cho hiện đại hóa tàu cá không có cách nào khác là phải sử dụng tàu vỏ thép thay cho tàu vỏ gỗ. Đây là ước ao của bà con, đi trên biển lâu nay, tiếp xúc với tàu của các nước bà con rất mê. Hiện nay tàu hậu cần rất cần thiết, Quảng Ngãi hiện giờ chưa có một cái tàu dịch vụ hậu cần nào, cái này tàu hậu cận vừa giúp cho bà con chuyến biển dài ngày hơn, sản phẩm vào bờ nhanh hơn thì hiệu quả kinh tế nó sẽ cao”, ông Lê Văn Sơn cho biết./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên