Tàu điện một ray trong quy hoạch giao thông đô thị

Hệ thống này sẽ góp phần đáng kể vào việc làm giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, đồng thời đẩy nhanh quá trình giãn dân ở khu vực trung tâm, chặn đà phát triển các phương tiện cá nhân…  

Ngày 26/8, Tổng Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Vinaconex phối hợp với Sở Giao thông Vận tải TP. HCM tổ chức Hội thảo “Tàu điện một ray trong quy hoạch giao thông đô thị”. Hội thảo có gần 100 nhà khoa học, nhà quản lý và chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, quy hoạch, xây dựng trong và ngoài nước tham gia.

Tại Hội thảo, hầu hết các đại biểu đều khẳng định, xây dựng hệ thống tàu điện một ray là một trong những giải pháp hay, hiệu quả nhằm góp phần giải quyết tình trạng quá tải giao thông hiện nay ở Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn.

Về việc xây dựng, chuyên gia về quy hoạch lưu ý, trong quá trình hình thành, xây dựng tàu điện một ray nên thiết kế đồng thời với thiết kế đô thị, đặc biệt chú ý đến thiết kế tổng thể sử dụng 3 tầng dưới cùng; cân nhắc khi hệ thống tàu điện đi ngang qua khu văn hóa lịch sử, thiết kế trạm dừng và chú ý thiết kế thuận tiện cho người đi bộ, người tàn tật…

Tại TP.HCM, nơi được xem như là đầu mối giao thông lớn của cả nước, vấn đề nghiên cứu, đầu tư, xây dựng hệ thống tàu điện một ray được xem là một trong những giải pháp cần thiết. Ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, cho biết: Trong quy hoạch hệ thống giao thông của thành phố đến năm 2020, thành phố chọn hai tuyến đường xây dựng tàu điện một ray. Đó là tuyến từ đường Nguyễn Văn Linh đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm dài 12 km và tuyến từ Ngã sáu Gò Vấp chạy qua Công viên phần mềm Quang Trung với chiều dài 8km.

Hiện nay, UBND TP.HCM giao cho các cơ quan chức năng tìm kiếm nhà đầu tư, nghiên cứu để sớm có thể triển khai các tuyến tàu điện một ray này. Nếu công việc triển khai thuận lợi đến năm 2015, TP.HCM sẽ có tuyến tàu điện một ray đầu tiên được đưa vào vận hành, khai thác./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên