Tây Nguyên: Cần giải pháp đồng bộ để giữ rừng
VOV.VN -Thống kê toàn vùng Tây Nguyên, diện tích rừng hiện đã giảm gần 360 nghìn ha so với kết quả rà soát năm 2008.
Theo kiểm kê mới nhất, diện tích rừng ở 5 tỉnh Tây Nguyên đã bị suy giảm tới gần 360 nghìn ha so với kết quả rà soát năm 2008.
Con số chênh lệch này, một phần được cho là do sự thiếu chính xác của cách đo thủ công trước đây, một phần do nạn phá rừng lấy đất sản xuất của người dân, phần khác là do sự nóng vội trong chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện các mục tiêu kinh tế. Giữ rừng, đang trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đặt ra đối với các cả bộ ngành trung ương và các tỉnh Tây Nguyên.
Rừng phòng hộ Buôn Đôn, tỉnh Đắc Lắc, loang lổ những vệt xám trắng của rẫy sắn, rẫy ngô mới qua mùa thu hoạch.
Ông Y Tri Niê, ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, cho biết lý do bà con phá rừng phòng hộ làm rẫy, bất chấp sự ngăn cấm của ngành chức năng.
Mặt khác, cơ chế chính sách trong lĩnh vực lâm nghiệp đã lạc hậu, khiến cả người bảo vệ rừng và người ở gần rừng đều không đảm bảo được cuộc sống.
Chính vì vậy mà chưa đầy 10 năm, diện tích rừng của Đắc Lắc đã giảm hơn 86 nghìn ha, độ che phủ rừng từ 51% giảm xuống chỉ còn 38%; gần 30 nghìn ha bị người dân lấn chiếm lấy đất sản xuất.
Ông Y Đhăm Ênuôl, cho biết: “Đắc Lắc không tuần nào tháng nào là không phát hiện việc xâm hại vào rừng. Rừng và đất rừng liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân, vấn đề sinh kế, rồi sức ép về đất ở đất sản xuất, kể cả với người tại chỗ và dân di cư tự do. Và ngoài ra còn là cơ chế chính sách: người sống với rừng, tham gia quản lý bảo vệ rừng là chưa đủ sống với nghề này. Chúng tôi hiện có 15 công ty lâm nghiệp, chưa kể các ban quản lý rừng phòng hộ đặc dụng, nhiều tháng nhiều năm không có lương, anh em sống dở chết dở, cho nên công tác quản lý bảo vệ rừng rất là khó.”
Bên cạnh việc gia tăng nạn phá rừng làm rẫy và cơ chế, chính sách không theo kịp thực tế, ông Nguyễn Đức Luyện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Nông cho rằng, rừng bị mất trong thời gian dài còn do những tiêu cực trong lực lượng chức năng. Chủ rừng thì sợ kỷ luật nên không dám báo cáo thật về số diện tích rừng bị phá; đội ngũ cán bộ bảo vệ rừng thì suy thoái đạo đức.
Ông Luyện, nói: “Tôi nghĩ nguyên nhân thứ nhất cần phải xử lý đó là công tác tổ chức cán bộ. Những vụ phá rừng trước đây không xử lý được bởi vì cán bộ có nhận đất nhận rừng, có buôn bán đất đai, có chỉ đạo bật đèn xanh phá rừng để mua lại, đặc biệt là lạm dụng Nghị định 135 của Chính phủ, sang nhượng lung tung hết, do đó là không xử lý được, giao công an cũng bó tay.”
Thống kê toàn vùng Tây Nguyên, diện tích rừng hiện đã giảm gần 360 nghìn ha so với kết quả rà soát năm 2008. Những tỉnh để mất nhiều rừng là Gia Lai (135 nghìn ha), Đắc Lắc (86 nghìn ha), Kon Tum (73 nghìn ha). Theo ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục lâm nghiệp, nguyên nhân chính làm suy giảm nhanh chóng diện tích và chất lượng rừng Tây Nguyên là việc nóng vội trong chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, kéo theo nạn phá rừng lấy đất canh tác, khai thác gỗ trái phép…
Ông Ngãi nhận định: “Do nôn nóng phát triển kinh tế xã hội địa phương, nên việc triển khai thực hiện các dự án chuyển đổi rừng, nhất là dự án chuyển đổi trồng cao su một cách ồ ạt không tuân thủ theo đúng các quy định của nhà nước, là nguyên nhân cơ bản làm giảm 128.500 ha rừng tự nhiên, chiếm tới 35,8% tổng diện tích rừng bị giảm.”
Chỉ trong 7 năm (từ 2006 đến 2013), toàn vùng Tây Nguyên có 700 dự án được cấp phép đầu tư với tổng diện tích rừng hơn 215 nghìn ha. Nhiều dự án triển khai không hiệu quả, dẫn đến tranh chấp đất đai, dân ồ ạt vào phá rừng giành phần sử dụng đất. Tình trạng này chỉ được đẩy lùi và từng bước ngăn chặn từ cuối năm 2011, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về tăng cường các biện pháp cấp bách bảo vệ rừng, ngăn chặn nạn phá rừng và chống người thi hành công vụ; đồng thời đình chỉ các dự án nông lâm nghiệp trên đất có rừng. Các tỉnh Tây Nguyên đã phải thu hồi một loạt dự án nông lâm nghiệp với tổng diện tích hơn 10 nghìn ha, nhưng hậu quả mất rừng vẫn chưa dừng lại.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo nhà nước về kế hoạch bảo vệ phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020 tổ chức tại Đắc Lắc cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, nhấn mạnh, các bộ ngành cùng với các Tây Nguyên phải làm rõ từng nguyên nhân để có giải pháp đúng. Trong đó, cần tập trung nguồn lực để thực hiện đồng bộ từ cơ chế chính sách mới, nâng cao năng lực của chủ rừng, xử lý nghiêm những đối tượng đứng sau việc xâm hại rừng, tăng cường thông tin tuyên truyền pháp luật, nâng cao đời sống cho người dân ở những vùng khó khăn.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: “Đời sống của người dân ở khu vực có rừng là điều kiện hết sức quan trọng để chúng ta tổ chức tốt việc bảo vệ rừng. Đảng, Nhà nước đã có rất nhiều chính sách, đặc biệt là cơ chế chính sách cho phát triển những vùng dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa, các chương trình xóa đói giảm nghèo, nông thôn mới cũng đều tập trung vào khu vực này. Các giải pháp mà chúng ta cần phải làm nó rất đồng bộ, như vậy thì sẽ giảm áp lực đối với rừng”./.