Tây Nguyên đã thiếu giáo viên lại càng thiếu do tỷ lệ tăng dân số rất cao

VOV.VN - Một trong những khó khăn của các tỉnh khu vực Tây Nguyên là tỷ lệ tăng dân số tự nhiên và cơ học do di dân tự do ở các tỉnh đều rất cao. Chỉ tính riêng Đắk Nông, mỗi năm tỉnh này tăng thêm 35.000 học sinh do di dân tự do, do đó giáo viên đã thiếu lại càng thiếu hơn.

Ngày 24/3, tại tỉnh Đắk Lắk, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tây Nguyên là một trong những vùng có tốc độ phát triển giáo dục ngoài công lập cao nhất cả nước

Báo cáo về thực trạng giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên giai đoạn 2011-2022, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, trong 10 năm qua, hệ thống mạng lưới trường lớp học được củng cố và phát triển rộng khắp, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân. Về cơ bản, không còn xã trắng về giáo dục mầm non, mọi thôn bản đều có lớp mầm non. Tất cả các xã đều có trường tiểu học. Hầu hết các xã đã có trường THCS, các huyện đều có trường THPT. Nhiều địa phương đã xây dựng các trường THCS, THPT liên xã. Hiện toàn vùng có 3.984 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên.

Đáng chú ý khi tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường của Tây Nguyên đạt 99,6% - cao hơn so với bình quân cả nước và đứng thứ 3 toàn quốc.

Toàn vùng có 59 trường phổ thông dân tộc nội trú và 68 trường phổ thông dân tộc bán trú. Trong đó, có 49/59 trường phổ thông dân tộc nội trú (chiếm tỷ lệ 83,05%) được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục của các trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú được cải thiện qua từng năm học.

Mặc dù có thu nhập bình quân đầu người xếp thứ 5 trên 6 vùng của cả nước, chỉ cao hơn vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Tuy nhiên, Tây Nguyên lại là một trong những vùng có tốc độ phát triển giáo dục ngoài công lập cao nhất cả nước. Năm học 2020 - 2021, toàn vùng có 261 cơ sở giáo dục Mầm non, phổ thông ngoài công lập, tăng 150 cơ sở giáo dục so với cách đây 10 năm.

Dù đã có nhiều nỗ lực, song với điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, chất lượng giáo dục vùng Tây Nguyên còn thấp hơn mặt bằng chung của cả nước. Hầu hết các chỉ tiêu về chất lượng giáo dục của vùng đều thấp hơn chỉ tiêu chung của cả nước và các khu vực khác. Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực dân tộc thiểu số chưa đáp ứng được yêu cầu. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học tuy tăng những vẫn còn thấp so với cả nước. Đây là rào cản trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng.

Giáo dục Tây Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2030 các chỉ tiêu về chất lượng giáo dục, đào tạo của vùng Tây Nguyên tiệm cận với mặt bằng chung của cả nước. Đến năm 2045, phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên tiệm cận với các vùng khác trên cả nước và từng bước tiệm cận với nền giáo dục trong khu vực.

Tăng dân số cơ học là bài toán khó giải chung của giáo dục Tây Nguyên

Một trong những khó khăn được cả 5 tỉnh trao đổi tại hội nghị là tỷ lệ tăng dân số tự nhiên và cơ học do di dân tự do ở các tỉnh đều rất cao. Phó Chủ tịch tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh cho biết, mỗi năm tỉnh Đắk Nông tăng thêm 35.000 học sinh do di dân tự do, do đó giáo viên đã thiếu lại càng thiếu hơn.

Các kiến nghị được địa phương gửi tới Quốc hội, Chính phủ, Bộ GDĐT và các bộ, ngành tập trung vào chính sách phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; tăng cường các nguồn đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới khó khăn - theo một số địa phương, hiện nay đã có nhiều chương trình mục tiêu quốc gia cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhưng việc lồng ghép cho giáo dục còn hạn chế, khó thực hiện.

Việc cắt giảm biên chế 10% tại các địa phương, trong đó áp dụng cả với ngành Giáo dục đang gây ra khó khăn cho các địa phương vốn đã thiếu giáo viên ở các bậc học. Vì vậy, địa phương đề nghị Bộ Nội vụ xem xét vấn đề này. Tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non để đảm báo với đặc thù nghề nghiệp vất vả và đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số nhằm tạo nguồn tuyển, cũng là những nội dung được các tỉnh vùng Tây Nguyên kiến nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, từ góc độ giáo dục, theo Bộ trường, đây là vùng người dân, trẻ em ngoan, hiền lành, chất phác, “thuận cho việc trồng người”, bởi nền giáo dục mà chúng ta đang triển khai, đang hướng đến là lấy việc phát triển con người về nhân cách, đạo đức và hướng đến con người hạnh phúc.

Với đặc điểm của một vùng nhiều khó khăn, Bộ trưởng nhìn nhận, giáo dục Tây Nguyên đang phải thực thi nhiệm vụ nặng nề hơn so với các vùng khác. Vừa phải giải quyết yêu cầu khó theo kịp các vùng khác nhưng lại phải thực hiện đổi mới như mọi vùng, cùng với đó là làm nhiệm vụ với đồng bào dân tộc. “Cộng lại nếu vùng khác cố gắng 1, chúng ta cố gắng 2-3. Đây là đặc điểm của sự nghiệp giáo dục Tây Nguyên và là thách thức nặng nề”, Bộ trưởng nói.

Đặc điểm của một khu vực đa dạng dân tộc, văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng đỏi hỏi phải bảo lưu giá trị văn hoá ấy; đặc điểm của một vùng lấy sản xuất nông nghiệp làm chủ yếu đòi hỏi nâng cao dân trí là yêu cầu cấp bách và đặc điểm của một vùng có tỷ lệ người dân theo học bậc đại học thấp nhất cả nước, cần cấp bách nâng cao tỷ lệ người đi học đại học để nguồn nhân lực chất lượng cao… là 3 vấn đề tiếp theo được Bộ trưởng đề cập trong nhóm các đặc điểm, đặc trưng của giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên.

Với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang triển khai trên cả nước, Bộ trưởng lưu ý tới tính quá trình của việc thực hiện để không cứng nhắc, không nóng vội trong đánh giá cũng như có lộ trình để thực hiện. Tính chủ động trong triển khai chương trình mới của từng địa phương, nhà trường, thầy cô giáo cũng được Bộ trưởng lưu ý. Bộ trưởng mong muốn, các địa phương sẽ dành sự ưu tiên cao độ đầu tư cơ sở vật chất, giáo viên, nhân lực cho hai năm 2023-2024 để “nhịp đầu tư rơi đúng thời điểm triển khai quan trọng nhất”.

“Trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới các tỉnh khó khăn cần đặc biệt lưu ý, nếu triển khai không khéo, không tập trung nguồn lực có thể làm gia tăng khoảng cách giữa các tỉnh và các vùng miền về giáo dục”, Bộ trưởng nói, đồng thời đề nghị lãnh đạo các địa phương quan tâm kiểm tra, đốc thúc, chỉ đạo ráo riết việc triển khai chương trình mới; các Sở GDĐT tham mưu kịp thời để tháo gỡ khó khăn.

“Đối với quốc gia, phát triển giáo dục và đào tạo là giải pháp đột phá để có nguồn ngân lực chất lượng cao. Đối với Tây Nguyên còn nhiều khó khăn, để phát triển kinh tế - xã hội nhân lực càng là giải pháp quan trọng để phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Mong rằng bằng giải pháp tổng thể, Tây Nguyên sẽ từng bước thực hiện thành công các mục tiêu phát triển giáo dục. Bộ GDĐT và các địa phương sẽ cùng cố gắng cho sự phát triển chung của giáo dục và giáo dục Tây Nguyên”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Quảng Bình bổ sung hợp đồng lao động để giải bài toán thiếu giáo viên
Quảng Bình bổ sung hợp đồng lao động để giải bài toán thiếu giáo viên

VOV.VN - Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình đang nỗ lực tìm phương án giải quyết tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp, trong điều kiện vẫn phải tinh giản biên chế theo quy định. Trước thực tế này, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã ban hành Nghị quyết về bổ sung chỉ tiêu hợp đồng lao động giảng dạy, tạm thời giải quyết bài toán thiếu giáo viên.

Quảng Bình bổ sung hợp đồng lao động để giải bài toán thiếu giáo viên

Quảng Bình bổ sung hợp đồng lao động để giải bài toán thiếu giáo viên

VOV.VN - Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình đang nỗ lực tìm phương án giải quyết tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp, trong điều kiện vẫn phải tinh giản biên chế theo quy định. Trước thực tế này, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã ban hành Nghị quyết về bổ sung chỉ tiêu hợp đồng lao động giảng dạy, tạm thời giải quyết bài toán thiếu giáo viên.

Lớp cận chuyên, chất lượng cao bị xoá sổ: Phụ huynh tâm tư, giáo viên trăn trở
Lớp cận chuyên, chất lượng cao bị xoá sổ: Phụ huynh tâm tư, giáo viên trăn trở

Từ năm học 2024-2025, các trường THPT chuyên sẽ chỉ có các lớp chuyên, không còn được tuyển sinh lớp cận chuyên, chất lượng cao.

Lớp cận chuyên, chất lượng cao bị xoá sổ: Phụ huynh tâm tư, giáo viên trăn trở

Lớp cận chuyên, chất lượng cao bị xoá sổ: Phụ huynh tâm tư, giáo viên trăn trở

Từ năm học 2024-2025, các trường THPT chuyên sẽ chỉ có các lớp chuyên, không còn được tuyển sinh lớp cận chuyên, chất lượng cao.

Đà Nẵng: Bàn giao Nhà lưu trú cho giáo viên xã miền núi
Đà Nẵng: Bàn giao Nhà lưu trú cho giáo viên xã miền núi

VOV.VN - Chiều nay (6/3), Liên Đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng phối hợp với UBND huyện Hoà Vang tổ chức bàn giao công trình Nhà lưu trú dành cho giáo viên xã miền núi Hoà Bắc, huyện Hoà Vang.

Đà Nẵng: Bàn giao Nhà lưu trú cho giáo viên xã miền núi

Đà Nẵng: Bàn giao Nhà lưu trú cho giáo viên xã miền núi

VOV.VN - Chiều nay (6/3), Liên Đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng phối hợp với UBND huyện Hoà Vang tổ chức bàn giao công trình Nhà lưu trú dành cho giáo viên xã miền núi Hoà Bắc, huyện Hoà Vang.