Tây Nguyên hạn lịch sử: Lãng phí các công trình thủy lợi và nước sạch
VOV.VN - Chi phí mỗi công trình cấp nước vốn đầu tư từ 200 triệu đến 5 tỷ đồng. Với 124 công trình “đắp chiếu”, số tiền lãng phí lên đến cả trăm tỷ đồng
Tây Nguyên đang phải trải qua một mùa khô khốc liệt nhất trong 100 năm lại đây. Hàng trăm nghìn hộ dân đang khốn khổ vì thiếu nước sản xuất và sinh hoạt. Tuy nhiên, tại một số nơi, lại xảy ra nghịch lý, đó là công trình thủy lợi đầy nước nhưng không phục vụ được nhu cầu sản xuất; trong lúc đó, tại nhiều buôn làng, người dân thiếu nước uống, nước sinh hoạt nghiêm trọng thì hàng trăm công trình nước sạch lại “đắp chiếu”.
Hồ thủy lợi Ia Mlah đầy nước nhưng không giúp gì được trong cơn hạn.
Huyện Krông Pa là một trong những địa bàn của tỉnh Gia Lai đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do hạn hán gây ra. Tại nhiều nơi trong huyện, nguồn nước phục vụ sản xuất đã không còn từ nhiều tháng qua, nước sinh hoạt cũng đã không còn từ mấy tuần nay. Trong khi tại nhiều buôn làng, người dân quay quắt vì nắng hạn thì công trình thủy lợi Ia Mláh, được đầu tư hơn 750 tỷ đồng tại xã Ia Mláh, có dung tích thiết kế 54 triệu m3 đang chứa đầy nước lại không giúp gì được cho dân.
Ông Tạ Chí Khanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, cho biết, nguyên nhân thủy lợi Ia Mláh, một hồ thủy lợi trọng điểm của huyện và của tỉnh chưa phát huy hết hiệu quả là vì đầu tư chưa đồng bộ. Thủy lợi mới chỉ phục vụ được một số diện tích cây trồng ở gần, còn những nơi ở xa đang còn phải chờ đầu tư kênh dẫn dòng: “Hồ thủy lợi Ia Mláh được đầu tư và đã đi vào hoạt động từ năm 2009. Tuy nhiên, do đầu tư chưa đồng bộ, do đó, chưa phát huy được hết năng lực. Cụ thể, do đầu tư cho hệ thống kênh thực hiện bằng nguồn vốn WB thì đang thực hiện công tác đấu thầu, chưa triển khai thi công với trị giá hơn 100 tỷ đồng. Thứ hai là vấn đề xây dựng, san gạt đồng ruộng với trị giá 41 tỷ đồng hiện nay đang triển khai thi công do đó, vấn đề phục sản xuất thì chưa phát huy hết tác dụng”.
Công trình nước sạch không hoạt động phí tiền tỷ. |
Theo thiết kế, hồ thủy lợi Ia Mláh có năng lực tưới trên 5.500 ha cây trồng các loại và cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 36.000 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở 6 xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của huyện Krông Pa. Đáng ra, sau 7 năm đi vào hoạt động, thủy lợi này đã có thể giúp hàng chục nghìn người dân huyện Krông Pa vượt qua được mùa hạn khốc liệt. Tuy nhiên, do đầu tư chưa đồng bộ, nhiều buôn làng vẫn phải chờ chưa biết đến bao giờ để hưởng lợi từ nguồn nước của công trình thủy lợi này?
Không chỉ có công trình thủy lợi, nghịch lý cũng đang diễn ra tại các công trình cấp nước sinh hoạt tại tỉnh Gia Lai. Trong khi người dân ở nhiều buôn làng đang khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt thì hàng trăm công trình nước sạch đã được đầu tư bài bản lại bị “đắp chiếu”.
Ông Ksor Munh, trưởng buôn Thim, xã Phú Cần, huyện Krông Pa cho biết, năm 2006 buôn được đầu tư một công trình cấp nước nhưng chỉ sử dụng được vài năm là xuống cấp, hư hỏng. Bà con trong buôn phải lấy nước sông suối để dùng nhưng năm nay nước suối đã không còn vì hạn, nước sông Ba thì ô nhiễm nghiêm trọng, không dùng ăn uống được.
“Tôi mong muốn huyện, xã nghiên cứu lại công trình cấp nước cho bà con trong buôn, làm sao để bà con được sử dụng nước sạch. Công trình nước sạch thì hỏng rồi mà nước sông suối thì hạn hán và ô nhiễm lắm”. Ông Ksor Munh nói.
Từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau như vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, vốn 134, 135… toàn tỉnh Gia Lai đã đầu tư được 304 công trình cấp nước sạch cho các buôn làng. Sau khi công bố Quyết định rủi ro thiên tai do hạn hán, với hơn 7.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt thời điểm này, tỉnh Gia Lai ngỡ ngàng với con số 96 công trình cấp nước sạch đã ngừng hoạt động, 28 công trình hoạt động kém hiệu quả. Trong khi đó, chi phí mỗi công trình cấp nước có vốn đầu tư từ 200 triệu đến 5 tỷ đồng. Với 124 công trình “đắp chiếu”, số tiền lãng phí lên đến cả trăm tỷ đồng.
Theo phân cấp, các công trình cấp nước sạch là do cấp huyện quản lý. UBND tỉnh Gia Lai từng có văn bản khẳng định: Nhiều công trình cấp nước bị xuống cấp, hư hỏng là do công tác đầu tư, quản lý khai thác và vận hành kém hiệu quả; chính quyền huyện, xã lơ là khắc phục dẫn đến mất khả năng hoạt động, gây lãng phí tiền của Nhà nước; ngoài ra, các sở ngành thiếu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc. Tuy vậy, trong bối cảnh thiếu nước diễn ra nghiêm trọng, các huyện phải đề xuất xin tỉnh kinh phí đầu tư, sửa chữa các công trình cấp nước, còn cấp tỉnh lại phải “xin” Trung ương.
Tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành đề nghị xin cấp 31 tỷ đồng để chống hạn trước mắt, trong đó tập trung giải quyết nước uống, nước sinh hoạt cho người dân vùng bị hạn.
Cũng tại buổi làm việc này, tỉnh Gia Lai thừa nhận, không chỉ các công trình nước sạch, hàng loạt công trình thủy lợi khi bàn giao cho cấp huyện quản lý cũng có vấn đề và cho đến nay đều đã khô cạn.
Phải chở nước về buôn làng cứu hạn |
Ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, nói: “Qua cử rất nhiều đoàn đi khảo sát thì thấy rằng, trong phân cấp quản lý các hồ đập, một số hồ đập do huyện quản lý thì hiệu quả rất thấp. Bởi vì kinh nghiệm, điều kiện nhận thức, hiểu biết của người quản lý thay đổi liên tục nên là người ta không biết quản lý như thế nào cho tốt, cho nên hầu hết các hồ đập do huyện quản lý đã khô cạn. Đây là vấn đề mà chúng tôi cũng đề nghị, trong chỉ đạo quản lý, vận hành hồ đập sắp tới, nên có sự phân cấp rõ”.
Trong cơn đại hạn tại Gia Lai cho thấy, các công trình thủy lợi, công trình nước sạch đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để rồi lãng phí. Trong khi đó, người dân ở nhiều buôn làng lại quay quắt, thiếu nước trầm trọng vì nắng hạn. Đó là những nghịch lý cần phải thay đổi ngay lúc này./.