Tây Nguyên "nóng" vấn đề bảo vệ rừng
(VOV) -Trong năm, toàn tỉnh có tới 1.600 vụ vi phạm tài nguyên rừng được phát hiện, với 182 ha rừng bị tàn phá.
Trong tuần qua, HĐND các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã tiến hành kỳ họp cuối năm nhằm đánh giá kết quả phát triển kinh tế xã hội trong năm 2012. Tại các phiên họp, nhiều vấn đề được các đại biểu đưa ra chất vấn, trong đó, vấn đề quản lý và bảo vệ rừng tiếp tục trở thành vấn đề “nóng” khi tình trạng lâm tặc lộng hành, diện tích rừng ở các tỉnh Tây Nguyên liên tục bị tàn phá. Tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Đắc Lắc, nhiều đại biểu đặt câu hỏi vì sao nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng vấn nóng bỏng, dù vấn đề đã được nói đến nhiều, thậm chí là rất nhiều trong các kỳ họp HĐND và các kỳ họp quan trọng khác của tỉnh. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắc Lắc… cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu triển khai quyết liệt các biện pháp, nhưng nạn phá rừng vẫn tiếp tục gia tăng.
Tây Nguyên là nơi rừng bị tàn phá nhiều nhất nước |
Trong năm, toàn tỉnh có tới 1.600 vụ vi phạm tài nguyên rừng được phát hiện, với 182 ha rừng bị tàn phá. Ngay cả dải rừng thông phòng hộ quốc lộ 14, ở huyện Krông Búc và Ea H’Leo, cũng tàn phá ngang nhiên, đất rẫy tiến sát tới mặt đường. Việc mất rừng được lý giải do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu vẫn do công tác quản lý và bảo vệ rừng lỏng lẻo, chưa làm rõ trách nhiệm cụ thể của những cán bộ và đơn vị liên qua. Đại biểu Y Manh A Drơng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea H’Leo chất vấn về trách nhiệm của đơn vị chủ rừng: Trong báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh về vấn đề đánh giá nguyên nhân thu hẹp rừng thì chưa hết. Tôi thấy mới đề cập, vai trò của các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, hạt kiểm lâm nhưng chưa nói đến vai trò của đơn vị chủ rừng. Như vậy, để xử lý việc này, đề nghị phải làm rõ vai trò của đơn vị chủ rừng vì nhà nước giao cho anh , anh phải có trách nhiệm, còn đơn vị khác chỉ là đơn vị phối hợp và quản lý nhà nước thôi.
Còn tại tỉnh Kon Tum, điều khiến các đại biểu hết sức băn khoăn là dù rừng có chủ, có nhiều cơ quan chức năng và chính quyền địa phương bảo vệ, song vẫn bị tàn phá.
Càng bất ngờ hơn khi nhiều vụ khai thác lâm sản trái phép được phát hiện là do người dân tố giác trực tiếp với lãnh đạo tỉnh, chứ không phải từ lực lượng chức năng. Trước sự truy vấn của đại biểu, ông Nguyễn Trung Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết, phương án chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng đã được xây dựng. Trong đó, cũng quy rõ trách nhiệm đối với chính quyền, đảng ủy địa phương và ngành chức năng: Trong phương án này đồng chí Bí thư Huyện ủy chịu trách nhiệm trước đồng chí Bí thư Ban cán sự Đảng của Ủy ban tỉnh. Đồng chí chủ tịch UBND huyện sẽ chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về để tình trạng khai thác lâm sản trái phép, phá rừng làm rẫy. Còn lại các ngành như là công an, huyện đội, kiểm lâm tham mưu cho chính quyền cấp huyện và chịu trách nhiệm trước ngành dọc của mình ở cấp trên.
Khác với Kon Tum và Gia Lai, rừng ở tỉnh Lâm Đồng bị phá rất mạnh ở những dự án nông-lâm kết hợp hoặc du lịch sinh thái. Trong số 700 dự án đã được cấp phép có liên quan đến rừng và đất rừng, thì có hơn 350 dự án để xảy ra nạn phá rừng, đang làm thiệt hại hàng trăm héc ta mỗi năm.
Tại kỳ họp thứ 5 vừa tổ chức, Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng đề ra mục tiêu duy trì mức tăng trưởng kinh tế đạt từ 14 đến 15% trong năm 2013. Muốn đạt được điều này, tỉnh sẽ phải cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư. Trong đó, có việc rà soát, chấn chỉnh các dự án chậm tiến độ, để mất rừng. Ông Nguyễn Xuân Tiến, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: Chúng tôi cũng đang tìm hiểu thật là kỹ cái nào khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, về cơ chế, chính sách quản lý đất đai chẳng hạn thì tiếp tục xem xét và tháo gỡ. Và khi nào dự án không có năng lực để hư hại về rừng, không có phương án bảo vệ rừng, xây hại đến rừng thì kiên quyết thu hồi. Ở dưới các huyện cứ kiểm tra xem xét, nếu các trường hợp dự án vi phạm về vấn đề đó thì cứ đề nghị lên đây tôi ký quyết định ngay, thu hồi ngay”.
Mất rừng vốn là vấn đề đã gây bức xúc ở khu vực Tây Nguyên trong suốt nhiều năm qua. Nhưng, trách nhiệm của cán bộ như thế nào khi rừng liên tục mất vẫn là vấn đề được nhiều cử tri và đại biểu quan tâm. Chỉ khi hai tiếng “trách nhiệm” được thể hiện thật cụ thể, thì mới có hy vọng để các giải pháp ngăn chặn phá rừng được thực hiện có hiệu quả ./.