Tết ấm áp của con trai chở mẹ đi nhặt ve chai đêm
VOV.VN - Mỗi ngày hai mẹ con đều quấn quýt, chở nhau đi nhặt ve chai. Anh Hưng liên tục kiếm chuyện chọc cho mẹ vui.
Khi khắp phố phường ở TPHCM ánh đèn đêm lung linh, người người, nhà nhà rộn ràng quây quần thì tại con hẻm 184 đường Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh, anh Phạm Duy Hưng (31 tuổi) lại bắt đầu chở mẹ già trên chiếc xe thùng đi nhặt ve chai mưu sinh khắp các nẻo đường. Dù cuộc sống muôn vàn khó khăn nhưng đối với anh Hưng, người mẹ già 77 tuổi - bà Trần Thị Điểm, là cả mùa xuân, là Tết của đời mình.
Trong căn phòng thuê chưa đầy 10m2 được dựng lên bằng mấy tấm tôn lụp xụp, nóng nực, rỉ sét, anh Hưng vừa kịp cất gói thuốc lào cho mẹ, gom mấy món đồ chơi lượm được từ ve chai, rồi lấy khăn, dép cho mẹ để lên bắt đầu hành trình mưu sinh.
Khi thành phố lên đèn là lúc mẹ con anh Hưng lên đường mưu sinh. |
Con hẻm từ “nhà” mẹ con anh Hưng cũng xập xệ, ổ gà ổ vịt, là nơi ở của nhiều người nhặt ve chai sinh sống. Bà Điểm già yếu, được con trai đặt trong thùng xe đẩy đi khắp các con phố. Cứ đi vài chục mét, nhìn thấy từ xa những chai nhựa, lon bia để cạnh các túi rác ven đường, mắt anh Hưng lóe lên niềm vui, nhanh chóng nhặt lên và treo lỉnh kỉnh quanh thành xe. Anh Hưng cho biết, mẹ con chịu khó đi nhặt từ 7 giờ tối đến lúc 12 giờ đêm để kiếm thêm thu nhập, đủ để mua thức ăn và trang trải chi phí cuộc sống.
"Trước đây, chúng tôi còn kiếm được hơn 100.000 đồng, nhưng đó là lúc ve chai còn có giá cơ, giờ mất giá rồi. Bây giờ có ngày chỉ được 50.000-60.000 đồng, có ngày 70.000-80.000 đồng và ngày cao nhất là được 100.000 đồng. Tết người ta đi từ thiện, người ta cho đồ ăn uống, có người còn cho cả gạo, bánh bao, cơm hay bánh mì", anh Hưng bộc bạch.
Anh Hưng là con út trong 4 người con của bà Điểm. Hai anh trai và một chị gái đã có gia đình và con cái. Bố anh đã qua đời 5 năm qua. Chỉ còn anh chưa lập gia đình cho nên muốn lo cho mẹ thay phần các anh chị em trong nhà. Do sức khỏe mẹ già yếu, nên anh đã đưa mẹ từ ngoài Bắc vào TP HCM để chăm sóc. Dành dụm được bao nhiêu Hưng đều gom góp lại để chữa bệnh cho mẹ: "Trước đây, tôi đi làm bảo vệ, nhưng phải để mẹ ở nhà. Lúc đó, nếu mưa gió thì khổ lắm, không có ai trông. Nhờ hàng xóm thì bữa đực bữa cái, sau đó, tôi phải nghỉ trông mẹ. Sau đó một thời gian, tôi cũng đi làm lại và vẫn phải nhờ hàng xóm trông mẹ trong mấy tiếng đồng hồ. Đến bây giờ, tôi đã phải nghỉ làm hẳn rồi".
Người dân sống trên tuyến đường mẹ con anh Hưng - bà Điểm đi nhặt ve chai dài hơn 10km đã quen thuộc với hình ảnh đứa con trai gầy chở mẹ già trên thùng xe nhặt phế liệu. Gặp những người thường xuyên nhặt góp ve chai dành cho, dù rất mệt nhưng anh Hưng không quên niềm nở chào hỏi những "ân nhân". Cũng có nhiều người đến hỏi thăm mẹ anh vừa mới ra viện. Có người đến gửi bà Điểm miếng mít Thái thơm lừng, chai nước ngọt để mẹ con tiếp tục hành trình.
Có chút quà đêm người dân biếu, mẹ con vui mừng cảm kích. |
Bà Điểm luôn dạy con, dù nghèo nhưng luôn cố gắng sống vui tươi và lương thiện. |
Mỗi ngày hai mẹ con đều quấn quýt, chở nhau. Anh Hưng liên tục kiếm chuyện chọc cho mẹ vui. Những lúc nghỉ chân, ngồi phân loại ve chai, bà Điểm thường dặn dò con trai, dù cuộc sống khó khăn, hai mẹ con đùm bọc, yêu thương nhau qua ngày mưa tháng nắng. Sống giản dị, nghèo mà hạnh phúc và lương thiện.
Khi thành phố chuẩn bị bước sang thời gian của ngày mới thì cũng là lúc Hưng đẩy xe chở mẹ về tới ngõ nhà mình. Thành quả của một đêm rong ruổi khắp các con hẻm là mấy bịch phế liệu, bên cạnh đó là một vài phần quà thực phẩm chúc Tết cho mẹ con. Anh Hưng gom các bịch vào căn phòng trọ, lấy cháo đêm cho mẹ ăn trước khi đi ngủ.
Bà Điểm cho biết, niềm vui bây giờ của bà chỉ là cặm cụi têm trầu, xem tivi, cùng con trai ăn cơm rồi cùng nhau đi nhặt phế liệu: "Năm nay tôi 78 tuổi, tôi chỉ mong sao khỏe mãi, bệnh tật bớt đi, để sống với con. Hưng là út, chưa vợ con và vẫn phải xây dựng gia đình chứ".
Còn đối với anh Hưng, mỗi ngày được nhìn thấy mẹ khỏe mạnh, cười tươi với hàm răng đen chắc khỏe là cả một mùa Xuân tươi đẹp, không còn nghĩ đến chuyện riêng của bản thân mình./.