Tết của người dân nghèo ở xóm Gò

VOV.VN - Có diện tích khoảng 300 ha, xóm Gò, TP HCM là nơi sinh sống của hơn 180 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn.

Để bà con tại “xóm Gò” - nơi từng là “ốc đảo 3 không” của TP HCM cùng hòa chung không khí đón Tết cổ truyền, chính quyền địa phương nơi đây và các mạnh thường quân đã kịp thời động viên, chia sẻ bằng những suất quà và sự sẻ chia ấm áp. 

Xóm Gò (tên gọi chung của các tổ 16, 17, và 18 thuộc ấp 1 xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) nằm cách trung tâm thành phố khoảng 15km hướng về cửa ngõ phía Nam. Nếu gần chục năm trước, nơi đây được mệnh danh là ốc đảo 3 không - không đường, không điện, không nước sạch, phương tiện duy nhất để ra vào xóm là ghe, xuồng thì nay chỉ cần vượt qua 2 cây số đường đá dăm, vượt qua một cây cầu mới xây nối hai bờ sông là có thể đến được trung tâm xóm. Diện mạo của xóm “3 không” đã thay đổi nhiều, nhưng khó khăn vẫn còn bấu víu lấy cuộc sống của người dân nơi đây. Bởi vậy, khi người dân thành phố đang tất bật mua sắm chuẩn bị cho Tết Nguyên đán thì nhiều người dân ở xóm Gò vẫn đang lo lắng cho cuộc mưu sinh hàng ngày. 

Là vùng thuần nông nên xóm Gò có nhiều vuông nuôi cá, tôm, ngoài ra người dân còn tận dụng để trồng cây bồn bồn, được thu hoạch 3 lần/tuần.

Quán nước bên lề đường cũng chính là nơi che nắng, che mưa cho gia đình anh Trương Hồng Nhân - một trong những hộ thuộc diện hộ nghèo của thành phố. Anh Nhân cho biết, thu nhập chính của gia đình anh phụ thuộc vào việc đặt lờ bắt cá, đồng thời ai thuê mướn gì thì làm thêm. Mấy năm trở lại đây, anh có nuôi thêm tôm nhưng cũng không khá hơn trước vì nguồn nước không được sạch dẫn đến tôm hay bị dịch bệnh.

Có hoàn cảnh giống đa số các hộ dân nơi đây, gia đình chị Lê Thị Kim Liên ngụ tại tổ 16, với 4 miệng ăn cùng trú trong căn nhà xập xệ, phụ thuộc vào nguồn thu nhập từ việc làm thời vụ không ổn định của chị và công việc phụ xe của chồng. 

Chỉ tay vào bậc nhà được trét xi-măng gia cố cho cao lên để ngăn nước từ ngoài sông tràn vào, chị Liên tâm sự: “Chúng tôi khó khăn quá, chi tiêu thì thiếu lên hụt xuống, mái nhà thì xập xệ nhưng không có tiền nâng cao lên. Nên mỗi lần khách vô nhà đều than phiền. Bây giờ, chuyển từ hộ nghèo sang cận nghèo thì tiền chế độ trợ cấp lại giảm đi. Sang năm, con tôi có đứa lên lớp 10, tựu trường là 2-3 triệu bạc, không biết xoay sở thế nào”.

Cây cầu được xây dựng từ năm 2013 giúp người dân xóm Gò đi lại thuận tiện hơn.

Ông Phan Văn Thất, Trưởng Ấp 1 cho biết, xóm Gò trước đây chưa có cầu đường, điện, nước, nên việc đi lại và cuộc sống của bà con gặp nhiều trở ngại. Từ khi được chính quyền các cấp và các mạnh thường quân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cuộc sống của bà con cũng ít nhiều thay đổi, như chăn nuôi cá tôm, trồng thêm bồn bồn kiếm thêm thu nhập, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo ông Ngô Hoàng Hiển, Phó Chủ tịch xã Phong Phú, những năm qua địa phương đã có nhiều chủ trương để phát triển kinh tế người dân tại xóm Gò như chương trình Nông thôn mới, lập kế sinh nhai, hỗ trợ phương tiện làm ăn… nên đã khắc phục được một vài khó khăn.

Người dân nhận quà Ngày Hội Xuân Canh Tý do xã Phong Phú, huyện Bình Chánh tổ chức.

Đặc biệt, việc chăm lo cho bà con hộ nghèo ở đây vào dịp Tết là công việc hàng năm. Cứ đến hẹn lại lên, các đơn vị doanh nghiệp, mạnh thường quân đã quen với nhịp chăm lo này. Mọi công tác vận động và kinh phí được trích từ “Quỹ vì người nghèo”.

“Năm nay, mỗi hộ được xét chương trình này sẽ nhận được quà trị giá 500.000 đồng. Đảng ủy và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc không để cho hộ nào khó khăn mà không được chăm lo. Hằng năm, chúng tôi ưu tiên cho số hộ thường trú tại địa phương sau đó thì kinh phí còn thì chăm lo tạm trú và nhà trọ. Chúng ta tổ chức luôn Hội Xuân ở xã để trao trực tiếp luôn tại sân khấu”, ông Hiển nói.

Ông Ngô Hoàng Hiển, Phó Chủ tịch xã Phong Phú.

Việc tiếp sức của chính quyền địa phương và các tổ chức, doanh nghiệp cùng các mạnh thường quân đã mang đến phần nào cái Tết trọn vẹn cho bà con nghèo ở xóm Gò. Tuy nhiên, ở vùng trũng kinh tế của thành phố có sự phát triển kinh tế năng động nhất cả nước thì điều cần nhất đó là một định hướng phát triển bền vững để đời sống của người dân ở đây sớm được cải thiện./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tết Canh Tý: Lúa nếp cảnh xuống phố chợ hoa cổ nhất Hà Nội
Tết Canh Tý: Lúa nếp cảnh xuống phố chợ hoa cổ nhất Hà Nội

VOV.VN - Hà Nội có nhiều chợ Hoa, thế nhưng với những người yêu Hà Nội và thích hoài niệm Tết xưa thì không thể bỏ qua chợ hoa cổ nhất Hà Nội trên phố Hàng Lược.

Tết Canh Tý: Lúa nếp cảnh xuống phố chợ hoa cổ nhất Hà Nội

Tết Canh Tý: Lúa nếp cảnh xuống phố chợ hoa cổ nhất Hà Nội

VOV.VN - Hà Nội có nhiều chợ Hoa, thế nhưng với những người yêu Hà Nội và thích hoài niệm Tết xưa thì không thể bỏ qua chợ hoa cổ nhất Hà Nội trên phố Hàng Lược.

 Chính phủ cấp gần 850 tấn gạo cho dân nghèo Đắk Lắk Tết Canh Tý
Chính phủ cấp gần 850 tấn gạo cho dân nghèo Đắk Lắk Tết Canh Tý

VOV.VN - Khoảng 835 tấn gạo của Chính phủ hỗ trợ cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và thời gian giáp hạt đầu năm 2020.

 Chính phủ cấp gần 850 tấn gạo cho dân nghèo Đắk Lắk Tết Canh Tý

Chính phủ cấp gần 850 tấn gạo cho dân nghèo Đắk Lắk Tết Canh Tý

VOV.VN - Khoảng 835 tấn gạo của Chính phủ hỗ trợ cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và thời gian giáp hạt đầu năm 2020.

Thời tiết Tết nguyên đán Canh Tý 2020: Hà Nội rét đậm
Thời tiết Tết nguyên đán Canh Tý 2020: Hà Nội rét đậm

VOV.VN - Trong các ngày Tết chính (30 tháng Chạp đến mùng 3 Tết), khả năng sẽ có không khí lạnh, gây mưa và rét ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Thời tiết Tết nguyên đán Canh Tý 2020: Hà Nội rét đậm

Thời tiết Tết nguyên đán Canh Tý 2020: Hà Nội rét đậm

VOV.VN - Trong các ngày Tết chính (30 tháng Chạp đến mùng 3 Tết), khả năng sẽ có không khí lạnh, gây mưa và rét ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.