Thạc sỹ bỏ việc, về quê làm nông nghiệp sạch thách thức bão lũ
VOV.VN -Sau hơn 10 năm gắn bó với công tác nghiên cứu, Thạc sỹ trẻ Lê Đình Quả đã bỏ việc, về quê làm nông nghiệp sạch, trồng hoa quả với quy mô lớn.
Từ bỏ công việc ở Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ, anh Lê Đình Quả cùng vợ về quê trồng rau màu, hoa quả quy mô lớn. Mảnh đất Quảng Bình năm nào cũng chịu thiên tai, bão lũ khắc nghiệt khiến hoa màu của đôi vợ chồng trẻ thiệt hại nặng nề.
Tuy nhiên, bằng tri thức, sự cần mẫn, sáng tạo, chàng thạc sỹ trẻ Lê Văn Quả đã tìm nhiều cách chế ngự thiên nhiên. Thương hiệu rau sạch An Nông của anh đang len lỏi khắp ngóc ngách của thị trường, dần chiếm được niềm tin của khách hàng.
Anh Lê Đình Quả |
PV: Những năm 2015-2016, bão lũ và hạn hán đã ảnh hưởng đến việc trồng hoa màu của gia đình anh như thế nào?
Anh Lê Văn Quả: Sau hơn 10 năm gắn bó với công tác nghiên cứu ở Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ, năm 2016, tôi và vợ mình là Lê Thị Thanh Thủy quyết định xin nghỉ việc, về quê ở thôn Kéc, xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình khởi nghiệp nông nghiệp.
Dù chồng là thạc sỹ, vợ kỹ sư nhưng chúng tôi không có nhiều tiền trong tay. Chúng tôi phải vay ngân hàng gần 1 tỷ đồng mua sắm máy móc, trang thiết bị sản xuất để trồng nhiều loại rau, củ quả. Bước vào mùa mưa, từ tháng 9 đến hết tháng 2 năm sau, xuất hiện nhiều cơn bão đổ bộ vào Quảng Bình. Gió bão quét qua làm toàn bộ 3 ha rau màu của tôi bị dập nát, hư hỏng hoàn toàn.
Nhà màng chống sâu bọ, côn trùng bị rách nát, hệ thống tưới nước bằng công nghệ israel nhập về cũng thiệt hại ước tính gần 500 triệu đồng. Sau bão, nguồn nước bị nhiễm phèn, nhiễm mặn khiến cuộc sống sinh hoạt gia đình đảo lộn. Nguồn hàng cung cấp rau sạch ra thị trường bị gián đoạn. Chúng tôi mất lượng lớn khách hàng, mùa đông năm đó, người ta chọn rau củ quả nhập về từ nơi khác để bù đắp nguồn cung bị thiếu hụt.
PV: Để vượt qua sự nghiệt ngã của thời tiết, anh đã có giải pháp gì trong thay đổi cơ cấu cây trồng?
Anh Lê Văn Quả: Thiệt hại buổi đầu khởi nghiệp của tôi là do bản thân còn thiếu kinh nghiệm. Bằng tình yêu và niềm đam mê với nông nghiệp sạch, tôi triển khai nhiều phương án. Tôi tính toán mùa vụ hợp lý, gieo giống cây trồng nào để thu hoạch sớm trước mùa bão hoặc sau mùa bão thì mới bắt đầu gieo cấy. Trong mùa bão, tôi chủ trương trồng các loại rau quả có đặc tính sống sát mặt đất như: bí đỏ, rau khoai, mồng tơi, rau ngót, rau muống… Những loại rau quả này không cần phải làm dàn nên tránh được gió bão quăng quật.
Kỹ sư Lê Thị Thanh Thủy bên vườn cà chua của gia đình |
Tôi còn làm nhà màng chống côn trùng, chống mưa âm dưới đất để trồng mướp đắng, cà chua, dưa leo... Nhà màng có tính cơ động, khi cần là tháo dỡ được ngay. Vì âm dưới đất nên gió mạnh cũng khó làm dàn rau quả bị thổi bạt. Tôi còn trồng nhiều cây dương, cây keo suốt dọc chiều dài 700 mét bao quanh 3ha rau màu. Chúng là vành đai chắn gió bão tuyệt vời giúp hoa màu của tôi vẫn cứ tiếp tục sống sót và vươn lên.
Quảng Bình hai mùa mưa nắng, thường qua bão lũ thì nắng hạn lại kéo đến. Tranh thủ diện tích đất của gia đình còn rộng, vợ chồng tôi đào hồ chứa nước tưới tiêu. Tôi tiết kiệm nước tưới hoa màu bằng cách tưới phun sương, tưới nhỏ giọt.
PV: Từng là thạc sỹ về làm công việc người nông dân, anh thấy có cần quan tâm đến dự báo thời tiết hay không? Đã có giống cây, vật nuôi gì chống chịu được hạn hán, bão lũ hay chưa?
Anh Lê Văn Quả: Thời tiết ảnh hưởng trực tiếp, có thể nói là vấn đề sống còn đối với nền nông nghiệp. Vì thế, tôi đặc biệt quan tâm diễn biến thời tiết. Tôi theo dõi qua truyền hình, trên đài, báo và cả mạng internet nữa. Đây là những nguồn thông tin chính thống, cơ bản chính xác để nhà nông chuẩn bị phương án đối phó.
Anh Quả trồng dưa leo trong nhà màng chống côn trùng |
Nếu hạn hán, bão lũ ập tới, tôi chỉ có thể phòng ngừa thấp nhất thiệt hại xảy ra bằng các phương án như tôi đã nói. Với rau củ quả thì chưa có giống nào chịu được hạn, vì chúng cần nước thường xuyên. Các nhà khoa học nghiên cứu một số giống lúa chống chịu được hạn, qua thử nghiệm thì giống lúa sống tốt.
PV: Làm nông nghiệp, anh thấy bản thân cần có những kỹ năng gì để chống chọi với biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp?
Anh Lê Văn Quả: Kiến thức về nông nghiệp là không bao giờ thừa, tôi đọc sách, lên mạng xem các nước như Nhật Bản, Israel, Úc…đang phát triển nền nông nghiệp của họ như thế nào. Đối với Israel, một đất nước có khí hậu khắc nghiệt của sa mạc khô hạn, tôi học hỏi được công nghệ tưới nước của họ và cách tìm ra các giống cây tốt, thích ứng thời tiết. Với Nhật Bản, tôi định hướng được cách làm ra sản phẩm nông nghiệp sạch, tiêu chuẩn cao về chất lượng. Với nước Úc, tôi học hỏi được cách sản xuất quy mô lớn, cơ giới hóa tự động nhằm giảm chi phí lao động.
Qua gần 3 năm lặn lộn với cây và đất, sản phẩm rau sạch An Nông cung cấp cho nhiều cửa hàng, siêu thị, trường học trên địa bàn. Vincom Quảng Bình đang đề nghị ký đơn đặt hàng nhưng tôi chưa dám ký hợp đồng vì nguồn hàng chưa đủ. Thời gian tới, tôi sẽ ký hợp đồng với bà con nông dân trên quê tôi, đưa cây giống, hướng dẫn quy trình công nghệ chăm sóc, trồng trọt cho họ. Tôi ý định thành lập theo hình thức Hợp tác xã để mở rộng quy mô, nâng tầm thương hiệu rau sạch.
Cuối cùng, dẫu thiên nhiên có dữ dằn, thô bạo bao nhiêu thì tôi cũng như nhiều nhà nông khác sẽ càng sáng tạo, linh hoạt bấy nhiêu trên chính mảnh đất của mình.
PV: Xin cảm ơn anh!/.
Trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018 cho 3 nhà khoa học
Điều bất ngờ về 2 nhà khoa học Việt lọt top 100 nhà khoa học châu Á