Thách thức nào với giáo viên khi học sinh có thể dùng ChatGPT để trả lời mọi câu hỏi?
VOV.VN - Với khả năng “biết tuốt”, giao tiếp như người thật, giải một bài toán chỉ trong vài giây, viết luận văn, thậm chí soạn giáo án, ChatGPT được nhiều người cho rằng sẽ tác động trực tiếp đến việc dạy và học, trong đó sẽ đặt ra những thách thức với giáo viên trong việc kiểm tra, đánh giá học sinh.
Nguyễn Huy Hoàng, học sinh lớp 12 (Đống Đa, Hà Nội) vừa tạo một tài khoản ChatGPT. Hoàng thử đăng nhập và đưa ra một bài toán bằng cách lập hệ phương trình, chỉ trong vài giây, phần mềm này đã cho ra kết quả nhanh chóng, chính xác.
Với môn tiếng Anh, khi đưa ra đề bài viết về tình trạng người trẻ thất nghiệp sau khi ra trường, ChatGPT đã hoàn thành một đoạn văn khoảng 200 chữ nói về nội dung này.
“Em khá bất ngờ với phần mềm này. Em nghĩ mình sẽ sử dụng ChatGPT để phục vụ cho việc học và tìm hiểu các kiến thức nhiều hơn. Trong một số trường hợp, phần mềm này có thể “gỡ bí” cho học sinh trước những bài tập mà thầy cô đưa ra", Huy Hoàng chia sẻ.
Đánh giá về phần mềm AI ChatGPT đang "gây sốt" và được cho là sẽ tác động lớn tới nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Một số ý kiến lo ngại rằng, ứng dụng này sẽ thay thế vai trò của giáo viên trong việc truyền dạy tri thức. Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên môn Sinh học tại Hà Nội cho rằng, các ứng dụng như ChatGPT tuy có thể hoàn thiện và làm được nhiều thứ hơn nữa nhưng chắc chắn không thể thay thế hoàn toàn con người.
“Chúng ta không nên hoang mang, ứng dụng này sinh ra để phục vụ lợi ích con người. Bản thân nó không có tốt xấu, mà vấn đề ở người sử dụng.
ChatGPT hay AI có điểm mạnh về logic, lưu trữ, xử lý thông tin dữ liệu, đó là điều chúng ta cần khai thác, nhưng nó không có cảm xúc và tính sáng tạo. Với giáo viên, đây là công cụ rất tốt trong việc rút ngắn thời gian chuẩn bị tài liệu, đem lại nhiều trải nghiệm cho người học, giáo viên cần hiểu rõ thế mạnh hiện nay của mình là truyền cảm hứng chứ không phải kiến thức. Sáng tạo hơn, đem nhiều trải nghiệm cho học sinh hơn, xây dựng khả năng tự học, tự nghiên cứu suốt đời mới là nhiệm vụ của giáo viên hiện nay", thầy Đinh Đức Hiền nhấn mạnh.
Thầy Hiền cũng cho rằng, đối với học sinh, chắc chắn khó tránh khỏi việc lạm dụng công cụ này trong học tập và có thể dẫn đến tình trạng lười tư duy. Khi công nghệ càng phát triển, việc giáo dục học sinh kĩ năng đọc viết, giáo dục đạo đức trên các nền tảng số lại càng cần thiết hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh hiện nay, giáo viên cần chỉ ra cho học sinh thấy được những lợi ích khi sử dụng và cả tác hại nếu sử dụng không đúng mục đích các ứng dụng như ChatGPT. Thầy cô cần chỉ cho học sinh biết phần thông minh và cả phần không thông minh của ứng dụng đó.
“Bất cứ công cụ nào cũng chỉ đem đến lợi ích khi nó được định hướng đúng đắn song song với giáo dục từ lương tâm”, thầy Đinh Đức Hiền nhấn mạnh.
Thầy Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (Nghệ An) cũng cho rằng, với sự phát triển của các phần mềm trí tuệ nhân tạo như ChatGPT, có thể hình dung về một viễn cảnh không xa khi giáo viên đứng trên bục giảng chưa kịp đọc hết câu hỏi, thì học sinh đã có câu trả lời. Một bài tập mà giáo viên giao về nhà dù khó đến mấy cũng không còn là vấn đề. Như vậy, đặt ra câu hỏi, liệu rằng đến một ngày nào đó, khi chỉ học kiến thức, thì học sinh sẽ không cần đến giáo viên?
Thầy Hồ Tuấn Anh cho rằng, các phần mềm như ChatGPT đang phát triển rất mạnh, chắc chắn sẽ tác động đến nhiều ngành nghề, trong đó có cả giáo dục cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Đón nhận và coi các sản phẩm của AI như một cơ hội hay thách thức phụ thuộc vào chính cách tiếp cận của mỗi người. Vậy làm thế nào để người thầy không lu mờ trước sự phát triển như vũ bão của trí tuệ nhân tạo.
Cách duy nhất là người thầy phải phát huy thế mạnh của "con người" mà trí tuệ nhân tạo không có, hoặc không thể thay thế được, đó chính là cảm xúc.
Theo thầy Hồ Anh Tuấn, nếu như trước đây khi nói đến vai trò của người thầy là dạy chữ và dạy người, thì trong tương lai sẽ cần nhấn mạnh nhiều hơn vai trò dạy người và hướng dẫn để học sinh tiếp cận với tri thức.
“Trong bối cảnh đó, người thầy muốn phát huy được vai trò của mình thì hãy quên đi cái quyền uy cổ điển, dựa vào điểm số, những quy định cứng nhắc để buộc học trò làm theo ý mình. Thay vào đó phải tìm cách thấu hiểu học sinh của mình như cha mẹ thấu hiểu con cái.
Người thầy phải thay đổi bằng cách tạo ra những "quyền uy" bằng cách nêu gương phẩm chất, cần có năng lực nắm bắt cảm xúc để đồng hành cùng học sinh, hướng dẫn học sinh, giúp các em hình thành các phẩm chất muốn có. Trong tương lai, chắc chắn vai trò của giáo viên không nặng về dạy tri thức mà chỉ mang tính gợi mở, định hướng để học sinh tiếp cận với tri thức.
Mở rộng ra thì ngành giáo dục cũng cần chủ động để nắm bắt xu hướng đó", thầy Hồ Anh Tuấn nhấn mạnh.
Thầy Hồ Tuấn Anh cho rằng, nếu tiếp tục duy trì nền giáo dục đánh giá thành tích bằng điểm số, ngành giáo dục chắc chắn sẽ lạc hậu, không vượt qua được thách thức do trí tuệ nhân tạo mang lại và cũng sẽ không thể đạt được mục tiêu của chương trình giáo dục 2018.
"Bởi vậy, giáo dục cần hướng tới hình thành mục tiêu giáo dục hạnh phúc với học trò. Khi đã có các phần mềm như ChatGPT, việc đánh giá thành tích của các cơ sở giáo dục không thể chạy theo điểm số hay thành tích của các kỳ thi, đo đếm xem học sinh tiếp nhận được bao nhiêu kiến thức, mà cần hướng tới sự thành công của các em. Các em có những phẩm chất, năng lực gì để bước ra ngoài đời. Việc này nói rất dễ nhưng lại rất khó vì chính giáo viên cũng cần thay đổi cách tiếp cận và giảng dạy, ngành giáo dục cũng cần thay đổi chương trình có tính dự báo, đi trước đón đầu những xu hướng phát triển như vũ bão của trí tuệ nhân tạo", thầy Hồ Tuấn Anh nói.
Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương cho biết, thực tế hiện nay đa số giáo viên chưa hiểu hết tác động của phần mềm ChatGPT tới việc dạy học, trong khi nhiều học sinh đã bắt đầu ứng dụng công nghệ. Bên cạnh những lợi ích mang lại, học sinh cũng cần chú ý với những kiến thức thu lượm được. Việc dễ dàng có đáp án các câu hỏi chỉ trong vài giây, nhưng chưa chắc đã giúp các em đọng lại các tri thức cụ thể. Khi học sinh sử dụng phần mềm để thỏa mãn đam mê tìm tòi, học hỏi cũng cần biết cách chọn lọc thông tin, không bỏ ra cách trang bị kiến thức truyền thống và học từ thầy cô, bạn bè xung quanh.
“Tôi cho rằng các em vẫn nên đặt ra sự nghi ngờ với tất cả các câu hỏi mà các ứng dụng đưa ra. Qua tất cả kiến thức phần mềm mang lại, hãy chú trọng rèn luyện cho mình năng lực phản biện. Nếu không thể rèn luyện cho mình năng lực bản lĩnh trước công nghệ mà phụ thuộc vào nó thì trước sau gì cũng biến thành robot có cảm xúc", thầy Hồ Tuấn Anh nhấn mạnh./.