Thách thức trong quản lý mỏ vàng Háng Trợ, tỉnh Điện Biên

VOV.VN - Sau gần 12 năm phát lộ, cấp phép khai thác, rồi lại thu hồi đóng cửa mỏ, đến nay, mỏ vàng Háng Trợ vẫn được phu vàng tìm đến khai thác.

Năm 2017, UBND tỉnh Điện Biên đã quyết định đóng cửa mỏ vàng Háng Trợ tại xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông, song đến nay, thác vàng chui vẫn diễn ra.

Công tác quản lý, cải tạo, khôi phục lại hiện trạng điểm mỏ này cũng còn nhiều bất cập. Trong khi đó, chính quyền sở tại là UBND huyện Điện Biên Đông vẫn chưa được bàn giao hơn 40 ha diện tích đất mỏ để quản lý.

Người dân 6 tỉnh Tây Bắc vẫn đổ về đây tìm kiếm giấc mơ vàng.

Sau gần 12 năm phát lộ, cấp phép khai thác, rồi lại thu hồi đóng cửa mỏ, đến nay, mỏ vàng Háng Trợ tại xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên chỉ còn lại những bãi đất đá ngổn ngang, những hầm, hố sâu rải khắp hơn 40 ha diện tích của mỏ trên đỉnh núi. Đây cũng chính là những vết tích minh chứng cho những cuộc tìm kiếm vận may của vàng tặc.

Những năm từ 2012 đến 2016, vàng tặc là vấn đề nhức nhối của địa phương này. Những tưởng, sau quyết định thu hồi đất và đóng cửa điểm mỏ của UBND tỉnh Điện Biên vào năm 2017, vùng núi Háng Trợ sẽ bình yên trở lại. Thế nhưng, dù các cơ quan chuyên môn đánh giá, trữ lượng vàng ở mỏ Háng Trợ không còn, song thời gian gần đây, ngoài người dân trong xã, phu vàng đến mỏ vàng Háng Trợ tìm vận may còn là người ở nhiều tỉnh khác như: Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai... 

Anh Thào A Tếnh, người dân bản Phì Nhừ A, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông, một phu vàng từng đi kiếm tìm vận may ở đây chia sẻ.

Trước đi nhiều, đi cả bản, ông bà già cũng đi tham gia. Đi thì có người chết nhưng bây giờ thì đi nhặt đá, giờ cũng không có rồi”- anh Thào A Tếnh nói

Theo chính quyền xã Phì Nhừ, hoạt động khai thác vàng tại điểm mỏ Háng Trợ bắt đầu manh nha từ năm 2005. Đến năm 2010, Công ty Cổ phần công nghiệp Molybden chính thức được Sở Công thương phê duyệt phương án khai thác vàng lộ thiên. Song vài năm sau phá sản, công ty này bỏ trốn, khiến nạn khai thác vàng chui trở nên phổ biến. Mặc dù năm 2017, UBND tỉnh Điện Biên ban hành quyết định thu hồi đất và đóng cửa điểm mỏ, song do chưa được hoàn trả, bàn giao lại mặt bằng, nên công tác quản lý hết sức khó khăn; tại đây tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, khi người dân vẫn bất chấp cảnh báo nguy hiểm đến để tìm kiếm vận may. 

Ông Hạng A Di, Chủ tịch UBND xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông cho biết: “Người ngoài tỉnh vào dựng lều lán và cũng có ý cai quản một số điểm hầm ở đấy. Nhân dân trên địa bàn cũng vào đây khai thác người ta tranh chấp điểm mỏ và cũng đã bắt được một số đối tượng mua bán ma túy trên điểm mỏ”.

Để ngăn chặn và giải quyết các vấn đề phức tạp liên quan đến an ninh trật tự, Công an huyện Điện Biên Đông đã phải bố trí thêm 1 tổ công tác túc trực 24/24 giờ tại xã. Tổ công tác này có nhiệm vụ thường xuyên tuần tra, kiểm soát và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Đồng thời, kết hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân. 

Từ sự vào cuộc quyết liệt này, các vấn đề phức tạp khi xảy ra đều được ngăn chặn kịp thời. Tuy nhiên, cuộc chiến với vấn nạn vàng tặc thì vẫn chưa chấm dứt.

Công an huyện Điện Biên Đông trao đổi với phóng viên VOV về những khó khăn trong công tác quản lý điểm mỏ.

Thượng tá Hoàng Văn Hải, Phó trưởng Công an huyện Điện Biên Đông cho biết:“Từ năm 2017 đến nay, mỏ vàng cơ bản ổn định. Song cũng có một số đối tượng ở các địa bàn khác, thuộc 6 tỉnh Tây Bắc vào thăm dò, thậm chí đưa quân, dựng lán trại để khai thác khoáng sản trái phép tiềm ẩn rất nhiều vấn đề về trật tự an toàn xã hội. Đặt biệt, vào thời điểm mùa mưa xuống, dòng chảy có là bà con bắt đầu vào nhặt quặng thì không may bị nước cuốn, đá sập làm chết. Như năm ngoái chết 2 người do đá sập, nên tiềm ẩn rất lớn về trật tự an toàn xã hội”.

Những tồn tại kéo dài này đã gây không ít hệ lụy cho chính quyền và người dân địa phương. 2 năm qua, đã có 2 mạng người bị đánh đổi vì những cuộc tìm kiếm vận may trái phép; hơn 30 ha diện tích lúa 2 vụ của hàng trăm hộ dân đứng trước nguy cơ không thể canh tác. Còn chính quyền địa phương thì vẫn chờ đợi được bàn giao lại những diện tích của mỏ vàng để tiến hành cải tạo, khôi phục.

Ông Bùi Ngọc La, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên nói: “Tỉnh đã giao cho Sở TN-MT là cơ quan chủ trì thực hiện đóng cửa mỏ vàng Phì Nhừ thế nhưng từ đó đến bây giờ cũng chưa thấy triển khai thực hiện. Nếu cứ để treo thế này thì việc quản lý mỏ vàng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi đề nghị là tỉnh chỉ đạo cơ quan chủ trì việc này là Sở TN-MT kiểm tra lại tiến độ thực hiện dự án đóng cửa mỏ và mong rằng dự án này càng thực hiện sớm càng tốt”.

Từ đánh giá trữ lượng vàng ở mỏ Háng Trợ không còn, thì việc đóng cửa mỏ, cải tạo và chuyển đổi sang trồng rừng là điều cần thiết. Tuy nhiên, trong khi lời giải này chưa thực thi, thì cuộc chiến âm thầm ở đây đã không còn đơn giản là giữa luật pháp với nạn “vàng tặc”, mà còn thêm thách thức mới khi xuất hiện mâu thuẫn giữa dân sở tại với người dân từ nhiều tỉnh khác về đây tìm kiếm giấc mơ vàng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Theo dấu chân "vàng tặc" tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Bắc Kạn
Theo dấu chân "vàng tặc" tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Bắc Kạn

VOV.VN -Nạn khai thác vàng trái phép trong vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Bắc Kạn diễn ra công khai, phá hủy môi trường sinh thái.

Theo dấu chân "vàng tặc" tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Bắc Kạn

Theo dấu chân "vàng tặc" tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Bắc Kạn

VOV.VN -Nạn khai thác vàng trái phép trong vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Bắc Kạn diễn ra công khai, phá hủy môi trường sinh thái.

Tận mắt thấy “vàng tặc” tàn phá Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Bắc Kạn
Tận mắt thấy “vàng tặc” tàn phá Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Bắc Kạn

VOV.VN - Nạn khai thác vàng trái phép trong vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (Bắc Kạn) diễn ra một cách công khai, phá hủy môi trường sinh thái.

Tận mắt thấy “vàng tặc” tàn phá Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Bắc Kạn

Tận mắt thấy “vàng tặc” tàn phá Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Bắc Kạn

VOV.VN - Nạn khai thác vàng trái phép trong vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (Bắc Kạn) diễn ra một cách công khai, phá hủy môi trường sinh thái.