Thăm làng nghề truyền thống chuyên may cờ Tổ quốc
VOV.VN -Những là cờ dù là cờ in hay thêu, cờ to hay nhỏ đều được những người thợ thổi “hồn” vào đó.
Khi cả nước đang hướng về kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9 cũng là lúc những người thợ may cờ của làng nghề Từ Vân, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội tất bật làm việc để kịp cung ứng cho thị trường cả nước. Những là cờ dù là cờ in hay thêu, cờ to hay nhỏ đều được những người thợ thổi “hồn” vào đó.
Người thợ may cờ của làng nghề Từ Vân, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội tất bật làm cờ. |
Những ngày này, công việc may và thêu cờ ở làng Từ Vân trở nên tất bật hơn bao giờ hết. Các công đoạn từ cắt vải may cờ với nhiều kích cỡ khác nhau đến công việc in hình ngôi sao, logo, thêu, may…tất cả đều diễn ra trong khuôn viên ngôi nhà rộng hàng trăm mét vuông của gia đình chị Vương Thị Nhung, là đời thứ 3 trong gia đình làm cờ Tổ quốc.
Nhanh tay hoàn thành những mũi thêu cuối cùng trên lá cờ đại mà khách hàng đặt trong dịp lễ 2/9, bà Lê Thị Tịnh, 70 tuổi, nhiều năm thêu cờ Tổ quốc chia sẻ, nghề này chỉ dành cho những người bình tĩnh, tỉ mỉ, nếu không yêu nghề sẽ không thể bám trụ lại được. Bởi từ khâu chọn vải, thêu, in, pha màu đến việc cắt ngôi sao, chọn chỉ may, thêu, làm logo, huy hiệu trên mỗi lá cờ đều không được phép chênh lệch. Nghề may cờ Tổ quốc cũng có nhiều cái khó so với các nghề may thêu khác và mỗi nhà đều có một bí quyết riêng nhưng cái khó nhất là phải thổi “hồn” vào từng là cờ dù là cờ to hay nhỏ, cờ in hay cờ thêu.
“Chúng tôi yêu nghề và theo nghề đến khi nào không làm được nữa thì mới thôi. Bây giờ nghề này chủ yếu những người già như chúng tôi làm thêm, còn các cháu trẻ đi làm công ty. Nhưng khi chúng nó về già cũng lại theo nghề này thôi. Nghề may cờ Tổ quốc sẽ chẳng bao giờ mất đi”, bà Tịnh nói.
Theo lịch sử ghi lại, từ thế kỷ 16, làng Từ Vân đã nổi tiếng cả trong và ngoài nước bởi các sản phẩm thêu, dệt. Thời đó, không ít người làng đã lên phố Hàng Bông, Hàng Gai, Hà Nội mở cửa hàng để bán các sản phẩm thêu truyền thống. Vào thời khắc lịch sử ngày 19/8/1945, cách mạng tháng 8 nổ ra, hàng vạn lá cờ của làng Từ Vân đã tung bay trên nhiều góc phố phường củaThủ đô Hà Nội. Đó cũng là cái mốc làng Từ Vân trở thành làng may cờ đỏ sao vàng. Ngày nay, không chỉ làm cờ tổ quốc các kích cỡ, làng nghề còn làm thêm các loại băng rôn theo yêu cầu của khách hàng.
Cờ Tổ quốc thêu thủ công. |
Anh Đặng Hồng Hiểu, người làm nghề lâu năm ở làng chia sẻ, trong khi những gia đình khác chọn in, may, thêu cờ Tổ quốc bằng máy thì gia đình anh Hiểu và chị Nhung là gia đình duy nhất ở làng thêu cờ Tổ quốc theo cách thủ công. Loại vải làm lá cờ được mua từ làng La Khê (quận Hà Đông, Hà Nội), còn chỉ thêu được mua từ làng Triều Khúc. Lá cờ khi hoàn thành không chỉ chính xác về tiêu chuẩn mà sắc nét, chắc chắn, ngôi sao vàng nổi bật trên nền cờ đỏ. Đó là lý do khách hàng từ khắp mọi nơi đều thích đặt mua cờ thêu của gia đình anh Hiểu.
“Vợ chồng tôi làm nghề này rồi không muốn làm nghề khác nữa. Những lá cờ đặt nơi trang trọng, hay nhiều lúc xem chương trình tivi, những buổi duyệt binh…những lá cờ Tổ quốc toàn nhà tôi thêu cả, hoặc những quân kỳ toàn nhà tôi thêu, mình cũng có một cái gì rất tự hào là mình làm ra những lá cờ đó, và cũng tự hào thay cho các anh chị em thêu lên những lá cờ đó, nó cũng rất tự hào cho cả những người thợ”.
Nhu cầu mua cờ Tổ quốc ngày càng nhiều và khách thập phương cũng biết tới ngôi làng truyền thống này nhiều hơn. Có những thời điểm, đặc biệt là dịp Đội tuyển bóng đá Việt Nam giành cup vô địch AFF cup 2018 và vô địch SEA Game 2019, cả gia đình chị Vương Thị Nhung phải huy động hàng chục thợ cắt, may, thêu, làm ngày làm đêm. Nhờ có công nghệ hỗ trợ mà công việc của những gia đình may thêu cờ Tổ quốc như gia đình chị Nhung cũng phần nào bớt vất vả.
“Có những lúc vất vả lắm, khách họ đặt nhiều phải làm ngày, làm đêm, cố gắng để in băng rôn, khẩu hiệu, cờ phục vụ người dân cả nước. Đây cũng là niềm đam mê của gia đình, phục vụ bà con nhân dân. Bây giờ có công nghệ máy móc hiện đại thì nhàn hơn ngày xưa, lên khuôn mình in ấn làm dễ hơn ngày xưa nhiều”.
Ngày nay, thanh niên trong làng rất ít người theo nghề bởi sự vất vả và tiền công thấp. Với mong muốn truyền nghề lại cho thế hệ đi sau, nhiều gia đình đã dạy con làm quen với nghề từ khi còn nhỏ, ý thức được đây là nghề cha ông truyền lại, cũng là niềm từ hào của dân làng Từ Vân.
Em Phạm Thu Trang, 15 tuổi, cần mẫn ngồi học thêu cờ chia sẻ: “Đối với hàng in và may thì chỉ mất thời gian ngắn nhưng cờ may thì mất thời gian gấp 10 lần hoặc hơn thế, thêu nhanh cũng phải 2-3 hôm mới xong một lá cờ. Hàng in, may có ở nhiều nơi nhưng hàng thêu chỉ mỗi nhà em có, em cũng thấy tự hào, thấy đặc biệt. Em rất muốn duy trì để nghề không bị mai một, không bị mất đi nét truyền thống”.
Những lá cờ được treo ở những nơi linh thiêng, trang trọng khiến người làm cờ Tổ quốc thêm gắn bó. |
Niềm vui của những người thêu cờ như anh Hiếu, chị Nhung ở làng nghề Từ Vân không chỉ là "đứa con tinh thần" đến được với khách hàng, mà còn được đón nhận và treo ở những nơi trang trọng, để niềm tự hào dân tộc được nhân lên bội phần: “Thêu được lá cờ chúng tôi cũng rất tự hào, công việc gắn bó với chúng tôi suốt cả một cuộc đời. Những lá cờ được treo ở những nơi linh thiêng, trang trọng càng khiến chúng tôi yêu nghề, thêm tâm huyết với nghề, theo đuổi nghề đến suốt đời”.
Trải qua biết bao biến cố, thăng trầm, cho đến nay nghề thêu và may cờ Tổ quốc ở thôn Từ Vân vẫn được duy trì. Khó khăn, vất vả là vậy song những lá cờ được làm ra từ bàn tay tài hoa, cần mẫn của những người thợ Từ Vân vẫn bền bỉ, óng đẹp theo thời gian, tung bay trên khắp mọi miền Tổ quốc. Đó là niềm tự hào và cũng chính là niềm tin nghề may cờ Tổ quốc của làng Từ Vân sẽ tồn tại mãi với thời gian./.