Tháng Bảy ở Vị Xuyên

VOV.VN - Tháng 7, những con dân đất Việt lại hướng lòng mình về những nơi biểu trưng cho quá khứ hào hùng, cho sự hy sinh lẫm liệt vì đất nước. Ngày 12/7 năm nay, chúng ta cùng nhớ lại, 37 năm về trước…

Tháng 7, những con dân đất Việt lại hướng lòng mình về những nơi biểu trưng cho quá khứ hào hùng, cho sự hy sinh lẫm liệt vì đất nước. Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, thành cổ Quảng Trị, ngã ba Đồng Lộc, hay mảnh đất Vị Xuyên đau thương trong cuộc chiến biên giới phía Bắc... tất cả đều nhắc nhở chúng ta về những năm tháng oằn mình của dải đất hình chữ S. Ngày 12/7 năm nay, chúng ta cùng nhớ lại, 37 năm về trước…

Chiến dịch bảo vệ biên giới

Mặt trận biên giới Vị Xuyên, kéo dài suốt nhiều năm, từ 1979 - 1984. Đạn pháo cày xới đêm ngày. "Chúng tôi không bao giờ quên được đồng đội Nguyễn Viết Ninh khắc vào báng súng lời thề Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử. Y tá Lê Trần Mãn xông lên giật cờ, quyết không cho quân địch cắm cờ trên đỉnh 685". Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy- nguyên Phó Tư lệnh quân khu 2; nguyên Tham mưu trưởng mặt trận Vị Xuyên thời kỳ 1985 – 1989 nhớ lại... “Sống bám đá, chết thì hóa đá, và ở lại giữ bằng được đất nước, biên giới của chúng ta. Khẩu hiệu của anh em quyết tâm đến mức độ như thế, giữ bằng được biên cương của chúng ta, chứ không riêng gì cá nhân nào cả…”

Tháng 2/1979, biên giới 6 tỉnh phía Bắc của Việt Nam đồng loạt bị quân xâm lược tấn công, có nơi vào sâu trong đất liền tới 50 km, phá hoại và san bằng thị xã Lào Cai, Cao Bằng, một phần thị xã Lạng Sơn cùng nhiều làng mạc. Trải qua 30 ngày chiến đấu ác liệt, quân dân 6 tỉnh biên giới đã đánh bại "chiến thuật biển người, thọc sâu phá hoại" của quân địch, buộc họ phải rút khỏi Việt Nam vào ngày 18/3. Song, chiến sự vẫn tiếp diễn suốt 10 năm sau đó.

Để giữ vững biên cương, 9 sư đoàn chủ lực cùng nhiều trung đoàn, tiểu đoàn trực tiếp tham chiến tại mặt trận Vị Xuyên.  Sư đoàn 356 được điều từ Lào Cai sang cùng các lực lượng của Sư đoàn 312, 313, 314, 316 thực hiện Chiến dịch MB 84 nhằm chiếm lại các điểm cao đã mất. Ông Đường Minh Tuấn, đại đội 14, trung đoàn 122, sư đoàn 313 không thể nào quên tinh thần ngày ấy, dưới mưa bom bão đạn: “Lúc đó tôi rất vô tư, chỉ nghĩ là phải phòng thủ và canh gác, làm nhiệm vụ bảo vệ mảnh đất biên cương, cao điểm 1509 trong thời điểm đó. Ngày 28/4/1984, pháo của địch bắt đầu đánh cấp tập lên 1509, tôi trên đài quan sát, bắn hơn 1 tiếng thì ngớt dần, tất cả các loại pháo bắn quá dày trên đầu…".

Trận địa C9 đồi chè, ông Nguyễn Tiến Viên- tiểu đoàn 12, trung đoàn 457, sư đoàn 313 đã trực tiếp bắn hàng trăm quả pháo về phía kẻ thù, nhưng đơn vị ông cũng hứng chịu liên tiếp các đợt trả đũa. Khoảng 27.000 quả đạn pháo kẻ địch đã bắn vào biên giới Vị Xuyên chỉ trong tháng 5-1984. Những dấu vết tới giờ vẫn còn sót lại. Ông Viên nhớ lại: "Hố pháo còn rất to, nguyên xi đây, chúng tôi mường tượng ra ruộng cày chúng ta liên tiếp đào xới lên để trồng khoai trồng lúa thì trận địa này như thế, quả nọ chồng quả kia, họ bắn suốt đêm suốt ngày, lò vôi thế kỷ là như thế…".

Một trong những trận đánh khốc liệt nhất của chiến dịch bảo vệ biên giới diễn ra ngày 12/7/1984. Do tương quan lực lượng và địa hình phức tạp, chỉ trong một ngày, 600 chiến sĩ hy sinh. Sư đoàn 356 chịu tổn thất lớn, vì thế các cựu binh F356 lấy ngày này làm ngày giỗ trận của sư đoàn.

Mặt trận Vị Xuyên từ sau ngày 12/7/1984 không lúc nào ngơi tiếng súng. Cuối năm 1984, đầu năm 1985, hai bên huy động hỏa lực lớn, giao tranh quyết liệt để giành giật từng cao điểm và bình độ 300-400. Tháng 10/1984, dưới sự chỉ đạo của Thiếu tướng Hoàng Đan, Tư lệnh mặt trận Vị Xuyên, Trung đoàn 153 đánh lấn dũi trong vòng hơn 3 tháng, tái chiếm và giữ vững được cao điểm 685. Mặt trận Vị Xuyên - Thanh Thuỷ được xác định là vùng chiến sự ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh chống lấn chiếm biên giới phía Bắc từ 1984-1989.

“Trong cuộc chiến giữ biên giới Vị Xuyên, quân dân ta không phải đối đầu với lực lượng nhỏ mà là với những binh đoàn lớn, chiến lược của quân Trung Quốc. Không chỉ tổn thất lớn bởi con số 4000 chiến sỹ hy sinh, hơn 9000 cán bộ chiến sĩ bị thương, mà riêng tỉnh Hà Giang còn huy động 12.000 dân công hỏa tuyến cùng 20.000 dân quân miền xuôi tham gia đào đắp hàng vạn mét hào, đường giao thông, chi viện lương thực, thực phẩm… để xây dựng phòng tuyến. Bởi vậy, đó là chiến thắng của sự quyết tâm giữ vững chủ quyền biên giới. Lịch sử không quên, không thể nào quên và không ai được phép quên” (trích lời Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy - nguyên Phó Tư lệnh quân khu 2; nguyên Tham mưu trưởng mặt trận Vị Xuyên thời kỳ 1985 – 1989).

Tuổi xanh gửi lại chốn này…

Cuộc chiến biên giới Vị Xuyên (Hà Giang) đã trôi qua 37 năm. Những cựu binh năm xưa người trở về đời thường, người tiếp tục theo nghiệp lính. Còn lại trên mảnh đất Hà Giang nơi yên nghỉ của hơn 1.800 liệt sĩ hy sinh ở mặt trận Vị Xuyên trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc.

Tháng 7 hàng năm, từng lớp cựu binh từ TP.HCM, Hà Nội, Yên Bái, Lào Cai… lại tụ họp về Vị Xuyên, thắp hương tưởng nhớ đồng đội. "Đau đớn nhất là những người còn nằm trên sườn giông, vách đá, qua bao nhiêu sương gió và cả sự lãng quên của người đời, chỉ còn là những linh hồn phiêu bạt. Nguyện ước của chúng tôi là quy tập được hài cốt anh em, giải quyết được chế độ cho những người trở về”. Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy (nguyên Phó Tư lệnh quân khu 2; nguyên Tham mưu trưởng mặt trận Vị Xuyên thời kỳ 1985 – 1989) ngậm ngùi xúc động: “Lên thắp hương cho anh em, tôi thương anh em lắm, như con cháu chúng tôi. Sách giáo khoa cũng cần viết về cuộc chiến tranh này, để nhân dân biết nó ác liệt như thế nào…

Về biên giới Vị Xuyên những ngày tháng 7, chúng tôi lại nhớ vần thơ cựu binh Đặng Việt Châu - nguyên chính trị viên Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356 - viết ngày 2-9-1984, khi đơn vị làm giỗ 50 ngày cho các đồng đội đã hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên: "Những chiến sĩ con dân đất Việt/ Khi Tổ quốc cần tuổi xuân đâu tiếc/ Lưng trần, cắp súng xung phong/ Đạn xé nát vai đạn cày rách mặt/ Súng trên tay rực rửa/ Xung phong giữ đất biên thùy".

Những cảm xúc về đồng đội còn mãi trong tâm thức và trái tim của những người lính, như cựu chiến binh Nguyễn Văn Kim, năm nào dù bận đến mấy, cũng từ Yên Bái về Vị Xuyên đúng ngày giỗ trận. Nguyên là chiến sĩ truyền đạt tiểu đoàn 3, trung đoàn 876, sư đoàn 356, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Kim ngày ấy được vinh dự kết nạp vào Đảng và tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba ngay sau trận chiến 12/7. Những ân tình với đồng đội cũ khiến ông tận tụy với các công việc tri ân như: xây dựng cây hương, rồi đài tưởng niệm liệt sĩ Vị Xuyên suốt trong 3 năm trời, tặng bò giống cho các gia đình anh hùng liệt sĩ khó khăn …

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy - nguyên Phó Tư lệnh quân khu 2; nguyên Tham mưu trưởng mặt trận Vị Xuyên thời kỳ 1985 – 1989: “Tôi ở trên mặt trận Vị Xuyên 10 năm, và trực tiếp ở trên chiến trường 5 năm, chúng tôi trong kỷ niệm chương đã tổng hợp tinh thần này là: Hà Tuyên trung dũng, kiên cường và chiến thắng, biểu thị tất cả tinh thần chiến đấu của người lính Vị Xuyên”.

Ông trăn trở: “Anh em chúng tôi làm tất cả vì cái tâm, chúng tôi vẫn động viên an ủi nhau trong cuộc sống, mình vẫn còn may mắn hơn biết bao đồng đội vẫn còn nằm lại, những việc mình làm so với đồng đội đã hy sinh là hết sức nhỏ bé. Chúng tôi còn day dứt rất nhiều, nghĩa trang Vị Xuyên giờ hơn 1.800 ngôi mộ liệt sĩ, mong sao sau khi cải tạo xong nghĩa trang, thì trả lại tên cho anh em đúng đơn vị, đúng quê quán. Mong sao Đảng và Nhà nước cố gắng rà phá hết bom mìn để quy tập anh em về càng nhiều càng tốt”.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Kim (sư đoàn 356): “Chúng tôi là những người đi trước, chỉ mong muốn thế hệ trẻ nối gót cha ông, sẵn sàng chiến đấu như những người lính Vị Xuyên, một tấc không đi, một ly không rời, nối nghiệp truyền thống cha ông của 4000 năm dựng nước và giữ nước”.

Ngay “ngã ba tử thần” Thanh Thủy xưa kia, nay sừng sững Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh trong cuộc chiến biên giới phía Bắc. 12/7 năm nào cũng vậy. Bên lá cờ Tổ quốc, cán bộ chiến sĩ đứng lặng nhìn lên các điểm cao năm xưa, tự hứa với lớp cha anh, quyết tâm xây dựng và bảo vệ biên giới Vị Xuyên bình yên, hữu nghị, đời sống đồng bào các dân tộc ấm no, hạnh phúc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ký ức Vị Xuyên khôn nguôi trong tâm trí những cựu chiến binh Yên Bái
Ký ức Vị Xuyên khôn nguôi trong tâm trí những cựu chiến binh Yên Bái

VOV.VN - Vị Xuyên đã ghi dấu những tháng ngày hào hùng không thể quên đối với những cựu chiến binh Sư đoàn 356 ( Quân khu 2) hiện đang sinh sống tại Yên Bái.

Ký ức Vị Xuyên khôn nguôi trong tâm trí những cựu chiến binh Yên Bái

Ký ức Vị Xuyên khôn nguôi trong tâm trí những cựu chiến binh Yên Bái

VOV.VN - Vị Xuyên đã ghi dấu những tháng ngày hào hùng không thể quên đối với những cựu chiến binh Sư đoàn 356 ( Quân khu 2) hiện đang sinh sống tại Yên Bái.

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Vị Xuyên hồi sinh
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Vị Xuyên hồi sinh

VOV.VN - Những điểm cao túi đạn hố pháo chiến trường ác liệt năm xưa thì nay đã hồi sinh thành các điểm trường Mầm non Nậm Ngặt.

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Vị Xuyên hồi sinh

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Vị Xuyên hồi sinh

VOV.VN - Những điểm cao túi đạn hố pháo chiến trường ác liệt năm xưa thì nay đã hồi sinh thành các điểm trường Mầm non Nậm Ngặt.

Ký ức của các cựu chiến binh Sơn La về cuộc chiến Vị Xuyên
Ký ức của các cựu chiến binh Sơn La về cuộc chiến Vị Xuyên

VOV.VN - Người lính trên mặt trận Vị Xuyên không bao giờ quên ký ức khốc liệt của cuộc chiến tranh cũng như tinh thần quả cảm của bộ đội trong bảo vệ Tổ quốc.

Ký ức của các cựu chiến binh Sơn La về cuộc chiến Vị Xuyên

Ký ức của các cựu chiến binh Sơn La về cuộc chiến Vị Xuyên

VOV.VN - Người lính trên mặt trận Vị Xuyên không bao giờ quên ký ức khốc liệt của cuộc chiến tranh cũng như tinh thần quả cảm của bộ đội trong bảo vệ Tổ quốc.